Wednesday, October 9, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTQ khoác áo kinh tế kề dao sát nách Ấn Độ

TQ khoác áo kinh tế kề dao sát nách Ấn Độ

Trung Quốc chi hàng chục tỷ đô la để thiết lập một hành lang chạy dọc Pakistan và đe dọa nghiêm trọng an ninh Ấn Độ.

Đội lốt kinh tế?

Khi tiếng súng tại khu vực biên giới tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan tiếp tục đì đoàng thì Trung Quốc đã nhanh chân thiết lập một hành lang mang tiếng là kinh tế nhưng có ý nghĩa chiến lược địa chính trị sát nách Ấn Độ.

Dự án Hành lanh Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) do Trung Quốc thiết lập với vốn đầu tư lên tới 46 tỷ USD được cho là sẽ gây ra những hậu quả địa chính trị vô cùng nghiêm trọng mà dường như Ấn Độ đã bỏ qua.

Hành lang này chạy qua khu vực tranh chấp Gilgit-Baltistan thuộc Jammu-Kashmir, vốn thuộc về Ấn Độ trên cơ sở pháp lý. Các chuyên gia Ấn Độ cho rằng nước này cần phải phản đối kịch liệt bất kỳ hoạt động xây dựng tuyến đường mới nào trong khu vực tranh chấp này.

Nhưng phía Ấn Độ lại có phản ứng gây ngạc nhiên. Ấn Độ đã cho phép Trung Quốc đến bờ biển Makran (Pakistan) mà không gặp bất kỳ sự cản trở nào. Khi tin tức về CPEC lần đầu tiên xuất hiện trên báo chí, một bộ phận trong Bộ ngoại giao Ấn Độ thậm chí còn chào đón dự án này.

Theo chuyên gia Ấn Độ, Trung Quốc đã khéo léo sử dụng các bằng chứng ngoại phạm về thương mại để tiếp tục tham vọng quân sự của mình. Các bản đồ xuất bản gần đây về hành lang này chỉ ra hai tuyến đường lớn chạy gần biên giới với Ấn Độ ở Punjab và Rajasthan.

Trung Quoc khoac ao kinh te ke dao sat nach An Do

Xe tăng T-90 của Ấn Độ

Ngược dòng lịch sử, trận chiến xe tăng quy mô lớn đã diễn ra ở đây trong quá khứ trong cuộc chiến giữa Ấn Độ và Pakistan những năm 1965 và 1971. Trong bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào giữa Ấn Độ và Pakistan trong tương lai, hai khu vực chính này sẽ dành cho các trận chiến xe tăng quy mô lớn và có thể mang tính chất quyết định.

Trung Quốc đề ra hai mục tiêu là cơ giới hóa và thu thập thông tin quân sự. Trung Quốc đang xây dựng các đơn vị tác chiến có tính cơ động và hỏa lực mạnh. Các đơn vị này có thể dễ dàng hoạt động tại cao nguyên Tây Tạng, nhưng không thể áp dụng được trên toàn khu vực Himalaya (ngoại trừ ở Ladakh).

CPEC hiện nay tạo cho Trung Quốc cơ hội lớn để sử dụng lực lượng xe tăng khổng lồ của họ chống lại Ấn Độ, thông qua Pakistan trong bất kỳ cuộc chiến tranh nào trong tương lai. Điều này sẽ làm xói mòn ưu thế của Ấn Độ so với Pakistan và gây ra mối đe dọa hiện hữu với Ấn Độ.

Trung Quoc khoac ao kinh te ke dao sat nach An Do

Cảng Gwadar của Pakistan nhìn ra biển A-rập

Không chỉ vậy, một đầu mút của CPEC là cảng Gwadar ở Balochistan đã đi vào hoạt động và Pakistan đề nghị Trung Quốc xem nơi đây như một căn cứ hải quân.

Thực tế này tác động nghiêm trọng tới an ninh quốc gia của Ấn Độ và có thể gây ra các mối đe dọa lớn đến các tuyến đường biển truyền thống của Ấn Độ tới Trung Đông và châu Phi. Điều này có thể gây nguy hiểm cho an ninh năng lượng của Ấn Độ.

Các chuyên gia Ấn Độ cảnh báo, cơn ác mộng sẽ là việc Trung Quốc lập căn cứ tàu ngầm hạt nhân và thông thường tại Gwadar. Bằng cách cho thuê lãnh thổ của mình, Pakistan đã làm cho Hải quân Trung Quốc trở thành một đối thủ nguy hiểm ở khu vực Ấn Độ Dương.

Ấn Độ gia cố sức mạnh

Trong khi Trung Quốc đang tiến sát, Ấn Độ dường như vẫn đang quá bận tâm tới người láng giếng Pakistan. Một trong những biểu hiện rõ nhất là cuộc đua về chi tiêu quân sự.

Quan hệ lạnh nhạt giữa hai nước láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân Ấn Độ-Pakistan trên trở nên trầm trọng hơn vào tháng 9/2016, khi 3 tay súng đóng trên lãnh thổ Pakistan vượt qua Ranh giới kiểm soát, giết hại 17 binh sỹ Ấn Độ ở một căn cứ quân sự.

