Friday, April 19, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnNga bật champagne mừng ông Donald Trump

Nga bật champagne mừng ông Donald Trump

Người Nga đã bật champagne ăn mừng khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Giới phân tích cũng dự báo nhiều thuận lợi cho quan hệ Nga-Mỹ trong tương lai.

Người Nga ăn mừng

Ngày 9/11, ngay sau khi có kết quả ứng cử viên của đảng Cộng hòa Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do Nga, ông Vladimir Zhirinovsky đã bật champagne ăn mừng tại văn phòng làm việc của mình ở Moscow.

Ông Zhirinovsky được báo chí Mỹ gọi là Donald Trump của nước Nga và ông cũng chính là một trong những người Nga bày tỏ sự ủng hộ nhiệt tình nhất đối với tỷ phú bất động sản Mỹ.

Nga bat champagne mung ong Donald Trump
Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do Nga Zhirinovsky

Hồi tháng 9 vừa qua, ông Zhirinovsky tuyên bố rằng nếu ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ thì đó sẽ là “một kỳ nghỉ của nước Nga”.

Không chỉ có “Donald Trump của nước Nga” mà nhiều quan chức khác của Nga cũng bày tỏ vui mừng trước chiến thắng của ông Trump “thật”, người vốn có những phát biểu “thần tượng” Tổng thống Nga Putin.

Điện Kremlin cho biết Tổng thống Vladimir Putin đã chúc mừng tỷ phú Donald Trump giành chiến thắng, đồng thời hy vọng sẽ làm việc với ông để cải thiện các mối quan hệ. Theo Điện Kremlin, ông Putin đã bày tỏ hy vọng cùng làm việc để đưa quan hệ Mỹ-Nga thoát khỏi tình trạng khủng hoảng. Ông Putin cho rằng việc xây dựng đối thoại mang tính xây dựng sẽ có lợi cho cả hai nước và cộng đồng quốc tế.

Cùng ngày, Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin bày tỏ tin tưởng sẽ có cuộc đối thoại xây dựng hơn với tổng thống mới đắc cử của Mỹ Donald Trump.

Trong một phát biểu tại Vienn (Áo) ngay sau khi nhiều bang của Mỹ công bố kết quả kiểm phiếu, Bộ trưởng Kinh tế Nga Aleksey Uliukaev cho rằng không nên vội rút ra kết luận về quan hệ Nga-Mỹ, song Nga sẽ làm tất cả để khôi phục các quan hệ, bao gồm quan hệ kinh tế và thương mại, với Mỹ.

Nga bat champagne mung ong Donald Trump
Tại Nga, không ít người kỳ vọng vào chiến thắng của ông Trump

Ông Uliukaev cho hay, trong hơn 2 năm qua, quan hệ kinh tế-thương mại Nga-Mỹ hầu như bị đóng băng, hai bên không có tiếp xúc cấp cao, các doanh nghiệp hoạt động cầm chừng.

Người đứng đầu lĩnh vực kinh tế của Nga cho biết, Moskva mong muốn khôi phục cả mức độ tin cậy cao và hợp tác trong các vấn đề chiến lược với Mỹ, song mặt khác vẫn nên thận trọng trong đánh giá về khả năng tái khởi động quan hệ Nga-Mỹ.

Thế nhưng, Đại sứ Mỹ tại Moscow đã ngay lập tức dội gáo nước lạnh vào những “háo hức” ban đầu của người Nga. Đại sứ Mỹ John Tefft vừa tuyên bố, quan hệ tới đây giữa Nga và Mỹ không thể gọi là “sự tái khởi động mới”. Ông Tefft nói: “Tôi không nói rằng sẽ có một sự tái khởi động mới, song tôi nghĩ, hai bên sẽ cố gắng hợp tác trong các vấn đề quan trọng nhất, trong đó có vấn đề an ninh”.

Ông Tefft cũng gọi quan hệ Nga-Mỹ là mang tính chất “kế thừa” và tin tưởng rằng chính quyền mới tại Mỹ sẽ nỗ lực thúc đẩy giải quyết các mâu thuẫn liên quan đến tình hình tại Ukraine và Syria.

