Friday, April 19, 2024
Trang chủBiển nóngBản tin Biển Đông ngày 05/12

Bản tin Biển Đông ngày 05/12

Bản tin Biển Đông ngày 05/12/2016.

1) Đến lượt London trở thành mục tiêu công kích của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông

Liên quan đến tuyên bố của Đại sứ Anh tại Mỹ, Kim Darroch ngày 1/12 về việc các máy bay chiến đấu của Anh trong hành trình đến Nhật Bản sẽ bay qua Biển Đông, ngày 2/12, hãng Tân Hoa xã đã đăng bài báo bình luận chỉ trích tuyên bố này, thậm chí còn cho rằng tuyên bố của ông Darroch chỉ là “nhằm gây ấn tượng với người đồng cấp Nhật Bản” và cho thấy “London có thể sẽ sớm đi lệch khỏi lập trường “kín đáo” đối với vấn đề Biển Đông”. Bài báo này cũng lớn tiếng cáo buộc Anh đang “bắt đầu tìm cách can thiệp vào vấn đề Biển Đông như Mỹ và Nhật Bản”, “bắt chước” Mỹ và Nhật Bản trong vấn đề Biển Đông, cảnh cáo nước này sẽ phải “chịu thất bại” ở ít nhất hai khía cạnh: uy tín của nước này và quan hệ với Trung Quốc. Không những thế, bài báo còn ngang ngược bình luận rằng các phát biểu của ông Darroch về điểm nóng này “thực sự gióng lên một hồi chuông báo động”, đe dọa Anh không được phép “gây tổn hại cho tương lai của quan hệ đang đi lên giữa hai nước bằng cách “hăm dọa” đến các tàu quân sự hợp pháp”. Mặt khác, bài báo không quên gài thêm nội dung bảo vệ lập luận của Chính phủ rằng tự do hàng hải chỉ là cái cớ để phương Tây can thiệp vào tình hình Biển Đông.

2) Trung Quốc tiếp tục dùng tranh chấp Biển Đông để gây sự chú ý

Ngày 3/12, hãng Reuters đưa tin:

Ngày 3/12, phát biểu tại một diễn đàn khoa học, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hỉ hả tuyên bố Bắc Kinh đã “đánh bật” được “âm mưu của một số quốc gia nhằm gây rối trật tự Biển Đông” nhờ “khôi phục thành công quan hệ với Philippines dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte”. Mặc dù không dám nêu đích danh quốc gia nào, nhưng rõ ràng từ trước đến nay, Trung Quốc luôn tìm mọi cớ để đổ lỗi cho Mỹ và các đồng minh trong khu vực như Nhật Bản và Úc đã “can thiệp vào vấn đề Biển Đông”. Tuy nhiên, ai cũng nhận thấy việc Trung Quốc thất bại nặng nề trong sử dụng Phán quyết vụ kiện Trọng tài Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc là một cú đánh mạnh vào chính sách đối ngoại của nước này, cho thấy đường lối ngoại giao sử dụng sức mạnh chà đạp luật pháp quốc tế đem lại nhiều thất bại hơn là thành công cho Trung Quốc.

3) Ý kiến chuyên gia: Mâu thuẫn giữa Bộ Ngoại giao và các lực lượng quân sự Trung Quốc khiến tranh chấp Biển Đông trở nên phức tạp

Ngày 3/12, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đưa tin:

Ông Stapleton Roy, cựu Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh cho biết, việc tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông đang trở nên phức tạp hơn nhiều lần so với trước đây là do những bất đồng ngày càng lớn trong nội bộ Trung Quốc (giữa Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng) liên quan đến việc giải quyết các tranh chấp biển. Thêm vào đó, sự leo thang căng thẳng phần lớn cũng là do Trung Quốc và Mỹ đều trao cho quân đội quá nhiều vai trò trong vấn đề này. Ông Roy khẳng định, mặc dù Bộ Ngoại giao Trung Quốc luôn đưa ra những tuyên bố nói rằng Trung Quốc yêu sách các đảo, đá “ở Biển Đông”, các Bộ, ngành khác ở trong nước lại “hành động” theo hướng “yêu sách các quyền nằm trong đường chín đoạn”, và dĩ nhiên điều này là “không nhất quán với lập trường của Bộ Ngoại giao”.

