Saturday, April 20, 2024
Trang chủNhìn ra thế giới"Tạm biệt" Mỹ, Philippines còn gì trong mắt TQ?

“Tạm biệt” Mỹ, Philippines còn gì trong mắt TQ?

Nếu như không có được điều mà Philippines muốn ở Trung Quốc, có lẽ Duterte sẽ lại quay về với Mỹ nhưng có lẽ chính vì vậy mà Trung Quốc sẽ không đặt nhiều niềm tin ở Duterte.

“Vì tính cách, Duterte sẽ “gục ngã dưới lưỡi kiếm của chính mình””, Nghị sĩ quốc hội Philippines nói.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sẽ thăm Trung Quốc từ ngày 18 – 21/10 vào đúng dịp quan hệ giữa Philippines và Mỹ – đồng minh lâu đời đang trong giai đoạn căng thẳng.

Hiện nay, chính sách ngoại giao “xa Mỹ, thân Trung Quốc” của Tổng thống Duterte đang gặp phải nhiều chỉ trích, trong đó có cả cựu Tổng thống Fidel Ramos.

Theo giới phân tích, Duterte hành động như vậy có thể là do ông đang hy vọng Trung Quốc sẽ nhượng bộ Philippines về một số vấn đề nhất định.

Tuy nhiên, một học giả Philippines cảnh báo rằng, chiến lược “đu dây” của Duterte có khả năng sẽ khiến Washington mất niềm tin vào Manila; đồng thời nhấn mạnh, giá trị của Philippines trong mắt Trung Quốc chính là quan hệ đồng minh với Mỹ.

Duterte “chơi dao lắm có ngày đứt tay”?

Kể từ khi ông Duterte lên nắm quyền, quan hệ giữa Manila và Washington ngày càng căng thẳng

Duterte không chỉ đưa ra những phát ngôn không hay đối với Tổng thống Mỹ Barack Obama, ông còn yêu cầu lực lượng đặc nhiệm Mỹ rút khỏi miền nam Philippines, tuyên bố ngừng các cuộc tuần tra chung với Mỹ và cho biết có thể mua vũ khí của Trung Quốc, Nga.

Theo các chuyên gia quốc tế, tất cả những động thái trên của ông Duterte nhằm không muốn làm phật ý Trung Quốc.

Trả lời phỏng vấn Đài tiếng nói Hoa Kỳ VOA, Giáo sư Renato Cruz De Castro thuộc Trung tâm nghiên cứu các vấn đề Quốc tế, Đại học De La Salle, Philippines nhận định, nước đi của Tổng thống Duterte thể hiện mong muốn Trung Quốc nhượng bộ.

“Duterte tuyên bố, ông ấy không quan tâm tới cách nghĩ của người Mỹ. Tuy nhiên, có khả năng ông ấy đang muốn có được sự nhượng bộ từ phía Trung Quốc. Tổng thống có vẻ đang hy vọng rằng nếu Philippines rời xa Mỹ thì sẽ được Trung Quốc hoan nghênh”, ông Castro nói.

Tuy nhiên, Renato Cruz De Castro cho rằng, cách làm này của Duterte có khi lại phản tác dụng.

“Bởi một khi Duterte đoạn tuyệt quan hệ với Washington, giá trị của Manila trong mắt Bắc Kinh sẽ mất đi. Sở dĩ chúng tôi quan trọng đối với họ Trung Quốc là nhờ quan hệ mật thiết giữa chúng tôi với Mỹ.

Nếu mối quan hệ này bị cắt đứt thì trước Trung Quốc, Philippines sẽ chẳng là gì cả. Ít nhất Duterte cũng nên giữ quan hệ với Mỹ, để nâng cao giá trị của mình đối với Bắc Kinh”, Giáo sư Castro nhấn mạnh.

Ông còn chỉ ra rằng, chính sách hiện nay của Duterte cũng từng được cựu Tổng thống Philippines Gloria Macapagal-Arroyo sử dụng, đó là cân bằng quan hệ với Trung Quốc và Mỹ nhưng cuối cùng cả Mỹ và Trung Quốc đều không tin tưởng bà.

Ông cũng cho rằng, trong một điểm nhất định, một nước nhỏ có thể cân bằng quan hệ với hai nước lớn. Tuy nhiên, một khi hai nước lớn này nhận ra và thỏa thuận ngầm được với nhau thì nước nhỏ trên sẽ trở thành vật hy sinh.

“Và Tổng thống Duterte có thành công với chính sách đối ngoại này không vẫn còn phải đợi thời gian trả lời”, Castro nói.

“Xa Mỹ, thân Trung” – lợi bất cập hại

Theo Giáo sư Castro, việc Duterte “xa Mỹ, thân Trung” có thể là chiến lược của Tổng thống Duterte nhằm giành lợi ích cho Philippines nhưng chiến lược này có thể bị phá hỏng bởi bản tính của vị tổng thống này.

Renato Cruz De Castro tiết lộ, trước khi bất ngờ tuyên bố ngưng tập trận chung với Mỹ, Duterte chưa hề tham vấn bất kỳ một cố vấn an ninh cũng như quan chức ngoại giao nào của Philippines.

Chuyên gia này dẫn lời một nghị sĩ quốc hội Philippines cảnh báo, rồi sẽ tới một ngày, Duterte sẽ “gục ngã dưới lưỡi kiếm của chính mình”.

Việc Duterte “xa Mỹ, thân Trung” theo cách nói của vị Tổng thống này là cách để Philippines theo đuổi chính sách ngoại giao “độc lập” hơn.

Điều này đã gặp phải những chỉ trích từ dư luận trong nước, trong đó có cả ý kiến của cựu Tổng thống Fidel Ramos.

Cựu tổng thống Philippines Fidel Ramos trong một bài viết đăng trên tờ Manila Bulletin (Philippines) đã đưa ra quan ngại về chính sách ngoại giao của Duterte:

“Chúng ta lẽ nào lại vứt bỏ đi mối quan hệ đối tác quân sự, khả năng chiến thuật, vũ khí khí tài và tình hữu nghị giữa mỗi quân nhân? Có phải như thế không hay chỉ là do DU30 nói như vậy?” (DU30 là biệt danh mà các quân nhân Philippines đặt cho ông Duterte).

Nguyên nhân do đâu?

Hiện nay, Tổng thống Duterte vẫn có được tỷ lệ ủng hộ cao tại Philippines.

Cách đây không lâu, cuộc thăm dò ý kiến do tổ chức Social Weather Stations (SWS) tiến hành thông qua việc phỏng vấn trực tiếp 1200 người trưởng thành ở Philippines cho thấy: 76% người được hỏi hài lòng với cách điều hành đất nước của ông Duterte.

Renato Cruz De Castro chỉ ra, sự ủng hộ lớn này có được là do chiến dịch phòng chống tội phạm ma túy của ông Duterte chứ không hẳn là chính sách ngoại giao của vị tổng thống này.

Tuy nhiên, cũng chính trong chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy, việc Duterte ủng hộ cơ quan thực thi pháp luật có hành động vi phạm nhân quyền khi tấn công những người tình nghi liên quan đến buôn bán ma túy làm cho Mỹ không hài lòng.

Đó cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến cho quan hệ hai nước lạnh nhạt. Renato Cruz De Castro cho rằng, quan hệ Philippines – Mỹ xấu đi chủ yếu xuất phát từ chính bản thân ông Duterte.

Ông nhấn mạnh, Philippines cần Mỹ, nước này đã nhận được rất nhiều lợi ích từ mối quan hệ đồng minh với Mỹ.

“Từ khi Philippines giành được độc lập (1946) tới nay, chúng tôi đã có một quan hệ đối tác chiến lược lâu dài như vậy. Philippines không có khả năng tự vệ.

Mỗi khi Philippines chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai, chúng tôi đều cần đến sự giúp đỡ từ Mỹ. Năm 2013, Philippines bị siêu bão Haiyan tàn phá nghiêm trọng, Mỹ chính là quốc gia viện trợ nhiều nhất”, Castro nhấn mạnh.

Theo chuyên gia này, nếu như không có được điều mà Philippines muốn ở Trung Quốc, có lẽ Duterte sẽ lại quay về với Mỹ nhưng có lẽ chính vì như vậy mà Trung Quốc sẽ không đặt nhiều niềm tin ở Duterte.

“Nếu như Duterte có thể phản bội lại chính đồng minh của mình thì sẽ có lúc ông ấy cũng phản bội lại người khác”, Castro bình luận.

Tuy nhiên, cũng giống như nhiều học giả khác, Renato Cruz De Castro cho rằng, việc Duterte “xa Mỹ, thân Trung” có thể đem lại những “kết quả ngoài mong đợi”: sẽ vừa ngăn chặn leo thang căng thẳng Biển Đông vừa tránh khả năng xảy ra xung đột Trung – Mỹ ở khu vực này.

RELATED ARTICLES

Tin mới