Thursday, April 25, 2024
Trang chủĐiểm tinMáy bay ''made in VN'' xin miễn thuế

Máy bay ”made in VN” xin miễn thuế

Thay vì chờ đợi vào các cơ quan trong việc cấp phép, bản thân ông Hiển tự thăm dò, xin gia nhập Câu lạc bộ hàng không VN.

Kỹ sư Bùi Hiển trên máy bay “Giấc Mơ”

Sẽ làm đơn

Ngày 11/10, chia sẻ với chúng tôi, kỹ sư Bùi Hiển (Bình Dương) cho biết: “Những ngày qua, sau khi bay thử nghiệm các loại hình, bay treo thành công, tôi đang dành thời gian để chỉnh sửa lại chiếc máy bay cho hoàn chỉnh.

Từ giờ đến lúc được cấp phép bay thử chính thức, tôi sẽ bay lại một lần nữa, cho đến khi thuần thục”.

Bên cạnh đó, nói về thủ tục xin cấp phép bay, theo ông Hiển, hiện nay, ông đã nhờ một người quen ở Bộ Công thương hỏi thủ tục về việc xin được miễn giảm thuế nhập khẩu các thiết bị của máy bay.

Bởi vì, giá thành của động cơ, đĩa điều khiển cũng như cánh máy bay, theo chi phí dự tính không chịu thuế là 700-800 triệu đồng, nhưng nếu có thuế thì giá thành gấp 3 lần, gần 2 tỷ, bản thân ông Hiển không đủ lực về tài chính. Vì thế, nên muốn có sự hỗ trợ từ Bộ Công thương, tuy nhiên chưa có câu trả lời.

Đến nay, từ khi biết được trình tự thủ tục cấp phép bay đã gần 1 tháng, nhưng ông Hiển vẫn còn đang phải loay hoay với các giấy tờ.

Chia sẻ thêm với chúng tôi, ông Hiển nói: “Tôi đang định làm đơn, trình bày khó khăn cũng như nguyện vọng của mình gửi lên Bộ Công thương, Bộ Quốc phòng. Tôi chỉ mong nhà nước có thêm nhiều sự quan tâm đến các nhà sáng chế nông dân như chúng tôi, những người cần sự giúp đỡ thực sự”.

Gia nhập câu lạc bộ hàng không

Một thông tin khác được cha đẻ máy bay “Giấc mơ” tâm sự: “Sau khi làm việc với tổ công tác của Sư đoàn không quân 370 – đơn vị có chức năng bảo vệ vùng trời, vùng biển, đất liền phía Nam, tôi đã quyết định làm hồ sơ xin gia nhập Câu lạc bộ hàng không VN.

Phía sư đoàn 370 đã cung cấp cho tôi toàn bộ hướng dẫn, trong yêu cầu gia nhập cũng không có điều kiện khó dễ, chỉ cần là công dân VN, không có vi phạm pháp luật là được tham gia.

Khi vào CLB này điều tôi được nhiều nhất đó chính là sự giao lưu, học hỏi về kinh nghiệm chế tạo, cũng như được học lái máy bay thực thụ.

Theo tôi được biết, việc cấp giấy phép bay ở trong CLB hàng không này vô cùng đơn giản, nên đây sẽ là con đường mới, cũng như hướng đi mới của máy bay “Giấc mơ”.

Theo ông Hiển, ông sẽ không gửi hồ sơ cho bên Hiệp hội hàng không vũ trụ VN, vì cơ quan này không gắn liền với Bộ Quốc phòng, trong khi, CLB hàng không thì lại khác, nó gắn liền nên dễ dàng được cấp phép hơn.

“Mong ước lớn nhất của tôi hiện nay là được Bộ Công thương giúp đỡ, tôi cũng đã có đủ số tiền để sang Mỹ mua động cơ, những việc còn lại thì tự tôi có thể làm được hết, nhưng duy nhất vấn đề này, tôi vẫn mong sớm được giải quyết.

Sau khi biết thủ tục để làm cần những gì, thì bản thân tôi sẽ ra Hà Nội để làm việc với các lãnh đạo, rồi sang Mỹ hoàn thành nốt “Giấc Mơ” còn dang dở”, ông Hiển nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới