Thursday, March 28, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiNỗi khốn khổ của một đất nước mắc kẹt với "hàng Tàu"

Nỗi khốn khổ của một đất nước mắc kẹt với “hàng Tàu”

Nền kinh tế lớn nhất châu Phi đang loay hoay tìm “lối ra” sau khi vô tình biến thành “sân sau” tiêu thụ các sản phẩm kém chất lượng của Trung Quốc.

Một vụ hỏa hoạn ở Nigeria. Tính riêng tại Lagos, mỗi năm, chỉ riêng đồ điện dân dụng TQ đã gây ra hàng chục vụ cháy.

Bài học nhãn tiền

The New York Times (NYT – Mỹ) dẫn câu chuyện của Emeka Ezelugha – một chủ trung tâm dạy nghề tin học tại Lagos – thành phố lớn nhất Nigeria.

Ezelugha cho biết bản thân đã rất vui khi tự mở được một trung tâm đào tạo tin học của riêng mình với mục đích vừa để dạy nghề cho cho người khác lại vừa có thể kiếm thêm thu nhập.

Tuy nhiên, trung tâm dạy nghề hai tầng vốn còn sơ sài, thiếu thốn của Ezelugha khai trương chưa được bao lâu thì một trận cháy lớn đã thiêu rụi phòng học chính. Trận hỏa hoạn đã làm thiệt hại 30 bộ máy tính để bàn cùng một vài chiếc tivi và điều hòa.

Nguyên nhân của vụ cháy được xác định bắt nguồn từ 1 trong 24 ổ cắm điện đang được sử dụng ở phòng học. Ổ cắm điện đó có xuất xứ Trung Quốc.

“Của rẻ là của ôi”

Theo NYT, tại đất nước đông dân như Nigeria, hàng Trung Quốc giá rẻ tràn ngập thị trường.

“Đây chính là minh chứng cho thấy, Bắc Kinh đang ngày càng chiếm vị thế chủ đạo trong giao dịch toàn cầu”, NYT đánh giá.

Hơn nữa, hiện nay cuộc sống người dân Nigeria phải đối mặt với nhiều khó khăn do nước này đang rơi vào hoàn cảnh kinh tế ì trệ, hàng hóa mất giá cùng cuộc nổi dậy của nhóm vũ trang Hồi giáo Boko Haram.

Do đó, việc hợp tác kinh tế với Trung Quốc giúp hàng triệu gia đình ở Nigeri có thể duy trì được cuộc sống.

Tuy nhiên cùng với đó, hàng giả, hàng kém chất lượng cũng trở thành vấn đề nhức nhối mà Nigeria – nền kinh tế lớn nhất châu Phi đang phải đối mặt. Ở đây, người tiêu dùng thu nhập thấp dường như không còn lựa chọn nào khác ngoài việc sử dụng hàng Trung Quốc.

Rất nhiều khu nhà ở, văn phòng mới được xây dựng của quốc gia này cũng đang sử dụng các loại dây điện, ổ cắm giá rẻ, chất lượng kém do Trung Quốc sản xuất.

Những sản phẩm này đều góp phần liên quan đến những vụ cháy nổ tương tự như vụ cháy trung tâm dạy nghề của Ezelugha. Chỉ tính riêng tại thành phố Lagos, những vụ hỏa hoạn như vậy thường xảy ra khoảng vài chục vụ một năm.

Quan hệ cộng sinh?

Quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và Nigeria thuộc dạng quan hệ phụ thuộc phức tạp, các nước đang phát triển như Chile, Ethiopia và Indonesia cũng tồn tại quan hệ tương tự với Trung Quốc.

“Những mối quan hệ này không thể thiếu trong việc Trung Quốc thực hiện tham vọng toàn cầu hóa nhưng chúng cũng sẽ đem lại không ít thách thức mới cho Bắc Kinh”, NYT đánh giá.

Chính phủ Trung Quốc đã chi ra khoảng 10 tỷ USD xây dựng các công trình cơ sở vật chất như đường quốc lộ, đường sắt, sân bay, đập thủy điện…nhằm không ngừng mở rộng quy mô thương mại tại Nigeria.

Do Nigeria hiện vẫn tồn tại những bất ổn chính trị và xu hướng gia tăng tình trạng bạo lực nên các nước phương Tây rất e ngại đầu tư đến quốc gia này. Trung Quốc nghiễm nhiên trở thành là chủ nợ lớn nhất của Nigeria.

Ngược lại, Nigeria cũng trở thành khách hàng nước ngoài lớn nhất của các công ty xây dựng Trung Quốc. Hơn nữa, đây thực sự là một thị trường quan trọng trong giai đoạn bão hòa của kinh tế Bắc Kinh.

Tuy nhiên, sự “bành trướng” của Trung Quốc tại Nigeria đang gặp nhiều cản trở. Đây là kết quả tất yếu Bắc Kinh phải đối mặt trong chiến lược toàn cầu.

Tiến thoái lưỡng nan

Hiện nay, chính phủ mới của Nigeria đang tiến hành điều tra các dấu hiệu tham nhũng trong những bản hợp đồng mà lãnh đạo tiền nhiệm kí kết với Trung Quốc.

Trong đó có rất nhiều hạng mục, chính quyền địa phương gặp khó khăn trong việc thanh toán cho phía Trung Quốc. Bởi vậy rất có khả năng, Bắc Kinh sẽ chịu những tổn thất lớn trong các phi vụ này.

Ở Lagos, các nhà chức trách đang cố gắng để loại bỏ sản phẩm điện tử kém chất lượng của Trung Quốc.

Chuyên viên an ninh cao cấp Cục tiêu chuẩn Nigeria – ông Wanza Kussiy cho biết, công suất chịu tải của dây cáp điện Trung Quốc không phù hợp và đảm bảo cho mức điện áp 240V ở Nigeria.

Chính quyền Nigeria đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan, tình trạng tham nhũng ngày càng nghiêm trọng cũng khiến nước này khó khăn thực hiện các tiêu chuẩn về an toàn.

Hơn nữa, sự bành trướng của sản phẩm Trung Quốc trên thị trường cũng khiến người tiêu dùng của quốc gia này có rất ít lựa chọn.

Ví như, sau vụ cháy ở Lagos, Ezelugha đã phải vay rất nhiều tiền để xây dựng lại trung tâm đào tạo tin học mới. Tuy nhiên, ông chủ này vẫn phải tiếp tục sử dụng những ổ cắm điện có xuất xứ Trung Quốc vì thực chất anh khó mua được loại khác ở Nigeria.

RELATED ARTICLES

Tin mới