Thursday, April 18, 2024
Trang chủBiển nóngBản tin Biển Đông ngày 27/10

Bản tin Biển Đông ngày 27/10

Bản tin Biển Đông ngày 27/10/2016.

 

 

1) Philippines, Nhật Bản kêu gọi “tự kiềm chế” trên Biển Đông

Ngày 26/10, tờ Philippine Star đưa tin:

Hai nước Philippines và Nhật bản đã nhất trí hợp tác vì hòa bình và ổn định ở khu vực và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “tự kiềm chế và phi quân sự hóa” trên Biển Đông. Theo một tuyên bố chung được Bộ Ngoại giao Philippines công bố, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe “đã ghi nhận tầm quan trọng của việc tiếp cận trên cơ sở các nguyên tắc đối với việc giải quyết hòa bình các tranh chấp biển mà không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, phù hợp với Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), Hiến chương Liên hợp quốc và các điều ước quốc tế có liên quan”. Hai nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh “nhu cầu đảm bảo an toàn và an ninh hàng hải là các yếu tố quan trọng đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng lâu dài cho cả hai quốc gia và khu vực”.

Một phần hợp tác trong quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên là việc tiếp tục hợp tác giữa các lực lượng cảnh sát biển giữa Philippines và Nhật Bản cùng với Chương trình Hỗ trợ Phát triển Chính thức của Nhật Bản nhằm cung cấp “các tàu tuần tra quy mô lớn” của hai nước. Nhật Bản đã cung cấp một tàu tuần tra, tàu Cảnh sát biển BRP Tubbataha, chiếc đầu tiên trong số 10 tàu sẽ được chuyển cho Philippines theo chương trình ODA. Thông cáo chung cho biết “Tổng thống Duterte đã bày tỏ sự cảm kích đối với việc Nhật Bản tiếp tục ủng hộ Philippines trong lĩnh vực này”.

Ông Abe cho biết Nhật Bản sẽ tiếp tục giúp đỡ Philippines trong đào tạo các phi công và nâng cấp lực lượng Hải quân của nước này. Tuyên bố chung nhấn mạnh “duy trì các vùng biển mở và ổn định là điều quan trọng đối với khu vực. hai nhà lãnh đạo nhất trí cho rằng Biển Đông có các tuyến đường biển quan trọng đối với sự sinh tồn và hoạt động kinh tế toàn cầu. Theo đó, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không vũng như những nỗ lực và hợp tác chống cướp biển”.

2) Trung Quốc sẽ triển khai tập trận quân sự ở Biển Đông trong vòng chưa đến một tuần sau cuộc tuần tra của Mỹ

Ngày 26/10, các trang The Japan Times, Reuters… đưa tin:

Ngày 25/10, Cục An toàn Hải dương Trung Quốc tuyên bố nước này sẽ tổ chức tập trận quân sự trên Biển Đông trong ngày 27/10, đồng thời thông báo lệnh cấm tất cả các tàu thuyền phi quân sự không đi vào khu vực phía Nam đảo Hải Nam và khu vực phía Tây Bắc Hoàng Sa của Việt Nam. Tuyên bố này được đưa ra trong vòng chưa đến một tuần sau khi tàu Hải quân của Mỹ đến gần Hoàng Sa khiến Bắc Kinh nổi cơn thịnh nộ. Các chuyên gia cho biết, nhiều cuộc tập trận quân sự công khai đã diễn ra ở gần Hoàng Sa, nơi có vị trí gần với Trung Quốc và là nơi nước này có sự kiểm soát lớn hơn so với nhóm các đảo ở Trường Sa cách hơn 800 km về phía Nam. Hiện Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa đưa ra bình luận gì.

3) Thách thức đường cơ sở phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông

Ngày 26/10, tờ Tạp chí Phố Wall đăng tải bài viết “Thách thức đường cơ sở phi pháp của Trung Quốc trên biển” của bà Lynn Kuok, Nghiên cứu viên không thường trú tại Viện Brookings và giảng viên thỉnh giảng của Đại học Luật Havard.

Trong bài viết, bà Lynn Kuok nhận định hoạt động tự do hàng hải (FONOP) mới đây nhất của Mỹ ở gần Hoàng Sa đã củng cố thêm lập luận cho bài viết của bà đăng trên Chương trình Tự do hàng hải của Mỹ hồi tháng 6 với nội dung kêu gọi hải quân Mỹ tiếp tục khẳng định các quyền trên biển ở khu vực Biển Đông, bao gồm đi qua khu vực Hoàng Sa nhằm thách thức các đường cơ sở thẳng phi pháp của nước này

Liên quan đến FONOP mới đây nhất của Mỹ ở Hoàng Sa của Việt Nam, bà Kuok đánh giá FONOP lần này không giống với những lần FONOP trước của Mỹ trên Biển Đông bởi nó đã mở rộng mục tiêu của Mỹ trên Biển Đông ra các đường cơ sở thẳng phi pháp của Trung Quốc xung quanh Hoàng Sa. Trong một email trao đổi, Người Phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay tàu USS Decatur trong FONOP ngày 21/10 vừa qua đã đi qua Hoàng Sa, ngoài phạm vi lãnh hải 12 hải lý từ các cấu trúc; đồng thời xác nhận mục tiêu của hoạt động lần này là nhằm thách thức việc Trung Quốc sử dụng “đường cơ sở thẳng” xung quanh Hoàng Sa. Theo phân tích của bà, các đường cơ sở thẳng phi pháp thực sự đáng lo ngại đối với cộng đồng quốc tế bởi chúng ảnh hưởng tiêu cực đến các quyền sử dụng vùng biển và vùng trời. Bà cho rằng trong tương lai, Mỹ và các nước có mong muốn duy trì luật pháp quốc tế cũng sẽ tìm cách thực thi các quyền trên biển ở khu vực Trường Sa, một nhóm các thực thể nằm ở phía Nam Biển Đông, do đó Trung Quốc khó có thể không tuyên bố các đường cơ sở thẳng xung quanh Trường Sa, dù các quan chức Ngoại giao của Trung Quốc trước đây đã khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng Bắc Kinh đang dự tính sẽ thực hiện điều này

Những tuyên bố gần đây của Bộ Ngoại giao Trung Quốc lần đầu tiên nhắc đến “các vùng nội thủy…dựa trên các đảo ở Biển Đông” một cách mơ hồ có thể cho thấy rằng Trung Quốc đang chuẩn bị tuyên bố các đường cơ sở thẳng xung quanh nhóm đảo ở Trường Sa. Tuy nhiên, Phán quyết Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông hồi tháng 7 đã khẳng định việc coi Trường Sa như một thực thể thống nhất để có thể hình thành nên các đường cơ sở thẳng xung quanh nó là không hợp pháp. Nếu các quốc gia thực thi tự do hàng hải đi qua Trường Sa, Bắc Kinh sẽ phải nhận thức được rằng, cộng đồng quốc tế cũng không thể tán thành nổi mưu đồ nhằm biến các vùng biển ở khu vực này thành vùng nội thủy của Trung Quốc. Bà Kuok cũng cho rằng những chỉ trích nhằm vào các FONOPS của Mỹ cho rằng chúng không thể ngăn chặn các hoạt động xây dựng và bồi đắp đảo trên các cấu trúc bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép trên Biển Đông là không thỏa đáng. Các FONOPS chỉ là biểu hiện cho việc Mỹ đã nhận thức được các quyền trên biển theo luật pháp quốc tế vẫn có nhiều giá trị, chứ không được triển khai để ngăn chặn các hoạt động của Trung Quốc. Các FONOPS sẽ giúp ngăn chặn những nỗ lực phi pháp nhằm kiểm soát các vùng biển và vùng trời trên Biển Đông, đóng góp nhiều hơn vào sự ổn định ở khu vực.

Bà nhấn mạnh, các quốc gia cũng nên khẳng định quyền trên biển đối với các cấu trúc là đối tượng của Phán quyết Trọng tài để khẳng định hơn nữa giá trị của Phán quyết và khiến Trung Quốc gặp khó khăn khi muốn phớt lờ Phán quyết này. Để làm được điều này, các quốc gia có thể thực thi quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải của các cấu trúc ở Trường Sa được Tòa Trọng tài xác định là đá, và thực thi tự do biển cả xung quanh các cấu trúc được xác định là bãi cạn lúc nổi lúc chìm hoặc các cấu trúc ngầm.

4) Hai nhà lãnh đạo của Nhật Bản và Philippines bày tỏ lập trường nhất quán về vấn đề Biển Đông

Ngày 27/10, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đưa tin:

Ngày 26/10, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte khẳng định về việc hợp tác giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và phù hợp với luật pháp quốc tế, một tuần sau khi Trung Quốc và Philippines nhất trí đặt tranh chấp sang một bên để thúc đẩy hợp tác song phương. Hai bên cho biết sẽ nhất trí đối phó với việc Trung Quốc bành trướng quân sự trên biển. Thậm chí, trong cuộc họp báo sau cuộc gặp tại Tokyo, ông Duterte tuyên bố “Philippines sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản trong những vấn đề cùng quan tâm ở khu vực và thúc đẩy các giá trị dân chủ chung, tuân thủ Thượng tôn pháp luật và giải quyết hòa bình tranh chấp, bao gồm tranh chấp Biển Đông”. Ông Abe và Duterte cũng ủng hộ các tuyên bố hợp tác song phương trong lĩnh vực an ninh biển với các biện pháp nhằm nâng cao tiềm lực của Philippines để bảo đảm an ninh cho các vùng lãnh thổ trên biển của nước này. Hai nước đã ký một thỏa thuận cho phép Nhật Bản cung cấp hai tàu tuần tra lớn cho các hoạt động của cảnh sát biển Philippines, đồng thời ký một thỏa thuận cho thuê máy bay huấn luyện TC-90 từ Lực lượng Phòng vệ trên biển của Nhật Bản cho Philippines để dùng cho các hoạt động tuần tra tren biển.

RELATED ARTICLES

Tin mới