Wednesday, April 24, 2024
Trang chủĐiểm tinChính phủ TQ lan truyền chóng mặt thông tin thất thiệt về...

Chính phủ TQ lan truyền chóng mặt thông tin thất thiệt về bà Clinton

Nhiều bài viết tố cáo bà Hillary Clinton là thủ phạm chính cho sự ra đời của IS đang lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội bị kiểm soát gắt gao ở Trung Quốc – trang Quartz cho hay.

Những thông tin thất thiệt về bà Clinton lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội Trung Quốc. (Ảnh: CNN)

Mạng xã hội Trung Quốc loan tin Clinton là thủ phạm khiến IS ra đời

Cụ thể, những bài viết có nội dung cáo buộc bà Hillary Clinton chịu trách nhiệm về sự ra đời của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đã lan truyền rất nhanh trên mạng Internet ở Trung Quốc, thu hút hàng trăm nghìn, và có thể hàng triệu độc giả.

Rất nhiều độc giả Trung Quốc không có nhiều thông tin về ứng viên đảng Dân chủ, người đang có lợi thế trong cuộc đua vào Nhà Trắng, bởi nhà chức trách kiểm duyệt thông tin rất chặt chẽ.

Điều này cũng làm dấy lên nghi vấn về sự “thả lỏng” của chính phủ Trung Quốc đối với những bài viết mang nội dung thiếu căn cứ liên quan đến bà Clinton.

Các bài viết (blog) này bắt đầu xuất hiện sau tuyên bố của FBI hôm 28/10 rằng họ đã tìm thấy và sẽ xem xét thêm nhiều email mới trong cuộc điều tra liên quan tới việc sử dụng email của bà Clinton.

Nội dung của các bài viết chứa những thông điệp chống Mỹ. Trong đó, bà Clinton thường bị gọi là “thủ phạm”, “chiến hữu” của nhà nước khủng bố IS.

Các bài viết này đang được chia sẻ một cách tự do trên WeChat – ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất Trung Quốc – mặc dù Bắc Kinh đã có quy định cấm việc chia sẻ các tin đồn, thông tin chưa kiểm chứng trên ứng dụng này.

Quartz cho hay, đa số các bài viết đó thiếu các nguồn thông tin đáng tin cậy, có rất nhiều hình ảnh theo phong cách meme để minh họa cho câu chuyện cùng nhiều từ ngữ tục. Thế nhưng chúng đã đã lan truyền cực nhanh trên mạng, với ít nhất ba bài viết có hơn 100,000 lượt xem trên WeChat. Đó là số lượt đọc kỷ lục trên ứng dụng này.

“Dìm Hillary xuống và đưa Trump lên đỉnh vinh quang”

Một trong những bài viết xuyên tạc về bà Hillary được đọc nhiều nhất có tiêu đề “Hillary là thủ phạm thực sự cho sự ra đời của IS? Anh em hacker đã có được những bằng chứng kinh khủng để dìm Hillary xuống và đưa Trump lên đỉnh vinh quang”.

Bài viết này được đăng trên Cool Labs, một blog công nghệ bằng tiếng Hoa có trụ sở ở Bắc Kinh, và có hình minh họa không mấy tốt đẹp về Mỹ và bà Clinton.

Có vẻ đề cập tới tuyên bố của FBI về cuộc điều tra bê bối email của bà Clinton, nhưng bài viết lại dựa nhiều vào những thông tin không liên quan từ Wikileaks về các email của bà trong tháng 10 vừa qua. 

Người viết bài đề cập tới một email gửi đi từ năm 2014, trong đó bà Clinton cáo buộc Qatar và Ả Rập Saudi về việc “hỗ trợ bí mật về tài chính và hậu cần cho nhà nước khủng bố IS”. 

Minh họa cho thông tin này là ảnh chụp màn hình của nhóm hacker. Bài viết cho rằng, vì Qatar và Ả Rập Saudi đều là các đồng minh của Trung Quốc nên rõ ràng bà Clinton cũng phải là một người ủng hộ IS.

Thêm vào đó, bài viết từ blog Trung Quốc còn đưa ra thông tin thiếu căn cứ về việc Wikileaks đã tiết lộ rằng bà Clinton giả mạo phiếu bầu, nhận tài trợ bất hợp pháp từ nước ngoài trong chiến dịch tranh cử, loại bỏ một nước khỏi danh sách khủng bố của Mỹ sau khi Quỹ Clinton nhận hối lộ của nước này.

Những cáo buộc về bà Clinton trong bài viết được chia sẻ rộng rãi này ở Trung Quốc có vẻ cũng liên quan tới các email mà Wikileaks đã công bố. Tuy nhiên, bài báo đã hoàn toàn làm lệch lạc ý nghĩa của chúng. 

Ví dụ, trong một email trên Wikileaks có nội dung về “một đất nước được ra khỏi danh sách khủng bố của Mỹ”, các trợ lý của bà Clinton chỉ là đang trêu chọc người dẫn chương trình truyền hình Joe Scarborough khi ông nói như vậy về Algeria – một đồng minh lâu năm của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố.

Bài viết đặt ra câu hỏi: “Trong nhiều năm, chính phủ Mỹ đã giả vờ truy tìm những người đứng đằng sau IS. Trong khi đó thì bà Hilllary, một công dân Mỹ, một Ngoại trưởng, một ứng viên tổng thống, hóa ra lại rất rõ ràng về điều này. Bạn có thấy mình là đồng lõa không khi nghĩ tới những công dân Mỹ đã hy sinh trong các cuộc chiến chống khủng bố?”

Bài viết kết luận, nền dân chủ phương Tây hóa ra tồi tệ hơn cả những gì đang diễn ra ở Trung Quốc, và người viết cảm thấy có lỗi khi đã không “đối xử nghiêm túc” với những gì mà người đó đang được hưởng ở đây.

Một bài viết được chia sẻ nhiều khác trên một blog chuyên về du học của Trung Quốc còn dẫn lại mẩu tin giả mạo do các hacker dựng lên về việc 20% tài chính cho chiến dịch tranh của của bà Clinton là do hoàng gia Ả Rập Saudi tài trợ.

Bài này lấy ảnh minh họa là chụp màn hình trang web của tờ báo uy tín The New York Times, nội dung ảnh là bài báo nói về diễn biến mới trong cuộc điều tra email của bà Clinton, nhưng nội dung này đã bị xuyên tạc thành tiêu đề “Bà Clinton có liên hệ với khủng bố IS”.

Kết quả là, các độc giả Trung Quốc đều tin những thông tin này là thật.

Cả hai bài viết trên cũng cố gắng chỉ trích báo chí phương Tây khi đều trích dẫn câu nói “sở hữu các email của bà Clinton trên Wikileaks là phạm pháp” của người dẫn chương trình Chris Cuomo trên kênh CNN.

Tuy nhiên, hai bài này không đề cập thực tế rằng báo chí đã ngay lập tức phản pháo về nhận xét sai lầm của Chris.

Gọi bà Clinton là thủ phạm sinh ra IS hay chỉ trích rằng truyền thông đại chúng phương Tây đã bị bà Clinton thao túng, hai bài viết gợi nhớ tới quan điểm và nhận xét tương tự mà ông Donald Trump dành cho bà Clinton.

Quartz cho biết, đây không phải lần đầu tiên mà những thông tin thất thiệt về bà Clinton lan truyền rộng rãi trên mạng Internet của Trung Quốc.

Vào tháng Tám vừa rồi, rất nhiều người Trung Quốc đã tin khi đọc được thông tin rằng bà Clinton ra lệnh ám sát Seth Rich – một nhân viên Ủy ban Quốc gia của đảng Dân chủ (DNC), vì tội làm rò rỉ email.

Những thông tin này được phổ biến trên mạng xã hội Weibo nhờ tài khoản của một cơ quan thuộc chính phủ Trung Quốc.

Tuy nhiên, mức độ lan truyền của những bài viết xuyên tạc về bà Clinton lần này có sự lan truyền rộng hơn, khi rất nhiều người Trung Quốc có học thức, trình độ cũng đã chia sẻ trên mạng xã hội – điều không xảy ra ở lần trước.

RELATED ARTICLES

Tin mới