Saturday, April 20, 2024
Trang chủBiển nóngBản tin Biển Đông ngày 26/10

Bản tin Biển Đông ngày 26/10

Bản tin Biển Đông ngày 26/10/2016.

Ảnh chụp bãi Scarborough từ trên không. Ảnh: globalsecurity.org.

1) Quan chức địa phương Philippines hối thúc Tổng thống Duterte đưa ra đảm bảo bằng văn bản nhằm giành quyền đánh cá tại khu vực bãi cạn Scarborough

Ngày 25/10, trang International Business Times đưa tin: 

Vừa qua, ông Jeremy Agerico Rosario, một quan chức của tỉnh Pangasinan, Philippines đã kêu gọi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đưa ra cam kết bằng văn bản về việc ngư dân Philippines từ nay sẽ được phép đến các vùng nước gần bãi cạn Scarborough bởi ông thấy rằng người dân đã phải sống khổ sở trong một thời gian dài do không thể đến được bãi cạn này. Ông Rosario là thành viên quản lý quận 4, tỉnh Pangasunan nằm ở khu vực phía Tây đảo Luzon, dọc Vịnh Lingayen và Biển Đông nơi hầu hết người dân đều sống dựa vào nghề đánh bắt cá. Ông Rosario cho hay, kể từ khi Trung Quốc giành quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough vào năm 2012, nước này đã làm mọi cách để ngăn cản không cho bất cứ người dân Philippines nào được đến tiếp cận nguồn tài nguyên giàu có của bãi cạn này. Cụ thể, các ngư dân của Philippines đã bị các ngư dân Trung Quốc xua đuổi đi khi tới gần. Mặc dù việc tổng thống Rodrigo Duterte gần đây tuyên bố rằng ngư dân Philippines sẽ sớm được quay trở lại đánh bắt cá ở quanh khu vực bãi cạn Scarborough đã nhen nhóm hy vọng trong họ, nhưng ông Rosario cho rằng “vẫn nên có văn bản để có thể ít nhất có cái làm cơ sở”, “nên được chính thức đưa vào văn bản, có chữ ký của cả hai bên để các ngư dân tỉnh Pangasinan có thể tiếp tục mưu sinh”. Bên cạnh đó, ông Rosario tiết lộ thêm, trong phiên họp tới của Ủy ban tỉnh Pangasinan sẽ dành một giờ để chất vấn thêm về vấn đề này để các ngư dân bị ảnh hưởng chia sẻ về vụ đụng độ với ngư dân Trung Quốc khi đang đánh cá tại khu vực bãi cạn Scarborough. 

2) Hạm đội 3 tại San Diego, Mỹ mới điều thêm tàu tới Biển Đông nhằm thách thức các yêu sách bành trướng của Trung Quốc tại khu vực

Ngày 25/10, hãng Reuters đưa tin: 

Các nguồn tin vừa cho biết, việc tàu khu trục hải quân Mỹ đến gần các đảo do Trung Quốc yêu sách thuộc Hoàng Sa của Việt Nam nhằm thách thức “các yêu sách biển bành trướng” của nước này trên Biển Đông ngày 21/10 là theo chỉ đạp từ các trụ sở của Hạm đội 3 tại San Diego, Mỹ nhằm trước hết là tăng cường sức mạnh biển của Mỹ ở khu vực. Các nguồn tin khẳng định, đây là lần đầu tiên hoạt động tự do hàng hải này của Mỹ được thực hiện theo lệnh mà không có sự tham gia của Hạm đội 7 đặt tại Nhật Bản; đồng thời cũng nhằm áp dụng một số thay đổi cho phép hải quân Mỹ thực hiện các hoạt động trên biển cùng một lúc tại hai mặt trận ở Châu Á.

Ryan Perry, Người Phát ngôn Hạm đội 3 tại San Diego cho biết tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Decatur đóng vai trò là một phần của Nhóm Hành động trên biển (SAG) đã được triển khai tới Biển Đông 6 tháng trước. Năm ngoái, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ Scott Swift cũng báo hiệu trước về một vai trò lớn hơn của Hạm đội 3 khi tiết lộ rằng ông đang bãi bỏ giới hạn hoạt động giữa Hạm đội này và Hạm đội 7 để từ đó trở đi  các tàu thuộc Hạm đội 3 được tạo điều kiện để có thể hoạt động trong khu vực này dưới sự chỉ huy của Hạm đội 7. Một quan chức cho hay, Mỹ sẽ đưa thêm nhiều tàu từ Hạm đội 3 tới khu vực Đông Á. Việc tái cơ cấu cho phép Hạm đội 3 có vai trò tiền tuyết lớn hơn được xem là động cơ hỗ trợ cho chiến lược “xoay trục của Mỹ” ở Châu Á và đối phó với những hành động hiếu chiến ngày càng gia tăng của Trung Quốc đang làm căng thẳng leo thang ở Biển Đông.

Trả lời báo chí về việc Mỹ sử dụng các trụ sở của Hạm đội 3, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng lớn tiếng đe dọa “sẽ có những biện pháp cần thiết để đáp trả nếu những động thái của Mỹ đe dọa đến quyền chủ quyền và những lợi ích an ninh của Trung Quốc”.

3) Nhật Bản muốn Ấn Độ tuyên bố lập trường về vấn đề Biển Đông

Ngày 25/10, tờ The Diplomat đăng tải bài viết “Nhật Bản muốn Ấn Độ tuyên bố lập trường về vấn đề Biển Đông, nhưng New Delhi có chấp nhận?” của nhà báo Ankit Panda:

Sau bài báo được đăng trên tạp chí Times of India về phát biểu của một quan chức ngoại giao của Nhật Bản nói rằng Nhật Bản muốn Ấn Độ đưa ra một lập trường rõ ràng và công khai hơn về vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, nhà báo Ankit Panda nhận định, đây là điều Ấn Độ đang phải xem xét vì nước này cũng có lợi ích riêng ở khu vực. Gần đây, khi vấn đề Biển Đông đang trở nên ngày càng nóng, cả Nhật Bản và Ấn Độ đều có những động thái chủ động dù không trực tiếp liên quan đến khu vực Biển Đông về mặt địa chính trị. 

Tác giả bài báo tỏ ra đồng tình với đề xuất của phía quan chức ngoại giao Nhật Bản, tuy nhiên cho rằng, mức độ tích cực của Ấn Độ đối với vấn đề Biển Đông sẽ không được như Washington và Tokyo, nhất là khi thể hiện lập trường đối với Phán quyết của Tòa Trọng tài vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc.

Có thể lý giải rằng, Ấn Độ có lợi ích riêng trong vấn đề Biển Đông khi coi đây là “khu vực xếp thứ hai” về lợi ích trên biển theo chiến lược biển năm ngoái của nước này. Bởi vậy, dù đã ký với Nga và Trung Quốc thỏa thuận ba bên nhằm kêu gọi việc giải quyết tranh chấp trong khu vực thông qua đàm phán song phương nhưng Ấn Độ vẫn khẳng định lập trường ủng hộ luật pháp quốc tế của riêng mình. Mặc dù, thông thường Ấn Độ không có vẻ thoải mái chấp nhận những lời đề nghị từ các nước bên ngoài, song tác giả hy vọng sự nhiệt tình của Nhật Bản dành cho vai trò tích cực hơn của Ấn Độ trong vấn đề Biển Đông có thể phần nào “khớp” được với tinh thần cởi mở của New Delhi. 

4) Thời báo Hoàn cầu lên tiếng ngăn cản Tổng thống Philippines Duterte thảo luận tranh chấp Biển Đông trong chuyến thăm Nhật Bản 

Ngày 25/10, tờ Thời báo Hoàn cầu đăng tải bài viết “Ông Duterte cần tránh thảo luận về tranh chấp Biển Đông trong chuyến thăm Nhật Bản”:

Mượn lời các học giả Trung Quốc, tờ Thời báo Hoàn cầu đã lớn tiếng ngăn cản Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thảo luận vấn đề tranh chấp Biển Đông trong chuyến thăm cấp Nhà nước kéo dài 3 ngày tại Nhật Bản. Báo này dẫn ra “đề nghị” của một số học giả rằng Tổng thống Duterte “cần phải” tập trung vào các vấn đề kinh tế và an ninh công cộng trong chuyến thăm này và “tránh” những chủ đề nhạy cảm. Đồng thời, cáo buộc trắng trợn rằng “Nhật Bản đang sử dụng Philippines để can thiệp vào tranh chấp Biển Đông”. Cụ thể, Ông Li Kaisheng, nghiên cứu viên cao cấp tại Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải tỏ ra “đề phòng” khi cho rằng Nhật Bản “có tham vọng lớn đối với chuyến thăm của ông Duterte nhằm “thẩm định” lại những phát biểu và hành xử của ông này thông qua các cuộc gặp riêng và chính thức”. Ông Wang Xiaopeng, một chuyên gia về biên giới biển thì khẳng định một cách thiếu căn cứ, rằng Nhật Bản muốn “lợi dụng” Philippines để can thiệp vào tranh chấp Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới