Saturday, November 2, 2024
Trang chủBiển nóngNhật - Ấn sẽ tăng cường hòa bình, ổn định ở Biển...

Nhật – Ấn sẽ tăng cường hòa bình, ổn định ở Biển Đông

Abe đang lên kế hoạch để cung cấp hỗ trợ cần thiết cho các nỗ lực thăm dò dầu khí của liên doanh Việt-Ấn (trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam).

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, ảnh: The Indian Express.

The Straits Times ngày 7/11 bình luận, chuyến thăm Nhật Bản tuần này của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi là một cơ hội để Tokyo lên kế hoạch cho một liên minh có thể thay đổi cán cân quyền lực ở châu Á.

Chuyên cơ của Thủ tướng Ấn Độ sẽ đáp xuống Nhật Bản vào thứ Năm này, ông Narendra Modi và Thủ tướng nước chủ nhà Shinzo Abe có thể sẽ làm nên lịch sử bằng cách đặt nền móng cho một liên minh Nhật – Ấn.

Nhật Bản cần một liên minh khu vực để kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông

Ý tưởng xây dựng quan hệ đồng minh với Ấn Độ đã hình thành trong chiến lược của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cả thập kỷ qua. 

Nếu diễn ra, điều này có thể làm thay đổi sâu sắc khả năng triển khai sức mạnh quân sự của hai nước.

Từ lâu các chính trị gia, các quan chức Nhật Bản đã rút ra kết luận rằng, đất nước họ đang phải tham gia vào một cuộc đối đầu sống còn với Trung Quốc.

Cuộc đối đầu ấy có thể không nổ ra trong thực tế theo nghĩa đen, và hợp tác kinh tế có thể tiếp tục tồn tại song song với cạnh tranh chiến lược.

Tuy nhiên, một Trung Quốc đang lên không chỉ đẩy Nhật Bản ra ngoài lề trong vai trò một sức mạnh châu Á, mà còn thách thức yêu sách lãnh thổ Nhật Bản ở Hoa Đông.

Với sự chênh lệch khá lớn về kích thước cũng như tiềm năng tài nguyên của hai quốc gia, Nhật Bản chỉ hy vọng thoát khỏi tình trạng khó khăn trong quan hệ với Trung Quốc thông qua việc xây dựng một hệ thống liên minh mới trong khu vực.

Nhưng nói bao giờ cũng dễ hơn làm, cho dù nhiều quốc gia châu Á chia sẻ mối quan tâm này của Nhật Bản, nhưng ít nước chia sẻ hành trang lịch sử với Nhật Bản, đặc biệt là những nỗi ám ảnh về các mối đe dọa từ Trung Quốc.

Ở khía cạnh khác làm cho vấn đề phức tạp hơn, đó là bất kỳ liên minh nào trong khu vực mà Nhật Bản xây dựng cũng phải tương thích, hoặc chí ít cũng phải không mâu thuẫn với mối quan hệ đồng minh an ninh Nhật – Mỹ.

Việc ông Shinzo Abe “tán tỉnh” Nga đã phần lớn thất bại vì không thể vượt qua rào cản này, đặc biệt là trong bối cảnh quan hệ Mỹ – Nga đang căng thẳng.

Ấn Độ trở thành lựa chọn hoàn hảo

Nhìn từ góc độ nói trên, Ấn Độ là lựa chọn hoàn toàn phù hợp với Nhật Bản. Ấn Độ đủ lớn để cung cấp cho Nhật Bản một đối trọng với Trung Quốc.

Mục tiêu này được chia sẻ bởi cả Tokyo, New Delhi và Washington. Kinh tế Ấn Độ đủ lớn để cung cấp cơ sở sản xuất thay thế cho ngành công nghiệp Nhật Bản, cho phép một sự dịch chuyển từ Trung Quốc.

Giai điệu này có thể đến tai ông Narendra Modi, cựu Thống đốc bang Gujarat vốn rất quen thuộc với hành lang công nghiệp Delhi-Mumbai mà Nhật Bản thiết kế, hoạt động như một cơ sở hậu cần cho hàng trăm doanh nghiệp Nhật.

Các kiến trúc sư của chiến lược xây dựng quan hệ đồng minh với Ấn Độ là Phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Nobukatsu Kanehara và Cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Shinzo Abe, ông Tomohiko Taniguchi.

Những ai đã từng gặp hai ông có thể chứng thực, họ là những nhà tư tưởng có ảnh hưởng lớn và độc đáo nhất của Nhật Bản. Những nỗ lực của họ có bề dày “thâm niên” từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông Shinzo Abe.

Hai người là tác giả chắp bút bài phát biểu của ông Shinzo Abe trước Quốc hội Ấn Độ trong chuyến thăm chính thức tháng Tám năm 2007, trong đó mở ra tầm nhìn “sự hợp lưu của hai vùng biển” với một chiến lược hợp tác toàn cầu.

Những ý tưởng này nhằm nuôi dưỡng một vùng biển cởi mở và minh bạch kết nối Ấn Độ Dương với  Thái Bình Dương, trở thành một phần của tổng thể “một châu Á rộng lớn hơn”.

Những thay đổi bất thường của nền chính trị Nhật Bản đã khiến ý tưởng này bị đình trệ. Chỉ vài tuần sau khi phát biểu trước Quốc hội Ấn Độ, ông Shinzo Abe phải từ chức vì lý do sức khỏe.

Chính phủ kế tiếp không quan tâm đến ý tưởng này. Nhưng nó vẫn là một bằng chứng quan trọng cho thấy ông Shinzo Abe rất coi trọng Ấn Độ.

Ngay khi trở lại văn phòng Thủ tướng tháng 12 năm 2012, ông Shinzo Abe đã tái khởi động kế hoạch phát triển quan hệ với Ấn Độ.

Thủ tướng Shinzo Abe nhận định, Ấn Độ sẽ là một đối tác lớn dựa trên quyết tâm ngăn chặn Trung Quốc biến Biển Đông thành ao nhà của họ. 

Hòa bình, ổn định và tự do hàng hải ở Thái Bình Dương không thể tách rời hòa bình, ổn định và tự do hàng hải ở Ấn Độ Dương.

Tuy nhiên những nỗ lực của ông Shinzo Abe không phải lúc nào cũng thuận lợi. Ban đầu Ấn Độ đã từ chối khái niệm “an ninh kim cương” của ông Shinzo Abe vì cho rằng nó quá khiêu khích Trung Quốc.

Thậm chí ngay cả các nhà ngoại giao Nhật Bản cũng thừa nhận rằng, Thủ tướng của họ có thể đã quá gay gắt.

Tuy nhiên quyết tâm của ông Shinzo Abe không thay đổi, cuối cùng cũng mang lại kết quả khi ông Narendra Modi trở thành Thủ tướng Ấn Độ tháng Sáu 2014.

Tháng Chín 2014 ông Shinzo Abe thăm Ấn Độ, hai nước nâng mối quan hệ lên đối tác chiến lược đặc biệt toàn cầu.

Chuyến thăm Ấn Độ của ông Abe cuối năm ngoái tiếp tục củng cố quan hệ bằng thỏa thuận về vũ khí, phát triển công nghiệp quốc phòng.

Người Nhật cũng đã rót tiền vào Ấn Độ qua các dự án hợp tác kinh tế, soạn thảo một bản ghi nhớ hợp tác năng lượng hạt nhân mà ông Narendra Modi rất mong muốn.

Nhật Bản nỗ lực, kiên trì thúc đẩy Ấn Độ đóng vai trò lớn hơn trong khu vực

Tuy nhiên nạn quan liêu trong bộ máy hành chính Ấn Độ đã giới hạn hiệu quả các khoản đầu tư của Nhật. Tuyến đường sắt do Nhật Bản xây dựng kết nối Mumbai với Ahmedabad vẫn chưa thể vận hành cho đến giữa thập niên tới.

Ngay cả việc đạt được một thỏa thuận năng lượng hạt nhân với Ấn Độ, một nước không tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, không phải là lựa chọn dễ dàng với Nhật Bản.

Hình minh họa: The Straits Times / Chng Choon Hiong.

Nhưng vấn đề lớn nhất với Nhật Bản là, Ấn Độ vẫn tiếp tục tự xem mình là sức mạnh lục địa và cần bảo vệ biên giới trên đất liền đang tranh chấp phức tạp.

Vì vậy, dù Ấn Độ lo lắng sự gia tăng hiện diện của hải quân Trung Quốc ở Ấn Độ Dương, kế hoạch của Trung Quốc xây dựng một căn cứ tại cảng Gwadar ở Pakistan không khiến cho tất cả các nhà hoạch định chiến lược ở New Delhi lo lắng.

Do đó không phải ai cũng tin rằng Ấn Độ cần chống lại sự gia tăng hiện diện của hải quân Trung Quốc ở Ấn Độ Dương, hoặc xa hơn nữa về phía Đông như Nhật Bản hy vọng.

Chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe không vì vậy mà sao lãng, ngược lại Phó Chánh văn phòng Nội các Kanehara vẫn tháo vát hơn bao giờ hết trong việc đẩy mạnh quan hệ Nhật – Ấn.

Tokyo đã thuyết phục New Delhi rằng, Nhật Bản sẽ giúp quân đội Ấn Độ trong việc duy trì quyền lợi của họ ở Ấn Độ Dương.

Nhật Bản vừa thông báo sẽ thuê thêm đất vào đầu năm tới để mở rộng một căn cứ quân sự của mình ở Djibouti, như một đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở vùng Sừng châu Phi, Ấn Độ Dương.

Ngoài ra ông Shinzo Abe đang lên kế hoạch để cung cấp hỗ trợ cần thiết cho các nỗ lực thăm dò dầu khí của liên doanh Việt-Ấn (trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam) ở Biển Đông.

Tokyo cũng đang cân nhắc các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng của liên doanh Nhật – Ấn tại Sri Lanka, nơi hải quân Trung Quốc đang tìm kiếm sự hiện diện.

Những nỗ lực này nhằm thuyết phục người Ấn Độ rằng, Nhật Bản đang làm để đảm bảo an ninh cho họ, bù lại cho một quan hệ đối tác Nhật – Ấn bảo vệ ổn định chiến lược ở Thái Bình Dương.

Giới hoạch định an ninh Nhật Bản thừa nhận rằng, ngay cả khi mọi việc trôi chảy như chuyến thăm Nhật Bản cuối tuần này của ông Modi, hay các dự án song phương đơm hoa kết trái, vẫn cần nhiều năm phấn đấu để hai nước có thể trở thành một liên minh quân sự chính thức.

Tuy nhiên cả Ấn Độ và Nhật Bản đang dần mở rộng khả năng triển khai sức mạnh của họ. Cả hai đang tiến hành những bước lớn hơn để khẳng định sức mạnh toàn cầu.

Và cả hai đều đánh giá rằng, các thách thức từ Trung Quốc sẽ tiếp tục cung cấp cho họ nhiều cơ hội, nhiều khả năng đến gần nhau hơn.

RELATED ARTICLES

Tin mới