Thursday, March 28, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTQ mừng ra mặt khi Mỹ rút khỏi TPP

TQ mừng ra mặt khi Mỹ rút khỏi TPP

Việc Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngay trong ngày đầu tiên ở Nhà Trắng chắc hẳn là một tin tốt đối với Trung Quốc – hãng tin BBC nhận định.

Việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi TPP được xem là có lợi cho Trung Quốc – Ảnh: EPA/BBC.

Theo BBC, trong mấy năm trở lại đây, Bắc Kinh đã nghe chính quyền của Tổng thống Barack Obama nói nhiều về việc TPP, thỏa thuận thương mại gồm 12 quốc gia thành viên, là một cách để tăng cường vai trò lãnh đạo của Mỹ ở châu Á.

Tầm quan trọng của TPP

Trung Quốc không phải là một thành viên của thỏa thuận, và ông Obama đã bằng những cách riêng nhắc nhở khu vực rằng đây hoàn toàn khoong phải chuyện ngẫu nhiên. TPP cho phép Mỹ – và không phải những quốc gia như Trung Quốc – viết nên các quy tắc của thế kỷ 21, một vấn đề đặc biệt quan trọng tại một khu vực năng động như châu Á – Thái Bình Dương.

Và ý nghĩa của TPP không chỉ nằm ở lĩnh vực thương mại. TPP còn là phần cốt lõi trong chiến lược xoay trục về phía châu Á của chính quyền Obama. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ash Carter từng nói rằng ngoài việc thúc đẩy xuất khẩu của Mỹ, TPP sẽ củng cố các mối quan hệ chủ chốt của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương, thẻ hiện cam kết của Mỹ với khu vực, và thúc đẩy các giá trị Mỹ.

“Đối với tôi, việc thông qua TPP cũng quan trọng như việc có thêm một hàng không mẫu hạm nữa”, ông Carter nói.

Bởi vậy, không có gì là khó hiểu khi Bắc Kinh xem chiến lược xoay trục của Mỹ, trong đó có TPP, là một kế hoạch nhằm mục đích kiềm chế sức mạnh của Trung Quốc. Mới chỉ cuối tuần này, hãng thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Quốc miêu tả TPP như “cánh tay kinh tế trong chiến lược địa chính trị của chính quyền Obama nhằm đảm bảo sự thống trị của Mỹ trong khu vực”.

Tuy nhiên, ứng cử viên Cộng hòa Donald Trump đã đắc cử Tổng thống Mỹ một phần nhờ một làn sóng tâm lý chán ghét và nghi kỵ các thỏa thuận thương mại và toàn cầu hóa của cử tri Mỹ.

Không ít người bỏ phiếu cho Trump vì lời hứa mà ông đưa ra về rút khỏi TPP. Và ông Trump đã thể hiện sự tôn trọng lời hứa này khi tuyên bố vào ngày 21/11 rằng ông sẽ đưa Mỹ ra khỏi TPP ngay trong ngày đầu tiên làm Tổng thống.

Uy tín của Mỹ

Thỏa thuận mà Trump hứa rút khỏi cũng chính là thỏa thuận mà người tiền nhiệm của ông, Tổng thống Obama, đã ký kết và dành nhiều năm trời để hối thúc các nước đồng minh làm điều tương tự.

Giờ đây, Bắc Kinh có thể “khuyến khích” các quốc gia trong khu vực so sánh mức độ đáng tin cậy giữa những lời hứa của Trung Quốc với những lời hứa mà Mỹ đưa ra.

Bắc Kinh có thể thuyết phục các nước khác rằng Mỹ chỉ là cường quốc tại châu Á khi nào Mỹ muốn, còn Trung Quốc là cường quốc không bao giờ rời bỏ khu vực. Trong chuyến thăm Washington hồi tháng 8, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã thẳng thừng cảnh báo rằng đối với các đối tác của Washington trong khu vực, TPP đặt “uy tín của nước Mỹ trên đường ranh giới”.

“Mỗi nước đều đã vượt qua sự phản đối chính trị trong nước, tính chất nhạy cảm, một phí tổn chính trị để đạt thỏa thuận này”, ông Lý Hiển Long nói. “Và cuối cùng, nếu chú rể đợi ở nhà thờ mà cô dâu không tới, thì tôi cho rằng đó sẽ là một sự tổn thương rất lớn”.

Việc ông Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi TPP rõ ràng đặt các nhà ngoại giao của nước này vào thế khó tại châu Á. Trước đây, họ nói với các đối tác trong khu vực rằng việc thúc đẩy TPP sẽ củng cố vai trò lãnh đạo của Mỹ trong khu vực. Bởi vậy, việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận này đương nhiên đồng nghĩa với việc làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Mỹ.

Khoảng trống quyền lực

Trung Quốc có vẻ đã sẵn sàng nhảy vào lấp chỗ trống quyền lực mà Mỹ để lại.

Tại hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Lima, Peru vào cuối tuần vừa rồi, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với các nhà lãnh đạo trong khu vực rằng giờ là thời điểm cho các mối quan hệ thắt chặt, các giải pháp các bên cùng có lợi, và các sáng kiến chiến lược.

Ông Tập khẳng định, Trung Quốc sẽ không đóng cửa mà sẽ mở rộng hơn nữa cánh cửa đối với thế giới bên ngoài.

Các quan chức Trung Quốc tháp tùng ông Tập trong chuyến đi này không bỏ phí thời gian mà thay vào đó tích cực chuẩn bị cho việc tái khởi động đàm phán các thỏa thuận thương mại mà Bắc Kinh khởi xướng, bao gồm Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Khu vực Mậu dịch tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP).

Những động thái này diễn ra trong khuôn khổ sáng kiến “một vành đai, một con đường” của Trung Quốc nhằm mở rộng hoạt động đầu tư, thương mại, và ảnh hưởng chiến lược của Trung Quốc trên toàn châu Á.

Song song với đó, Trung Quốc cũng rót vốn cho những định chế cho vay phát triển mới như Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) nhằm tạo đối trọng với những định chế phương Tây như Ngân hàng Thế giới (WB) hay Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

Châu Á bất an?

Từ góc nhìn trò chơi quyền lực có tổng bằng 0 (zero-sum game) ở khu vực châu Á, việc Mỹ rút khỏi TPP đem lại lợi ích chiến lược cho Trung Quốc, không chỉ bởi sự mất đi một thỏa thuận thương mại do Mỹ hậu thuẫn hay một trụ cột trong chiến lược xoay trục của Mỹ.

Tuyên bố của ông Trump sẽ rút Mỹ khỏi TPP có thể được coi như “điềm báo” về sự bất ổn lớn xung quanh những dự định của Washington thời chính quyền Trump.

Liệu nước Mỹ thời Trump có tiếp tục theo đuổi một hệ thống dựa trên những nguyên tắc bình đẳng và cởi mở? Hay chủ trương “nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Trump đồng nghĩa thay thế cam kết đối với chủ nghĩa quốc tế hợp tác bằng một sự diễn giải hẹp hòi hơn về các lợi ích quốc gia của Mỹ dựa trên cạnh tranh?

Nếu quyết định của Trump đối với TPP là một sự dịch chuyển theo hướng thứ hai, thì các đồng minh của Mỹ ở châu Á có lẽ đang chờ đợi những tuyên bố của ông trong vấn đề an ninh với tâm trạng bất an hơn nhiều.

Liệu các nước đồng minh của Mỹ còn có thể tin cậy Mỹ sẽ ra tay giúp đỡ trong trường hợp họ bị một Trung Quốc đang nổi lên đe dọa? Dù câu trả lời là gì, thì chỉ riêng việc các đồng minh của Mỹ đặt ra câu hỏi này cũng đã là một tin tốt đối với Trung Quốc.

Không chỉ có vậy, kế hoạch 100 ngày đầu tiên ở Nhà Trắng của Trump còn không đề cập gì đến lời hứa mà ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử về “dán nhãn” Trung Quốc là quốc gia thao túng tỷ giá và đánh thuế trừng phạt đối với hàng hóa Trung Quốc.

Sự im lặng, ít nhất đến lúc này, của Trump về những vấn đề trên, và việc ông rút khỏi TPP thực sự là một loạt thông tin tốt mà Bắc Kinh nhận được.

RELATED ARTICLES

Tin mới