Giống như ông Roy, ông David Lampton, một chuyên gia về Trung Quốc, cũng lưu ý đến sự khác biệt giữa nhận thức của một bên là quân đội Mỹ tuân thủ hoàn toàn Hiến pháp và một bên là quân đội Trung Quốc cam kết bảo vệ Đảng Cộng sản. Đặc biệt, ông Lampton nhấn mạnh, việc kiểm soát quân đội đối với Mỹ vẫn sẽ dễ dàng hơn so với Trung Quốc. Trong khi đó, ông Roy cảnh báo, dù không nên quá tin vào các tuyên bố của Chủ tịch Tập Cận Bình song vẫn cần lưu ý đến phát biểu của ông Tập trong chuyến thăm Washington năm ngoái về khả năng dùng sức mạnh ngoại giao để giải quyết các tranh chấp biển, cụ thể là “chuẩn bị đàm phán về vấn đề lãnh thổ ở Trường Sa”, thay vì viện tới sức mạnh quân sự.

Theo thông tin từ các chuyên gia phân tích, Trung Quốc đã không thực hiện bất cứ hành động gây hấn nào kể từ sau Phán quyết lịch sử của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông hồi tháng 7. Tuy nhiên , các chuyên gia vẫn tỏ ra khá lo lắng trước viễn cảnh tranh chấp Biển Đông sắp tới, với những nhà lãnh đạo “có tính cách không ổn định” như Tổng thống Philippines Duterte và tân Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy vậy, theo bà Bonnie Glaser, một chuyên gia về Châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS, sẽ khó có khả năng để Mỹ, và quan trọng hơn, Philippines và các bên tranh chấp chấp nhận điều này, dù Trung Quốc có muốn “tảng lờ” Phán quyết Tòa Trọng tài.

4) Anh sắp tiến hành cuộc tuần tra quân sự đầu tiên trên Biển Đông

Ngày 3/12, tờ Yibada đưa tin:

Nhằm thúc đẩy quyền tự do hàng hải của các quốc gia ở Biển Đông, mới đây, Anh tuyên bố sẽ tiến hành tuần tra thường xuyên tại khu vực lần đầu tiên với các máy bay trực thăng chiến đấu từ Không lực Hoàng gia Anh và sau đó sẽ có thêm sự tham gia của các tàu sân bay của Hải quân Hoàng gia.

Cuộc tuần tra đầu tiên của Không lực Hoàng gia Anh dự kiến sẽ được tiến hành vào đầu năm 2017. Ngày 1/12, ông Nigel Kim Darroch, Đại sứ Anh tại Mỹ, khẳng định chiếc máy bay tác chiến đa nhiệm British Eurofighter Typhoon được triển khai tới Nhật sẽ có chuyến bay qua nhiều khu vực ở Biển Đông nhằm khẳng định quyền tự do hàng không quốc tế. Ông Darroch khẳng định “Anh có chung mục tiêu với Chính quyền hiện nay và cả Chính quyền tiếp theo của Mỹ trong bảo vệ tự do hàng hải cũng như sự lưu thông các tuyến đường trên biển và trên không”, nhưng nhấn mạnh “Anh sẽ thực hiện theo cách của riêng mình” trên khu vực Thái Bình Dương. Về khung thời gian của cuộc tuần tra này, ông Darroch không tiết lộ thêm thông tin gì.

Hải quân Hoàng gia cho biết các máy bay chiến đấu từ tàu sân bay mới nhất HMS Queen Elizabeth sẽ bay qua Biển Đông, trong bối cảnh nước này lo ngại tự do hàng hải tại khu vực đang bị hạn chế do hành động bồi đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc nhằm biến các cấu trúc thành cơ sở quân sự.

RELATED ARTICLES

Tin mới