Thursday, April 25, 2024
Trang chủBiển nóngLiệu Mỹ tính "thỏa hiệp" với TQ trên Biển Đông?

Liệu Mỹ tính “thỏa hiệp” với TQ trên Biển Đông?

Khi được hỏi về việc mở rộng chiến lược quân sự nhằm ngăn chặn những hành động “khó giải quyết” như việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo, Tướng Hải quân Mỹ nhấn mạnh cần theo đuổi sự “thỏa hiệp” chứ không phải là xung đột.

Hải quân Mỹ quyết định tiếp tục tuần tra gần các hòn đảo mà
Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. 

Theo AP, trong một sự kiện tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) ở Washington hôm 3/10, các phóng viên đã đặt câu hỏi cho Đô đốc John Richardson về việc “Hải quân Mỹ đã có sức ép gì để ngăn chặn những hành động sai phạm” trên Biển Đông như việc xây dựng các hòn đảo nhân tạo ngay trên khu vực đang xảy ra tranh chấp chủ quyền giữa các nước. 

Tuy nhiên, phát biểu tại CSIS, ông Richardson không đề cập tới những hoạt động của Mỹ ở Biển Đông mà chỉ chú trọng tới “những lợi ích chung” giữa Mỹ, Trung Quốc và các nước trong khu vực cũng như sự cần thiết theo đuổi phương án thỏa hiệp thông qua các biện pháp hòa bình. 

“Chúng tôi hy vọng đạt được một thỏa thuận mà tất cả các nước trong khu vực bao gồm Mỹ và Trung Quốc đều chấp nhận chứ không cần tới một cuộc xung đột. Điều hiển nhiên là chúng tôi không mong muốn phát động một cuộc chiến hay chỉ vì sự bất cẩn và không may mà tạo nên một cuộc xung đột”, Tướng Richardson nói. 

Tuyên bố của Tướng Richardson được đưa ra chỉ sau vài ngày Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter cho hay Mỹ sẽ tiến hành thêm các cuộc tuần tra với một số nước ở châu Á – Thái Bình Dương nhằm đảm bảo quyền tự do hàng hải và hàng không. Hải quân Mỹ cũng một lần nữa khẳng định tiếp tục điều tàu chiến tới tuần tra gần các khu vực đang xảy ra tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông mà phía Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền. 

Căng thẳng trên Biển Đông leo thang kể từ khi Trung Quốc tiến hành cải tạo và xây dựng hàng loạt đảo nhân tạo trên những khu vực đang xảy ra tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và tiến hành quân sự hóa ở đây. Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã cho xây các đường băng và nhà kho ngay trên các đảo nhân tạo. Về phần mình, Bắc Kinh vẫn một mực khẳng định họ không có ý định quân sự hóa ở các đảo nhân tạo. 

Thậm chí, Trung Quốc còn phủ nhận phán quyết hồi tháng Bảy của Tòa trọng tài quốc tế. Trước đó, hôm 12/7, Tòa quốc tế đã ra phán quyết phủ nhận tuyên bố chủ quyền phi lý “đường chín đoạn” của Trung Quốc trên Biển Đông. 

Khác với những phát biểu trước đây của giới chức quân sự Mỹ, trong bài phát biểu tại CSIS, Tướng Richardson không hề đề cập tới hoạt động xây đảo nhân tạo hay các tuyên bố chủ quyền đơn phương của Trung Quốc cũng như phán quyết của Tòa trọng tài. 

Theo ông Richardson, phần lớn các cuộc đối đầu ở vùng biển châu Á – Thái Bình Dương giữa Mỹ và Hải quân nước ngoài cụ thể là Trung Quốc mà ông này từng chứng kiến khi ở trên tàu USS John C. Stennis vẫn nằm trong khuôn khổ quy định của Bộ quy tắc ứng xử cho những cuộc chạm trán ngoài ý muốn trên biển (CUES). CUES được Mỹ và Trung Quốc thành lập với sự tham gia của 21 quốc gia Thái Bình Dương vào năm 2014 để ngăn chặn những tính toán sai lầm và leo thang căng thẳng trên biển. 

Cũng theo ông Richardson, Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện ở Biển Đông song vẫn nhấn mạnh sự cần thiết hợp tác với Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng trên vùng biển này vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu. Ngoài ra, Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động đảm bảo quyền tự do hàng hải trên Biển Đông theo quy định của luật pháp quốc tế. 

Lâu nay, chính sách đối ngoại với Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Barack Obama đã vấp phải sự chỉ trích nặng nề khi không thể ngăn chặn hành động ngang ngược của Bắc Kinh trên Biển Đông. Hồi tháng trước, một nhóm chuyên gia nghiên cứu luật hàng hải và châu Á báo cáo trước Hạ viện Mỹ rằng cần có thêm cả biện pháp quân sự và ngoại giao để kiềm chế tham vọng bá chủ của Trung Quốc trên Biển Đông. 

Giáo sư luật quốc tế tại Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, ông James Kraska còn chỉ trích việc chính phủ Mỹ không thể ngăn Trung Quốc đưa ra các “tuyên bố chủ quyền phi pháp” trên Biển Đông. 

“Chúng ta nên tránh những từ nói giảm nói tránh bởi nó sẽ gây ra sự mập mờ và nghi ngờ trong khi lại có lợi cho Trung Quốc”, ông Kraska chia sẻ. 

Hồi tuần trước, tờ Navy Times cho hay Nhà Trắng đã yêu cầu các quan chức Lầu Năm Góc không dùng từ “cạnh tranh” khi thảo luận về những thách thức quân sự từ Trung Quốc. 

RELATED ARTICLES

Tin mới