Friday, March 29, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiNgăn chặn công nghệ lạc hậu vào Việt Nam như thế nào?

Ngăn chặn công nghệ lạc hậu vào Việt Nam như thế nào?

Sáng nay (7/11), ngay sau khi Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh trình bày dự án Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi) trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Phan Xuân Dũng đã báo cáo thẩm tra về dự án luật này.

Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Phan Xuân Dũng 

Theo đó, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Phan Xuân Dũng cho biết, về cơ bản, Ủy ban KHCN&MT tán thành với các nội dung nêu trong Tờ trình của Chính phủ. 

Trong đó, về các biện pháp khuyến khích, thúc đẩy chuyển giao công nghệ (Chương IV), Ủy ban KHCN&MT nhất trí với việc Dự thảo Luật bổ sung, chỉnh sửa về “Các biện pháp khuyến khích, thúc đẩy chuyển giao công nghệ (CGCN)” tại Chương IV (từ Điều 35 đến 51) theo hướng xây dựng hệ thống các giải pháp để hỗ trợ phát triển thị trường trong nước, ngăn chặn nhập khẩu các sản phẩm, công nghệ lạc hậu, tăng cường hoạt động CGCN giữa các tổ chức KH&CN trong nước với doanh nghiệp, đẩy mạnh tốc độ đổi mới công nghệ ở Việt Nam, chuyển giao, áp dụng kết quả nghiên cứu KH&CN vào sản xuất…

Ủy ban KHCN&MT cũng nhất trí với việc chỉnh sửa quy định về Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia phục vụ phát triển sản phẩm trọng điểm, sản phẩm chủ lực, sản phẩm quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đổi mới công nghệ; chỉnh sửa quy định về phân chia lợi nhuận khi sử dụng, chuyển giao, thương mại hóa công nghệ, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra bằng ngân sách nhà nước, từ chính sách thuế để thúc đẩy hoạt động CGCN.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT thì có ý kiến cho rằng các quy định này thực chất là các giải pháp để phát triển thị trường công nghệ, do đó đề nghị đổi tên Chương này thành “Phát triển thị trường KH&CN”. 

Một số ý kiến khác đề nghị cần đối chiếu quy định về thế chấp tài sản thuộc sở hữu nhà nước để thực hiện hoạt động CGCN (Điều 42) và góp vốn bằng công nghệ vào dự án đầu tư (Điều 44) với pháp luật có liên quan đã được sửa đổi, ban hành mới. Do đó, Ủy ban KHCN&MT đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu các nội dung hợp lý nêu trên.

Về tổ chức môi giới, tư vấn và xúc tiến CGCN, đánh giá, định giá và giám định công nghệ (Điều 33, 34), Ủy ban KHCN&MT cơ bản nhất trí với việc bổ sung các quy định tại Điều 33 “Tổ chức môi giới, tư vấn và xúc tiến chuyên giao công nghệ” và Điều 34 “Tổ chức đánh giá, định giá và giám định công nghệ” để đẩy mạnh CGCN của các viện nghiên cứu, trường đại học; hình thành mạng lưới liên kết hoạt động tư vấn, CGCN trong và ngoài nước cũng như đánh giá, định giá và giám định công nghệ để kiểm soát chất lượng công nghệ trong quá trình CGCN, ngăn ngừa việc chuyển giá, trốn thuế thông qua CGCN.

“Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị các quy định về điều kiện, trách nhiệm của các tổ chức đánh giá, định giá và giám định công nghệ tại Điều 34 phải phù hợp với pháp luật về đầu tư, về giá, về hoạt động KH&CN,… bảo đảm năng lực cần thiết của các tổ chức cung cấp dịch vụ này. Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh việc xã hội hóa, thu hút các hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học tham gia vào hoạt động này. 

Ý kiến khác đề nghị phải có chế tài phù hợp với trình độ công nghệ để ngăn ngừa tình trạng “lách luật” đưa công nghệ lạc hậu vào Việt Nam. Ủy ban KHCN&MT đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến nêu trên trong Dự thảo Luật” – Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT nói.

Về hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ (Điều 46), Ủy ban KHCN&MT cơ bản nhất trí với các biện pháp hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp tại Điều 46 về đổi mới công nghệ, thành lập tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đầu tư cho hạ tầng hoạt động KH&CN là đối tượng được ưu tiên xem xét hỗ trợ từ Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia và các tổ chức tín dụng; về việc Nhà nước hỗ trợ kinh phí CGCN giữa tổ chức KH&CN với doanh nghiệp thuộc địa bàn, lĩnh vực ưu đãi đầu tư; mở rộng việc sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp để đổi mới công nghệ và cho phép sử dụng kết quả KH&CN và đối tượng sở hữu công nghiệp làm tài sản bảo đảm trong giao dịch vay vốn đầu tư cho dự án KH&CN, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, qua khảo sát tại một số doanh nghiệp thì CGCN của doanh nghiệp chủ yếu thông qua việc mua máy móc, thiết bị toàn bộ; việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu KH&CN chưa đáng kể do quy mô doanh nghiệp nhỏ, trình độ KH&CN thấp và nhất là cơ chế, chính sách chưa tạo nên áp lực để các doanh nghiệp ứng dụng KH&CN cao, tiên tiến. Do đó, đồng thời với việc bổ sung các quy định tại Điều 41, đề nghị có quy định phù hợp với từng quy mô, loại hình doanh nghiệp để khuyến khích các doanh nghiệp tích cực đổi mới và CGCN; bổ sung quy định hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp KH&CN khởi nghiệp; khuyến khích, bắt buộc các doanh nghiệp FDI CGCN cho doanh nghiệp Việt Nam theo lộ trình; CGCN trong các ngành, lĩnh vực cụ thể như nông nghiệp, công nghệ thông tin, chăm sóc sức khỏe con người, quốc phòng, an ninh… Do vậy, Ủy ban KHCN&MT đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến nêu trên.

RELATED ARTICLES

Tin mới