Binh sĩ Ấn Độ tuần tra tại khu vực biên giới với Pakistan

Ấn Độ đã tiến hành tấn công trả đũa vào một trại khủng bố ở Pakistan. Hai bên đấu pháo qua biên giới. Việc Ấn Độ không tham gia một hội nghị khu vực tổ chức tại Islamabad khiến những người tổ chức hết sức bối rối.

Mới đây, Ấn Độ trục xuất một nhân viên ngoại giao Pakistan với cáo buộc gián điệp, gây ra một loạt trục xuất ầm ĩ từ cả hai phía.

Trong bối cảnh căng thẳng tiếp diễn với Pakistan, Ấn Độ đang sử dụng những thành quả từ phát triển kinh tế để khiến Pakistan phải lao vào cuộc đua và được ví như cách mà Ronald Reagan đã làm với Liên Xô trước đây. Ấn Độ đang khiến Pakistan kiệt quệ.

Từ năm 2000, nền kinh tế của Ấn Độ đã tăng trưởng với tốc độ trung bình gần 7%/năm và ngân sách quân sự cũng tăng phù hợp. Trong khi đó, nền kinh tế Pakistan đã tăng trưởng với tốc độ chậm hơn nhiều.

Máy bay chiến đấu của Ấn Độ. Trong 15 năm tới, chi tiêu quân sự của Ấn Độ có thể vượt mức 100 tỷ USD

Quân đội Pakistan đã phải tham gia vào các cuộc xung đột tốn kém ở biên giới với Ấn Độ và Kashmir, ở biên giới Afghanistan và với những lực lượng khủng bố trong nước.

Trong năm 2015, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Ấn Độ đã vượt Pháp về chi tiêu quân sự và đang tiến nhanh tới mức của Anh – nước xếp sau Mỹ, Trung Quốc, Saudi Arabia và Nga.

Theo báo cáo, Ấn Độ chi gần 50 tỷ USD, trong khi Pakistan chi hơn 9 tỷ USD. Đáng lưu ý là chi tiêu quân sự của Ấn Độ dù chỉ chiếm 2,3% Tổng sản phẩm Quốc nội (GDP) nhưng lại nhiều hơn đáng kể so với mức chi tiêu quân sự 3% GDP của Pakistan.

Tăng trưởng kinh tế ấn tượng của Ấn Độ cho phép nước này mua sắm một lượng lớn vũ khí. Đây là một phần của kế hoạch hiện đại hóa quân đội trị giá khoảng 240 tỷ USD của Thủ tướng Narendra Modi. Đây cũng là một cam kết quan trọng của ông nhằm thúc đẩy ngành sản xuất trong nước với chiến dịch “Sản xuất tại Ấn Độ” của ông.

Mới đây, Ấn Độ công bố chương trình tăng cường sức mạnh quân đội bằng cách loại bỏ súng trường do Ấn Độ sản xuất từ cách đây hai thập kỷ và sẽ trang bị cho bộ binh thiết bị hiện đại hơn, tìm kiếm trên toàn cầu mô hình mới cho đơn đặt hàng đầu tiên gồm 185.000 súng trường tấn công.

Binh sĩ Ấn Độ tập trận

Bộ Quốc phòng nước này cũng đang tìm thị trường để mua hàng trăm hàng nghìn mũ bảo hiểm và hàng chục nghìn áo khoác chống đạn.

Tháng trước, Ấn Độ đã liên hệ với các nhà cung cấp vũ khí toàn cầu để mua 200 máy bay chiến đấu và có thể tăng lên 300 chiếc và có thể kích hoạt ngành công nghiệp sản xuất máy bay trong nước.

Công ty Lockheed Martin của Mỹ cho biết họ rất quan tâm đến việc thiết lập một dây chuyền sản xuất máy bay chiến đấu F-16 tại Ấn Độ, không chỉ cho quân đội Ấn Độ mà còn xuất khẩu. Công ty Saab của Thụy Điển cũng đưa ra đề xuất một dây chuyền sản xuất máy bay cạnh tranh. Đây là những cạnh tranh đầu tiên cho một trong những gói thầu máy bay quân sự lớn nhất thế giới.

Ngoài ra, Ấn Độ cũng đã thuê một tàu ngầm hạt nhân thứ hai của Nga, và tàu ngầm hạt nhân được đóng trong nước của Ấn Độ là INS Arihant đã lặng lẽ được đưa vào phục vụ gần đây.

Giới phân tích cho rằng việc Ấn Độ tăng cường chi tiêu và sức mạnh quân sự đang khiến Pakistan lo lắng vì nước này không có nguồn lực cạnh tranh. Thay vào đó, Pakistan tiến tới liên minh với Trung Quốc. Tuy nhiên, người Pakistan cũng hiểu rằng điều này gây ra nguy cơ họ có thể trở thành một “quân tốt” của Trung Quốc khi tình hình nóng lên.

RELATED ARTICLES

Tin mới