Tuesday, April 23, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiQuân đội TQ chỉ là học trò của quân đội Mỹ?

Quân đội TQ chỉ là học trò của quân đội Mỹ?

Theo các nhà quan sát, từ trang phục, trang bị vũ khí và chiến thuật tác chiến của quân đội Trung Quốc những năm gần đây đều thấy bóng dáng của quân đội Mỹ.

Quân đội Trung Quốc thuộc top 3 cường quốc quân sự hàng đầu thế giới năm 2016 theo trang tin Global Firepower.

Giới tướng lĩnh cao cấp quân đội Mỹ thường truyền tai câu nói: “Quân đội Trung Quốc là học trò giỏi nhất của quân đội Mỹ”.

Báo cáo của Hội đồng Khoa học Quốc phòng Mỹ năm 2013 cho thấy, nhiều bản thiết kế các hệ thống vũ khí tối mật liên quan đến các chương trình phòng thủ tên lửa, tàu chiến, máy bay chiến đấu của Mỹ đã bị tin tặc Trung Quốc xâm nhập trong suốt thời gian dài.

Đặc biệt, truyền thông Mỹ cho hay, những hạng mục vũ khí và bản thiết kế vũ khí của quân đội Trung Quốc trong những hình ảnh và video rò rỉ gần đây có nhiều nét tương đồng với hệ thống vũ khí quân sự Mỹ.

Giới phân tích nhận định, kể từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Trung Quốc hoặc công khai hoặc âm thầm bắt đầu hành trình “học tập” theo quân đội Mỹ.

Thay lượng nhưng không đổi chất

Đáng chú ý, đầu năm 2016, Chủ tịch quân ủy trung ương Trung Quốc Tập Cận Bình quyết định thông qua chính sách tái cấu trúc quân đội. Theo đó, 7 đại quân khu được thay thế bằng 5 đại chiến khu và chia 4 tổng cục lớn thành 15 đơn vị chức năng.

Giới quan sát cho rằng, ông Tập đang nỗ lực xây dựng quân đội theo mô hình kim tự tháp. Tuy nhiên, hình thức này rất dễ bị “đổ”. Đặc biệt, khi tất cả quyền lực nằm trong tay nhà lãnh đạo Trung Quốc thì quyền lực của những tướng lĩnh dưới quyền ông đều bị hạn chế đáng kể.

Trước khi cuộc cải tổ quân đội diễn ra, rất nhiều quan điểm cho rằng, quân đội Trung Quốc sẽ bỏ mô hình Liên Xô và tổ chức theo mô hình Mỹ.

Nhưng sau khi cuộc tái cấu trúc diễn ra, giới bình luận quân sự đã rút ra kết luận: Mô hình quân đội Mỹ sẽ không khả thi nếu đem áp dụng đối với quân đội Trung Quốc.

Trước đó, Đô đốc Scott Swift – Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương (Mỹ) đã đưa ra nhận định: “Do bị tập trung quyền lực nên quân đội Trung Quốc không có cơ hội thi hành các chính sách cải cách tích cực. Vì vậy, ông Tập cũng chỉ là người sao chép chứ không thể trở thành người sáng tạo”.

Ông Huỳnh Đông – chuyên gia quân sự Macau (Trung Quốc) cho rằng, một quân đội Trung Quốc theo cơ chế quyền lực tập trung chỉ có thể học tập quân đội Mỹ về tiêu chuẩn điều lệ quân đội và vũ khí trang bị, mà không thể học được bản chất cốt lõi: Chia sẻ quyền lực.

“Hiện có rất nhiều nghịch lý trong công cuộc cải tổ quân đội của Trung Quốc. Một mặt học theo quân đội Mỹ, mặt khác lại vẫn đi theo lối mòn cũ của Liên Xô. Họ không thể phân tán quyền lực mà lại chạy theo cấu trúc siêu ổn định cho nên dù có thay đổi thế nào cũng đều bất khả thi”, Huỳnh nhấn mạnh.

Trong khi đó, chuyên hia bình luận quân sự quốc tế Ngô Qua (Trung Quốc) cho rằng: “Mọi sự việc liên quan đến quân đội đều cần thông qua Chủ tịch Tập Cận Bình mà không có sự ủy thác cho các tướng lĩnh cấp cao trong quân đội như trước đây”.

Chính ủy Đại học Quốc phòng Trung Quốc, Thượng tướng Lưu Á Châu cũng từng đề cập đến mẫu thuẫn giữa sự ổn định chính trị và hiệu quả chỉ huy.

Ông cho rằng, hệ thống chỉ huy theo cấu trúc kim tự tháp của quân đội Trung Quốc sẽ rất khó khăn để đưa vào đối phó với chiến tranh hiện đại, đặc biệt là chiến tranh thông tin.

Quân đội Trung Quốc đã trải qua nhiều lần thay đổi, bề ngoài cấu trúc kim tự tháp có sự thay đổi nhưng hình thức quyền lực tập trung vẫn còn tồn tại.

Yếu tố con người bị xem nhẹ

Tháng 3/2016, tạp chí Lịch sử quân sự (Trung Quốc) đưa ra nhận định: “Hiện đại hóa con người và hiện đại hóa quan niệm là khâu quan trọng nhất và cũng khó khăn nhất trong mọi quá trình hiện đại hóa.

Cuộc cải cách quân sự mà Trung Quốc từ thời cận hiện đại tiến hành thường được thực hiện từ trên xuống dưới, thiếu nền tảng xã hội vững chắc. 

Trong khi [người] thực hiện quyết sách cải tổ chỉ chú trọng đến những tinh anh chính trị cấp cao mà bỏ qua vai trò của các thành viên cấp dưới, trên thực tế, đối tượng sau mới là ngọn nguồn của tinh thần chiến đấu, tinh thần quân đội”.

Bà Oriana Skylar Mastr – Giáo sư thuộc Đại học Georgetown (Mỹ) nhận định, từ nhiều năm trước, Trung Quốc bắt đầu tiến hành hiện đại hóa trang thiết bị và kỹ thuật quân sự nhưng gần đây mới bắt đầu hiện đại hóa “con người” và hệ thống quân đội.

Trái ngược với chế độ đãi ngộ hậu hĩnh của binh lính Mỹ, bất kể quân nhân đang trong quân ngũ hay đã về hưu thì chính chế độ đãi ngộ quân ngũ yếu kém của quân đội Trung Quốc đã dẫn đến chất lượng “con người” sa sút.

Theo thống kê, từ sau Đại hội Khóa XII đảng cộng sản Trung Quốc (2012) đến nay, số lượng tướng lĩnh quân đội ngã ngựa đã lên đến con số 56 người.

Kết quả từ chiến dịch chống tham nhũng trong quân đội của Chủ tịch Tập Cận Bình khiến dư luận đặt câu hỏi về khả năng chiến đấu của quân đội.

Một số ý kiến cho rằng, hiện tượng tham nhũng trong quân đội Trung Quốc đã làm giảm năng lực chiến đấu của quân đội bởi rất nhiều tướng lĩnh chỉ dựa vào việc hối lộ để nhận quân hàm.

Quân đội Trung Quốc là học trò giỏi nhất của quân đội Mỹ? - Ảnh 2.

Nhưng bị đánh giá là “sao chép” mô hình quân đội Mỹ một cách thiếu sáng tạo.

Hướng đi nào cho quân đội Trung Quốc?

Bởi ý thức hệ khác nhau nên về mặt thể chế, quân đội Trung Quốc không thể áp dụng theo mô hình quân đội Mỹ.

Một số chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng, Trung Quốc không chỉ không thể mô phỏng Mỹ về phương diện thể chế mà ngay cả trên phương diện kỹ thuật quân sự cũng không nên đơn thuần “bắt chước” Washington.

Giáo sư Đại học Quốc phòng – Thiếu tướng Không quân Trung Quốc Kiều Lương từng phát biểu: 

“Chiến tranh của Mỹ là cuộc chiến xa xỉ, để hạn chế chiến tranh xa xỉ thì không thể dùng phương thức xa xỉ và tiêu phí hơn. Mỹ không thể cầm cự với trận chiến đó, thì [Trung Quốc] càng không thể. Anh chỉ có đi theo con đường chi phí thấp hơn”.

Trong khi đó, tướng Lưu Á Châu cũng đồng ý về việc quân đội Trung Quốc không thể hoàn toàn học theo quân đội Mỹ: “Chiến tranh không thể lặp lại. Kinh nghiệm của cuộc chiến trước không thích hợp áp dụng vào cuộc chiến sau…”

Ông Lưu chỉ ra rằng, Trung Quốc chưa từng trải qua chiến tranh cơ giới hóa – tức sự cơ giới hóa lực lượng quân sự, hiệp đồng tác chiến chặt chẽ giữa các binh chủng… mà hiện nay, hình thức chiến tranh số hóa đang thịnh hành cũng sẽ nhanh chóng bị đào thải.

Lưu kiến nghị, trên phương diện kỹ thuật – chiến thuật, Trung Quốc không nên học theo quân đội Mỹ, cũng không nên “tầm sư học đạo” từ quân đội Nga mà cần tìm ra con đường mới, phù hợp với điều kiện của quân đội Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới