Tuesday, April 23, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiBản tin Biển Đông ngày 15/11

Bản tin Biển Đông ngày 15/11

Bản tin Biển Đông ngày 15/2016.

1) Tổng thống Trump cần có lập trường “cứng rắn” nhưng hành động “nhanh gọn” ở Biển Đông

Ngày 14/11, trang VOA News đăng bài viết “Tổng thống Trump cần có lập trường “cứng rắn” nhưng hành động “nhanh gọn” ở Biển Đông”của nhà báo Ralph Jennings:

Trong bài viết, ông Ralph Jennings cho biết một số chuyên gia, đặc biệt là những người ủng hộ chính sách của Mỹ ở Châu Á, đã bày tỏ kỳ vọng đối với Tổng thống mới đắc cử của Mỹ cần nhanh chóng đưa ra một động thái quân sự, bao gồm việc đưa các tàu chiến đi qua Biển Đông nhằm khẳng định quyền tự do của tất cả các quốc gia bất chấp yêu sách của Trung Quốc đối với toàn bộ vùng biển này. Họ nói rằng, một động thái quân sự sẽ khẳng định các phát biểu trong chiến dịch chống Trung Quốc của ông Trump, và cho thấy rõ hơn lập trường cứng rắn của ông trong bối cảnh Philippines, đồng minh truyền thống và là một bên tranh chấp ở Biển Đông, đang thúc đẩy quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc.

Trước đó, ông Donald Trump đã thể hiện quyết tâm triển khai quân đội ở Biển Đông một cách mạnh mẽ trên trang web chiến dịch tranh cử nhằm chống lại một Trung Quốc “phiêu lưu” muốn mở rộng tầm ảnh hưởng của mình, đồng thời phê phán mạnh mẽ việc Trung Quốc chiếm giữ các cấu trúc đang tranh chấp và bồi đắp một số đảo, đá ở khu vực, đồng thời chuyển tải đi thông điệp rằng “Mỹ sẽ quay trở lại nắm vai trò lãnh đạo thế giới”. Tuy nhiên, ông Trump vẫn chưa công bố chính thức chính sách đối với vấn đề Biển Đông và do đó, dù ông Trump đã có lập trường mạnh mẽ song một số chuyên gia tỏ ra lo ngại rằng chính quyền mới của Mỹ có thể sẽ ngập ngừng khi tiến hành hoạt động quân sự ở Biển Đông vì cân nhắc quan hệ hợp tác kinh tế với Trung Quốc.

2) Động thái đáng ngờ: Các quan chức của Trung Quốc muốn thảo luận về “miếng mồi” hợp tác đánh cá và nuôi trồng tại khu vực bãi cạn Scarborough trên Biển Đông

Ngày 14/11, Thời báo Hoàn cầu đưa tin:

Ngày 14/11, một nguồn tin không chính thống cho biết, ông Liu Xinzhong, Cục phó Cục Quản lý Nghề cá cùng đại diện Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã có mặt tại Philippines để thảo luận về hợp tác nông nghiệp với phía Manila. Đoàn công tác của Trung Quốc và các quan chức Philippines đã gặp gỡ ngư dân của các tỉnh Bataan, Pangasinan và Zambales. Theo Hãng truyền thông Philippines GMA News Online, ông Liu đã ghé thăm Zambales để “chuyển đi thông điệp của lãnh đạo Trung Quốc” về việc “hỗ trợ” ngư dân địa phương. Tờ Manila Times ngày 13/11 cũng cho biết, ông Liu đã “hứa hẹn” viện trợ cho ngư dân các tỉnh Masinloc, Zambales và cung cấp các thiết bị công nghệ và cơ sở vật chất hiện đại như một “nguồn thu nhập thay thế”.

3) Giới chuyên gia phân tích lo ngại: tình hình ổn định của bãi cạn Scarborough sẽ chỉ là “tạm thời”

Ngày 15/11, tờ The Rappler đưa tin:

Ngày 14/11, tại một hội thảo khoa học do khoa Luật, Đại học Philippines tổ chức, các học giả đã lên tiếng lo ngại về tình hình ổn định hiện nay ở bãi cạn Scarborough trên Biển Đông sẽ chỉ là “tạm thời”. Cụ thể, ông Raul Pedrozo, Chỉ huy Hải quân Mỹ đã nghỉ hưu, nhấn mạnh “việc Trung Quốc rút quân ra khỏi bãi cạn Scarborough chỉ là “phản ứng tạm thời” của phía nước này”, đồng thời cảnh báo rằng “bất cứ thương lượng nào đối với việc tiếp cận bãi cạn sẽ là sai lầm vì hiển nhiên bãi cạn thuộc chủ quyền lãnh thổ của Philippines”. Ông tỏ ra đặc biệt lo ngại trước khả năng Trung Quốc sẽ trở lại hiếu chiến nếu nhận thấy có thêm bất kỳ điều kiện thuận lợi nào nhằm củng cố sự hiện diện của nước này ở Biển Đông. Ông cho rằng, Philippines cần duy trì lập trường của mình nhằm ngăn Trung Quốc thực hiện ý đồ cải tạo bãi cạn, bởi nước này vẫn có lợi ích tại bãi cạn, đó là tham vọng nắm quyền kiểm soát quân sự đối với các vùng biển tranh chấp, triển khai các cơ sở quân sự trên đảo Phú Lâm và nhiều cấu trúc Trường Sa thông qua “bãi cạn Scarborough – điểm nút an ninh trên Biển Đông”.

Trong khi đó, Giáo sư Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề biển và Luật Biển nhận định, dù Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông hồi tháng 7 đã có một chút tác động đến Bắc Kinh nhưng việc thiếu đi một thoả thuận thành văn “rõ ràng” và “chắc chắn” giữa Manila và Bắc Kinh về các hành động ở Biển Đông có thể làm dấy lên căng thẳng tại khu vực này, do đó, “Philippines chắc chắn vẫn phải tìm cách giảm thiểu nguy cơ xảy ra xung đột hoặc khủng hoảng nghiêm trọng”, có thể là nguy cơ Trung Quốc sẽ triển khai thêm một giàn khoan trên Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới