Friday, April 19, 2024
Trang chủBiển nóng“Diện mạo mới” của Quân đội Nga khiến Mỹ e sợ

“Diện mạo mới” của Quân đội Nga khiến Mỹ e sợ

Một số tướng lĩnh và giới truyền thông phương Tây gần đây đã phải thừa nhận sức mạnh của quân đội Nga là rất đáng nể.

Sau “Cuộc chiến 5 ngày” với Gruzia, Quân đội Nga đã có “Diện mạo mới”

Tướng Mỹ: Nga đang nỗ lực tìm lại vị thế

Ngày 5/11, tướng Mỹ Philip Breedlove tuyên bố rằng, Nga đã rút ra được nhiều kết luận từ các chiến dịch quân sự trong quá khứ để từ đó củng cố và xây dựng quân đội của mình ngày càng hiện đại hơn và thiện chiến hơn.

Phát biểu trong một hội nghị nói về Liên bang Nga của Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington, vị cựu chỉ huy trưởng lực lượng Đồng minh ở châu Âu nhận định rằng, điều Nga muốn thấy là sự tôn trọng của thế giới phương Tây đối với Nga như một siêu lực lượng trong thế giới đa cực.

Tướng Breedlove cho biết rằng, theo ông, Moscow đánh giá vị trí của mình trên sân khấu chính trường thế giới là cao hơn so với những năm trước và cao hơn so với những gì mà phương Tây vẫn đánh giá về Nga và muốn phương Tây phải thay đổi nhận thức về điều đó.

Ông Breedlove nói và nhấn mạnh thêm rằng, có rất nhiều vấn đề, từ quá khứ cho đến hiện tại, từ thời Liên Xô cho đến nay là Nga, khiến Hoa Kỳ mô tả Moscow dưới một lăng kính không mấy tốt đẹp và họ (chỉ Liên bang Nga) muốn được vào bàn đàm phán, để chống lại.

V tướng về hưu nhận định, Nga muốn tái hiện hình ảnh một cường quốc cả về quân sự lẫn kinh tế và phạm vi ảnh hưởng, do đó, quân đội Nga tiến hành cải tổ, trên cơ sở những kinh nghiệm rút ra trong các chiến dịch quân sự vừa qua từ Gruzia cho đến Syria.

Vị tướng Mỹ về hưu nhân định rằng, Washington cần phải thông minh và thừa nhận thực tế rằng, Moscow có quan điểm riêng của mình về những điều này và lực lượng quân sự của Nga đã trở thành một đối thủ nặng ký nhất đối với quân đội Mỹ, trong suốt chiều dài lịch sử.

Đồng quan điểm với ông Breedlove, bình luận viên Matthew Chance của CNN đã từng nhận định rằng, trong một thập kỷ gần đây, chính phủ Nga đã phân bổ nguồn lực kinh phí đáng kể để hiện đại hóa và tái đào tạo nhân sự.

Ông Chance cho biết, những nguồn vốn khổng lồ đã được Điện Kremlin đầu tư vào các thế hệ tên lửa đạn đạo liên lục địa mới mang đầu đạn hạt nhân mới, nhằm mục đích phá vỡ với hệ thống phòng thủ tên lửa NMD của Mỹ.

Các hệ thống phóng tên lửa phòng không S-400, UAV trinh sát và máy bay chiến đấu thế hệ mới Su-35, xe tăng T-90 hiện đại của Nga đã kịp thể hiện hiệu quả chiến đấu ở Syria. Ngoài ra, ngay cả quân phục của Nga cũng có những thay đổi mang tính cách mạng.

Tuy nhiên, ông Chance nhận định rằng, điều làm cho nước Nga trở thành một lực lượng quân sự đáng gờm không chỉ đơn giản bởi kho vũ khí mà là sự sẵn sàng phô trương nó ở cấp độ quốc tế. Các sự kiện quốc tế gần đây đã chỉ ra rằng, nước Nga theo đuổi một đường lối đối ngoại độc lập.

Trước đây, Mỹ chỉ lo lắng về kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của Nga nhưng hiện nay, bất cứ loại vũ khí thông thường nào của Nga cũng khiến Washington phải giật mình. Sự hiện diện của Nga ở Syria cho thấy, Moscow hiện đã có đủ lực can thiệp quân sự ở bất cứ nơi đâu trên thế giới.

Nếu trước kia Lầu Năm Góc không tìm thấy đối thủ xứng tầm và nhiệm vụ của Quân đội Mỹ chỉ mang tính toàn cầu, ví dụ, cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan và Iraq, thì bây giờ họ phải tập trung vào mục tiêu cụ thể hơn: Đó là đối phó với sức mạnh kinh hoàng của Moscow.

Quân đội Hoa Kỳ có gì phải học từ Quân đội Nga?

Cách đây không lâu, trang mạng nổi tiếng Defence One đã đưa ra nhận định rằng, sau những thành công trong chiến dịch quân sự ở Syria, Quân đội Nga đã thể hiện một diện mạo mới hiện đại, mạnh mẽ và hiệu quả, Quân đội Mỹ có những thứ nên học hỏi từ người Nga.

Mặc dù nòng cốt trong chiến dịch quân sự ở Syria là lực lượng Hàng không-Vũ trụ (VKS) nhưng các lực lượng khác của Nga như hải quân, lục quân đều đã cử lực lượng tham gia bảo vệ, yểm trợ và bảo đảm cho VKS, thể hiện diện mạo mới đáng kinh ngạc của quân đội Nga.

Sự thể hiện của quân đội Nga trong chiến thắng chóng vánh nhưng không lấy gì làm ấn tượng trong cuộc “Chiến tranh 5 ngày” với Gruzia vào tháng 8-2008, đã khiến Mỹ-NATO luôn nghĩ rằng, Nga có một đội quân chỉ “to xác, mạnh về hạt nhân”, còn các lĩnh vực khác hết sức lạc hậu.

Tuy nhiên, sau cuộc chiến ngắn ngủi này, Nga đã tự nhận thức được sự yếu kém của mình và tiến hành một cuộc cải tổ sâu rộng với tên gọi đúng với tính chất của nó là “Diện mạo mới”. Và đến nay, quân đội Nga đã trở thành lực lượng vũ trang hiện đại, thiện chiến hàng đầu thế giới.

Diện mạo mới của quân đội Nga bắt đầu lộ diện trong cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine, khi họ mở chiến dịch kinh điển mang tên “Mùa xuân Crimea” trong khoảng thời gian tháng 2 và tháng 3/2014.

Việc Moscow triển khai chiến dịch quân sự chớp nhoáng nhưng bao gồm rất nhiều khâu phức tạp, bí mật tràn ngập Crimea, bảo vệ thành công cuộc chuyển giao bán đảo này về tay Nga đã cho thấy trình độ tổ chức và khả năng nghi binh, giữ bí mật của họ tốt đến mức nào.

Tạp chí Politico viết rằng, đến cuộc chiến ở Syria thì Mỹ đã nhận thức đầy đủ một chân lý là sức mạnh của quân đội Nga đã đạt đến đẳng cấp số 1 thế giới. Lầu Năm Góc choáng ngợp trước khả năng hiện đại hóa nhanh chóng và thành công của Lực lượng vũ trang Nga.

Defence One dẫn lời một số quan chức quân sự Mỹ nhận xét rằng, các tướng lĩnh Mỹ lâu nay chỉ quen tiến hành hoạt động chống phiến quân ở Trung Đông có nhiều thứ nên học hỏi từ Moscow, sau khi Quân đội Nga đã chứng minh sự hiệu quả của mình ở Syria.

Trước hết, Bộ trưởng Lục quốc Mỹ Eric Fanning cho biết, cần thiết thúc đẩy việc phát triển phương tiện tác chiến mạng và vô tuyến điện tử. Tuy nhiên, theo Defense One, nhiệm vụ chính ở đây là trang bị cho quân đội Mỹ các công nghệ tác chiến thông tin và điện tử mà Nga đang sở hữu.

Để bắt kịp cấp độ của người Nga, Bộ trưởng Lục quân Mỹ tuyên bố thành lập một văn phòng phản ứng nhanh mới, đồng thời cải tổ cơ cấu lực lượng, xây dựng quy chuẩn tác chiến mới nhằm thẳng vào yêu cầu đối phó với những ưu điểm mà Quân đội Nga đã thể hiện.

Ý kiến này cũng nhận được sự tán đồng của cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine Steven Pifer, người tuyên bố rằng Quân đội Mỹ phải học lại cách thức tiến hành hoạt động quân sự quy mô lớn, khác với các cuộc đối đầu với phiến quân đối lập ở Trung Đông.

Tạp chí Mỹ Politico cũng từng nhận định, kết thúc chiến tranh lạnh với sự sụp đổ của Liên bang Xô viết, Washington đã ngủ quên trên chiến thắng và coi thường nước Nga trong một khoảng thời gian dài, để Moscow kịp tăng cường tiềm lực tới mức độ gây bất ngờ cho Quân đội Mỹ.

Bài báo kết luận rằng, đã đến lúc Washington suy ngẫm lại một cách tổng quát, thay đổi chiến lược ngăn chặn, thậm chí thay đổi cả cấu trúc quân đội Mỹ đề phòng trường hợp xảy ra đối đầu quân sự với Nga, không chỉ trên biên giới Đông Âu mà còn trên toàn thế giới.

RELATED ARTICLES

Tin mới