Wednesday, April 24, 2024
Trang chủBiển nóngBao nhiêu cuộc tập trận trên Biển Đông đang diễn ra?

Bao nhiêu cuộc tập trận trên Biển Đông đang diễn ra?

Ngay cả trong thời điểm Washington tham chiến ở Syria và đối đầu với Nga, Biển Đông vẫn là một trong những điểm nóng nguy hiểm với hàng loạt cuộc tập trận chung giữa Mỹ và các đồng minh.

Cuộc tập trận chung của Mỹ và Philippines hồi năm 2014. 

Trong những năm gần đây, căng thẳng trên Biển Đông không ngừng gia tăng khi một số quốc gia trong khu vực như Philippines lên tiếng phản đối mạnh mẽ hành động Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm chủ quyền. Sau phán quyết phủ nhận chủ quyền phi lý “đường chín đoạn” trên Biển Đông của Trung Quốc do Tòa án quốc tế công bố hồi tháng Bảy, căng thẳng trên vùng biển chiến lược ở châu Á vẫn không có dấu hiệu lắng dịu khi Bắc Kinh tiếp tục có những hành động khẳng định chủ quyền đơn phương. 

Trong khi đó, hoạt động tuần tra của Mỹ trên Biển Đông nhằm “đảm bảo quyền tự do hàng hải” được giới chuyên gia nhìn nhận như là động thái tăng cường mối quan hệ quân sự với các nước Đông Nam Á cũng như thắt chặt quan hệ giữa các đồng minh châu Á. 

Lâu nay, Biển Đông giữ vị trí quan trọng trong chiến lược chiến tranh trên biển của Lầu Năm Góc nếu không may xảy ra xung đột với Trung Quốc. Theo ABC News, sự xuất hiện liên tiếp các cuộc tập trận gần đây cũng đã hâm nóng căng thẳng an ninh trong khu vực. 

Cụ thể, Anh, Australia, New Zealand, Malaysia và Singapore đang tiến hành cuộc tập trận chung kéo dài 3 tuần tại nhiều địa điểm bao gồm khu vực Biển Đông. Năm quốc gia đã điều động binh lính, tàu chiến và máy bay quân sự tới tham gia tập trận. Đây là cuộc tập trận theo khuôn khổ Hiệp ước quốc phòng 5 nước được ký kết hồi năm 1971 nhằm chuẩn bị phương án đối phó trong trường hợp không may Malaysia hoặc Singapore bị tấn công.  

Ngoài ra, Indonesia hiện cũng đang tiến hành cuộc tập trận không quân có quy mô lớn nhất từ trước tới nay tại quần đảo Natuna trên Biển Đông. Indonesia đã điều động hơn 2.000 lính không quân tham gia tập trận cùng với các chiến đấu cơ Sukhoi và F-16 mua của Nga. Mặc dù Trung Quốc thừa nhận chủ quyền của Indonesia đối với quần đảo Natuna song tuyên bố chủ quyền đơn phương của Trung Quốc trên Biển Đông lại nằm chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới cuộc đụng độ giữa các tàu cá Trung Quốc và Hải quân Indonesia hồi tháng Sáu. 

Dù quan hệ giữa Washington và Manila rơi vào căng thẳng sau khi ông Rodrigo Duterte trở thành Tổng thống Philippines song hai nước vẫn tổ chức cuộc tập trận chung bao gồm nội dung diễn tập tấn công đổ bộ. Khoảng 1.400 lính thủy đánh bộ và thủy thủ Mỹ cùng với 500 binh sĩ Philippines đã tham gia các bài tập nhằm “chuẩn bị cho khả năng cùng ứng phó trước các thảm họa thiên nhiên hoặc xung đột”. Mặc dù ông Duterte từng nhấn mạnh đây sẽ là cuộc tập trận chung cuối cùng giữa Mỹ và Philippines song Bộ trưởng Quốc phòng Philippines khẳng định ông này chưa nhận được mệnh lệnh nào liên quan tới việc ngừng các cuộc diễn tập chung với Mỹ trong tương lai. 

Về phần mình, Trung Quốc cáo buộc các cuộc tập trận quân sự mà Mỹ tiến hành trên Biển Đông và ở châu Á là nhằm củng cố năng lực quân sự trong khu vực trong khi các nước tham gia cùng chỉ là để làm hài lòng Washington. Ngoài hoạt động tiếp tục mở rộng diện tích cải tạo và bồi đắp trên các bãi đá ngầm và đảo đá ở Biển Đông, Trung Quốc đã cùng Nga tổ chức cuộc tập trận hải quân hồi tháng Chín. 

Trong khi đó, Lầu Năm Góc vẫn quyết tâm duy trì vị thế số 1 ở Biển Đông. Điều này được thể hiện qua tuyên bố của ông Dennis Blair, cựu Tư lệnh các lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương. “Nếu Trung Quốc vẫn theo đuổi con đường đã chọn và cho rằng toàn khu vực Biển Đông thuộc chủ quyền của họ để ngăn chặn hoạt động của Mỹ và các lực lượng vũ trang khác hoạt động tại vùng biển này, Mỹ sẽ không để yên và không để chuyện đó xảy ra”, ông Blair phát biểu trên hãng tin ABC News hôm 3/10. 

Mỹ cũng đã nhiều lần lên tiếng phản đối hoạt động cải tạo trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông như xây các bến cảng và đường băng bởi đây là bằng chứng cho thấy tham vọng quân sự hóa và giành ưu thế trên Biển Đông của Bắc Kinh. Ông Blair còn khẳng định nếu không may xảy ra chiến tranh, “quân đội Mỹ sẽ chỉ mất 10 – 15 phút để vô hiệu hóa các tiền đồn của Trung Quốc ở Biển Đông”. 

Ngoài ra, ông Blair cũng kêu gọi Australia tham gia tuần tra chung trên Biển Đông với Mỹ “nhằm khi cần có thể điều động các lực lượng vũ trang tới không phận và hải phận quốc tế”. Tính đến nay, Hải quân Mỹ đã thực hiện 3 cuộc tuần tra dưới danh nghĩa “đảm bảo quyền tự do hàng hải” gần các hòn đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đơn phương ở Biển Đông. 

Theo ông Blair, cả Mỹ và Trung Quốc đều không muốn dùng chiến tranh để giải quyết bất đồng. Tuy nhiên, quan hệ hai bên vẫn đang ở thế đối đầu và dường như không thể thỏa hiệp. “Tôi cho rằng thật khó để hai nước hiểu ý đồ của mỗi bên và khó có thể đi tới thỏa hiệp”, ông Blair nói. 

Chính sách “trục châu Á” của chính quyền Tổng thống Obama là một trong những nỗ lực nhằm duy trì vị thế số 1 của Mỹ ở châu Á bao gồm hoạt động tăng cường sức mạnh quân sự. Thậm chí, Lầu Năm Góc còn cam kết điều động 60% lực lượng hải quân và vũ khí không quân tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho tới năm 2020. 

Hồi tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter còn ra thông báo về “giai đoạn thứ 3” trong chiến lược tái cân bằng quân sự bao gồm việc phát triển một hệ thống vũ khí mới nhằm chuẩn bị cho cuộc chiến với Trung Quốc. 

Trong bối cảnh hiện nay khi mà những căng thẳng trên Biển Đông vẫn không ngừng xuất hiện thì bất cứ va chạm hay xung đột nào liên quan tới Trung Quốc và Mỹ hay đồng minh của Washington, cũng có thể dẫn tới một cuộc xung đột giữa hai cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân. 
RELATED ARTICLES

Tin mới