Hỏa lực miệng

Cũng trong ngày 9/11, ngay sau khi có kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, Thượng nghị sĩ Nga Aleksey Pushkov nhận định chính quyền mới của Mỹ có thể cắt đứt sự ủng hộ đối với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và dựng lên một nhân vật khác.

Trên trang Twitter, ông Pushkov viết: “Tổng thống Poroshenko có lý do để lo lắng. Ông ta là đứa con chính trị của chính quyền Tổng thống Barack Obama, là đứa cháu của (Phó Tổng thống Mỹ Joe) Biden. Nhưng chính quyền Donald Trump có thể sẽ dựng lên một nhân vật khác”.

Ông Pushkov nhắc lại rằng Washington cũng đã ngừng ủng hộ cựu Thống đốc tỉnh Odessa Mikhail Saakashvili. Theo ông, “chính quyền Obama đã quay lưng với người của (cựu Tổng thống) George Bush tại Gruzia là ông Saakashvili. Ông Trump cũng có thể quay lưng với Tổng thống Poroshenko. Kiev là một trong những bên thua cuộc trong cuộc bầu cử lần này”.

Nga bat champagne mung ong Donald Trump
Tổng thống Ukraine Poroshenko bước qua trước mặt Tổng thống Nga Putin tại lễ kỷ niệm sự kiện đổ bộ Normandy ngày 6/6/2014 tại Pháp

Đáp lại, từ Kiev, Tổng thống Ukraine Poroshenko bày tỏ hy vọng rằng Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong cuộc đối đầu với Nga sau khi tỷ phú Donald Trump giành chiến thắng.

Trong một bài phát biểu, ông Poroshenko nói: “Tôi mong Mỹ tiếp tục ủng hộ trong 2 lĩnh vực quan trọng: cuộc chiến của Ukraine chống lại sự xâm lược của Nga và hỗ trợ thực hiện những cải cách lớn”.

Tại châu Âu, Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 9/11 cảnh báo thắng lợi của tỷ phú Trump sẽ “mở ra thời kỳ bất ổn”. Nhà lãnh đạo Pháp cũng kêu gọi châu Âu đoàn kết để bảo vệ những giá trị sau chiến thắng này của ông Trump.

Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen bày tỏ bà đã bị “sốc nặng” khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, cho rằng châu Âu phải sẵn sàng với những thay đổi.

Phát biểu trên kênh truyền hình ARD sáng 9/11 vào thời điểm kết quả bầu cử vẫn chưa hoàn toàn ngã ngũ, song ông Trump đã giành thắng lợi ở nhiều bang then chốt để đảm bảo chiến thắng trước bà Hillary Clinton, Bộ trưởng Leyen nói: “Tôi cho rằng ông Donald Trump biết đây không phải là cuộc bầu cử ủng hộ cho ông ấy, mà là chống lại Washington, chống lại tổ chức. Dù chiến dịch tranh cử này có bị chôn vùi với những lăng mạ và sự chia rẽ, song đó vẫn là một cuộc bầu cử tự do dân chủ. Chúng ta phải đối mặt với thực tế này“.

Ông Trump có nhiều phát biểu gây lo ngại cho các nước đồng minh của Mỹ

Bà cho rằng châu Âu phải sẵn sàng tự lo liệu một cách tốt hơn, trong đó có việc tăng ngân sách quốc phòng. Trong các phát biểu vận động tranh cử, ông Trump đã nhiều lần cho rằng Mỹ không cần phải chi tiền để “gánh” cho các đồng minh của mình.

Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel thì gọi chiến thắng của ông Trump là một sự cảnh báo đối với Đức và châu Âu, đồng thời kêu gọi các nhà hoạch định chính sách tìm hiểu sâu sát hơn những mối quan tâm của dân chúng.

Trả lời phỏng vấn tập đoàn báo chí Funke Mediengruppe của Đức, Phó Thủ tướng Gabriel nói: “Ông Trump là người đi đầu trong phong trào quốc tế theo chủ nghĩa sô-vanh và độc tài mới. Ông ấy cũng là một sự cảnh báo đối với chúng ta. Đất nước ta và châu Âu phải thay đổi nếu chúng ta muốn chống lại phong trào quốc tế độc tài này”.

Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã chúc mừng ông Trump và bày tỏ hy vọng vào sự hợp tác chặt chẽ giữa Mỹ và Đức.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Berlin, Thủ tướng Merkel nói: “Tôi chúc mừng ông Donald Trump đã thắng cử. Tôi theo dõi kết quả bầu cử ở Mỹ với sự căng thẳng đặc biệt. Người dân Mỹ đã bầu ai làm tổng thống của họ trong cuộc bầu cử tự do và công bằng, thì điều đó còn có ý nghĩa vượt ra khỏi nước Mỹ. Không có một quốc gia nào ngoài EU, chúng tôi lại có kết nối sâu sắc như vậy“.

Nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel

Bà Merkel cũng nhấn mạnh trách nhiệm của một vị Tổng thống Mỹ đối với sự phát triển toàn cầu dựa trên sức mạnh kinh tế, tiềm lực quân sự và khả năng định hình văn hóa của một quốc gia lớn như Mỹ.

Bà khẳng định Đức và Mỹ kết nối với nhau qua các giá trị như dân chủ, tự do, thượng tôn luật pháp và phẩm giá con người bất kể nguồn gốc, màu da, tôn giáo, giới tình hay quan điểm chính trị. Bà nói: “Trên cơ sở các giá trị như vậy, tôi đề nghị một sự hợp tác chặt chẽ với vị Tổng thống tương lai của Mỹ”.

Có lợi cho Nga?

Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump từng chỉ trích Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là một thể chế lỗi thời, còn các nước thành viên là những kẻ vô ơn chỉ biết hưởng lợi từ sự hào phóng của Mỹ.

Ông cũng nói rằng Mỹ sẽ không cố gắng bảo vệ các quốc gia tại châu Âu, và cả châu Á, mà không nhận được sự đền đáp nào. Phát biểu này được nhiều người cho là đồng nghĩa với việc dưới sự lãnh đạo của ông Trump, Mỹ sẽ rút quân khỏi các nước đồng minh và đối tác trừ khi nhận được sự bồi hoàn xứng đáng.

Ông cũng khẳng định các thành viên NATO như các nước Baltic không thể trông cậy vào những hỗ trợ quân sự từ Mỹ nếu bị Nga tấn công, chừng nào chưa hoàn thành các cam kết của mình.

Theo giới phân tích, khác hẳn với người tiền nhiệm, ông Trump ủng hộ các phong trào dân túy ở châu Âu, không coi trọng các lợi ích mà Mỹ có được từ sự hội nhập với châu Âu cũng như hợp tác xuyên Đại Tây Dương.

Trong giai đoạn ông cầm quyền, mâu thuẫn về thuế với châu Âu có thể sẽ nảy sinh, thay vì tiếp tục đàm phán về Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư Xuyên Đại Tây Dương (TTIP) và nhiều thỏa thuận thương mại mới.

Mối quan hệ Nga-Mỹ sẽ được cải thiện dưới thời ông Trump?

Trái với truyền thống của đảng Cộng hòa, ông Trump đã có thái độ hòa giải hơn với Moscow, công khai thể hiện sự ngưỡng mộ đối với Tổng thống Putin. Ông Trump từng tuyên bố ông tin mình có khả năng xoa dịu căng thẳng với Tổng thống Putin, ca ngợi đây là nhà lãnh đạo mạnh mẽ và ông rất muốn xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp với ông Putin.

Tuy không nói rõ về các khía cạnh thúc đẩy quan hệ, ngoài phối hợp trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, song trong chiến dịch tranh cử của mình, ông từng nhiều lần cho biết luôn rất sẵn lòng lắng nghe quan điểm của người Nga.

Nhiều khả năng, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump sẽ thay đổi các mối quan hệ truyền thống với đồng minh và đối tác tại châu Âu, hay trong NATO, và xích lại gần hơn với nước Nga. Những người ủng hộ nhà lãnh đạo này hy vọng việc Nga-Mỹ cải thiện quan hệ có thể là tiền đề để giải quyết các cuộc xung đột tại nhiều điểm nóng trên thế giới như Ukraine, Syria, hay trong cuộc chiến chống IS.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới