Thursday, March 28, 2024
Trang chủBiển nóngBản tin Biển Đông ngày 05/10/2016

Bản tin Biển Đông ngày 05/10/2016

Bản tin Biển Đông ngày 05/10/2016.

Một tàu chiến Indonesia phóng tên lửa chống tàu C-802 trong một cuộc tập trận. Ảnh: IHS Jane’s.

1) Indonesia sắp triển khai tập trận quân sự lớn nhất chưa từng có tại Biển Đông

Ngày 4/10, trang IHS Jane’s Defence WeeklyReuters đưa tin:

Theo nguồn tin ngày 3/10 từ trụ sở Lực lượng Vũ trang Indonesia (TNI) cho biết, tất cả ba nhánh của lực lượng này sẽ triển khai một loạt các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn, bắt đầu từ ngày 6/10 tại khu vực quần đảo Natuna, cụ thể là Pulau Natuna Besar, trên Biển Đông. Đợt tập trận này sẽ bắt đầu bằng một cuộc diễn tập với sự tham gia của Không quân Indonesia và các lực lượng đặc biệt trên mặt đất trong cuộc tập trận ‘Angkasa Yudha’. Theo Người Phát ngôn của Không quân Indonesia, Jemi Trisonjaya, cuộc tập trận lần này là nhằm thể hiện sự hiện diện của nước này ở khu vực và không quân của Indonesia đủ khả năng để “thực hiện hành động răn đe”. IHS Jane’s cũng cho biết, Tổng Tư lệnh của TNI Gatot Nurmantyo đã yêu cầu tiếp tục triển khai cuộc tập trận “Armada Jaya” hồi đầu tháng 9 ở gần khu vực quần đảo Natuna sau khi phóng không thành công tên lửa chống hạm C-705 do Trung Quốc sản xuất. Theo đó, Hải quân Indonesia sẽ thử phóng tên lửa chống hạm C-802 cũng của Trung Quốc, từ tàu chống tên lửa loại Todak KRI Layang (805). Cũng tại khu vực này, cuộc tập trận “Armada Jaya” sẽ được thực hiện sau các cuộc tập trận trên đất liền do Quân đội Indonesia tiến hành.

2) Chuyên gia cho biết: Sự đoàn kết của ASEAN có thể thách thức Bắc Kinh về các yêu sách ở Biển Đông

Ngày 4/10, tạp chí The Economic Times đưa tin:

Tại Hội thảo “Tranh chấp phức tạp Biển Đông: Tìm kiếm Giải pháp chính trị và pháp lý” do Hội Nghiên cứu Ấn Độ Dương tổ chức ngày 3/10, giáo sư Baladas Ghoshal nhấn mạnh, sự đoàn kết của ASEAN có thể thách thức Bắc Kinh về các yêu sách của nước này trên Biển Đông. Ông kêu gọi các quốc gia ASEAN cần phải thể hiện một “lập trường thống nhất” dù cũng lưu ý rằng không phải lúc nào các nước ASEAN cũng hoàn toàn nhất trí đưa ra lập trường về các vấn đề như Đông Ti-mo hay khủng hoảng kinh tế châu Á. Ngoài ra, theo giáo sư V. G. Hedge, Giáo sư Công pháp thuộc trường Đại học Jawwaharlal Naehru, dù Trung Quốc không tham gia vào quá trình xét xử Trọng tài vụ kiện Biển Đông, đồng thời ngoài mặt thì tỏ ra quyết đoán và cương quyết, nhưng nước này cuối cùng cũng sẽ phải tuân thủ Phán quyết Trọng tài ngày 12/7. 

3) Philippines, Mỹ tổ chức tập trận trong bối cảnh Tổng thống Duterte đưa ra các chỉ trích nhằm vào Mỹ

Ngày 4/10, tạp chí The Strait Times đưa tin từ AFP:

Ngày 4/10, hai nước Philippines và Mỹ đã tổ chức diễn tập trong bối cảnh người lãnh đạo đầy kích động của Philippines bất ngờ yêu cầu rút bỏ các lực lượng của Mỹ ra khỏi lãnh thổ nước này. Cụ thể, toàn bộ 2000 quân của hai bên đã tham gia vào các cuộc tập trận tại các vùng biển thuộc điểm nóng ở Biển Đông. Gần đây, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte liên tiếp có những phát biểu công kích nhằm vào Mỹ để phản ứng lại những chỉ trích đối với cuộc truy quét tội phạm ma túy của ông, thậm chí còn đe dọa sẽ phá vỡ thỏa thuận quốc phòng được chính quyền tiền nhiệm sử dụng nhằm tạo điều kiện cho quân đội Mỹ hiện diện nhiều hơn ở Philippines, góp phần đối trọng với sự hiện diện của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông Duterte vẫn khăng khăng những gì ông làm không có gì là bất hợp pháp. Tuy nhiên, những phát biểu thiếu tích cực của ông này cho đến nay vẫn chưa phải là chính sách của Chính phủ Philippines, quan hệ giữa hai nước về cơ bản vẫn “không thay đổi”, như Người Phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines Arsenio Andolong đã tuyên bố với hãng thông tấn AFP ngày 3/10. Bên cạnh đó, Đại diện Đại sứ quán Mỹ tại Philippines Molly Koscina cũng đã khẳng định phía Mỹ sẽ tiếp tục tôn trọng các cam kết đồng minh và hy vọng Philippines cũng cùng chung quan điểm này.

4) Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tỏ ý muốn thỏa thuận trao đổi vũ khí với Nga và Trung Quốc

Ngày 5/10, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đưa tin:

Ngày 4/10, bình luận về việc Mỹ chỉ trích việc trừng trị tội phạm ma túy ở Philippines hiện nay, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lại một lần nữa dùng những lời thô lỗ để chửi bới Tổng thống Mỹ Barack Obama “Hãy cút xuống địa ngục!” và thậm chí còn nói rằng, dù Mỹ có từ chối không bán vũ khí cho Philippines thì ông này cũng không quan tâm vì đã có Nga và Trung Quốc sẵn sàng cung cấp vũ khí. Ông Duterte cũng giải thích rằng cơn giận của ông xuất phát từ việc Mỹ đã lên án cuộc truy quét của mình ở Philippines và biện minh “tôi có nghĩa vụ thiêng liêng là đảm bảo sự toàn vẹn của thể chế cộng hòa này và sự thịnh vượng của người dân”. Trước những phát biểu ngông cuồng này, ngày 4/10, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby vẫn bình tĩnh đáp rằng “Thành thực mà nói, dường như có một số vấn đề với quan hệ nồng ấm đang có giữa hai dân tộc”. Tuy nhiên, cùng ngày, các quan chức Mỹ cho biết cho đến thời điểm hiện nay chưa có cuộc trao đổi nghiêm túc nào về việc Mỹ sẽ chấm dứt cung cấp hỗ trợ cho phía Philippines.

5) Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sẽ phải đối mặt với nhiều trở ngại lớn nếu muốn cắt giảm hoạt động mua bán vũ khí của Mỹ

Ngày 5/10, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đưa tin:

Ngày 4/10, một số chuyên gia nhận định Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sẽ phải đối mặt với nhiều trở ngại lớn sau lời đe dọa ngày 4/10 sẽ cắt giảm hoạt động mua bán vũ khí của Mỹ để chuyển sang hai nguồn khác là Nga và Trung Quốc, chưa kể hoạt động đào tạo lại quân đội vốn đã quen phối hợp với các lực lượng của Mỹ. Phát biểu mới nhất của ông Duterte nhằm vào Mỹ đã đặt ra dấu hỏi lớn cho mối quan hệ đồng minh lâu năm quan trọng đối với chiến lược tái cân bằng của Mỹ ở châu Á nhằm đối trọng với một Trung Quốc hung hăng, hiếu chiếu. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Mỹ hiện đang là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Philippines. Đồng thời, Philippines cũng là nước nhận được nhiều hỗ trợ nhất của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương theo Chương trình Cung cấp Tài chính quân sự nước ngoài với 50 triệu đô có được trong năm tài khóa 2015. Trong vòng hai năm trở lại đây, quan hệ quân sự giữa hai nước đang ngày càng trở nên khăng khít với các cuộc tập trận và huấn luyện chung. Theo Richard Javad Heydarian, giáo sư đại học De La Salle, Manila, cựu cố vấn Thượng viện Philippines, sự phụ thuộc vào hệ thống quân sự và vũ khí của Mỹ cho thấy quân đội Philippines cần phải trang bị lại cho hệ thống chỉ huy và kiểm soát của mình nếu muốn chuyển sang hợp tác với phía Nga và Trung Quốc, và “phải mất vài năm để quân đội Philippines chuyển sang thích ứng với công nghệ mới. Bên cạnh đó, ông Lyle Goldstein, chuyên gia nghiên cứu các vấn đề trên biển của Trung Quốc tại Đại học Hải chiến Mỹ, cho hay, dù Nga có thể cung cấp hệ thống vũ khí tốt nhưng Philippines sẽ phải tính đến cả khả năng phối hợp sử dụng số vũ khí này với kho vũ khí của Mỹ hiện có. Theo bà Amy Searight, chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, cựu quan chức Quốc phòng Mỹ, Mỹ đã có uy tín trong thực hiện hợp tác quân sự với Philippines, nhất là trong các hoạt động hỗ trợ huấn luyện và bảo trì trang thiết bị. Bà cũng nhấn mạnh rằng, “vấn đề không nằm ở vũ khí hay quân bị, vấn đề nằm ở việc sử dụng chúng như thế nào để xây dựng thực lực”. Các chuyên gia cho biết thêm, có thể ông Duterte đang muốn củng cố vị thế của mình để có thể thương thảo về chi phí cung cấp trang thiết bị quân sự từ Mỹ, do vũ khí của Nga và Trung Quốc thường có giá rẻ hơn vũ khí của Mỹ. 

RELATED ARTICLES

Tin mới