Friday, March 29, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiKhông phải Brexit, chính Italia đang gây hại cho EU

Không phải Brexit, chính Italia đang gây hại cho EU

Tạp chí The Financial Times mới đây đã cho đăng tải nhận định của chuyên gia Gideon Rakhman về vấn đề Italia với tương lai châu Âu. Theo đó, thất bại của cuộc trưng cầu dân ý ở Italia và sự ra đi của Thủ tướng Italia Renzi sẽ tạo ra mối đe dọa với tương lai EU nhiều hơn cả sự kiện Brexit.

So với quyết định của Anh về rút khỏi EU (Brexit), những hậu quả từ cuộc trưng cầu dân ý ở Italia thậm chí còn để lại nhiều hậu quả nặng nề hơn cho EU cho dù xét về thực chất, cử tri Italia chỉ bỏ phiếu phản đối tiến hành cải cách Hiến pháp Italia.

Theo Gideon Rakhman, sự kiện Brexit và cuộc trưng cầu dân ý ở Italia là một phần của lịch sử chung. Căng thẳng hiện đang hiện hữu ở EU sự kiện Brexit là minh chứng rõ nét cho nhận định này. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng ở Italia sẽ càng tạo ra các mối đe dọa nguy hiểm hơn đối với sự tồn tại của EU. Mối đe dọa này xuất phát từ các nguyên nhân chính trị, kinh tế và cả địa lý.

Khác với Anh, Italia là một trong các quốc gia sáng lập ra EU và luôn là quốc gia ủng hộ tích cực cho EU. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng nhập cư đã khiến quan hệ của Italia với EU thay đổi đáng kể.

Từ năm 2008, Italia đã mất đi 1/4 sản lượng sản xuất công nghiệp, còn tỷ lệ thất nghiệp của những người trẻ tuổi đã ở mức gần 40%. Không có gì ngạc nhiên khi ngày càng có nhiều người Italia coi đồng euro là thủ phạm khiến đất nước khó khăn. Ngày càng có nhiều chuyên gia kinh tế Italia cho rằng đồng tiền chung châu Âu đã khiến Italia mất đi các lợi thế cạnh tranh.

Gideon Rakhman nhận định rằng ông Renzi rất có thể là một trong những thủ tướng cuối cùng theo đuổi chính sách thân châu Âu truyền thống. Mặc dù chỉ trích chính sách kinh tế siết chặt của EU cũng như không ủng hộ chính sách nhập cư của EU nhưng Renzi vẫn là Thủ tướng có xu hướng ủng hộ đối thoại với EU. Trong khi đó, các đảng chính trị mới của Italia sẽ không theo đuổi quan điểm này. Đảng đối lập lớn nhất Italia “Phong trào 5 sao” đang yêu cầu Italia phải độc lập với Brussels.

Sự kiện Italia đáng lo hơn cho EU so với sự kiện Brexit ở chỗ Italia là thành viên của khu vực đồng tiền chung châu Âu. Brexit không đe dọa trực tiếp đến sự tồn tại của đồng tiền Euro và không đem đến mối de dọa tạo ra khủng hoảng cho toàn bộ nền kinh tế châu Âu. Tuy nhiên, không thể nói như trên khi đề cập đến sự kiện ở Italia.

Mối đe dọa hiện hữu gần nhất là làn sóng khủng hoảng đối với hệ thống ngân hàng ở Italia vì hệ thống này sẽ phản ánh khả năng thanh toán của Italia. Việc cứu trợ kinh tế đối với Italia sẽ khó khăn hơn nhiều so với cứu trợ Hy Lạp vì đòi hỏi số tiền lớn hơn nhiều.

Nếu phải cứu trợ Italia, khủng hoảng chính trị sẽ nổ ra ở Đức, nhất là khi cuộc bầu cử năm 2017 đang đến gần. Theo Gideon Rakhman, bối cảnh này khiến sự sụp đổ của khu vực đồng tiền chung châu Âu là điều hiển nhiên.

Ngay cả khi tránh được các cuộc khủng hoảng về kinh tế và chính trị, đón chờ châu Âu sẽ vẫn là một bức tranh ảm đạm. Trên khắp châu Âu, từ Tây Ban Nha, Ba Lan, Pháp cho đến Hà Lan, các đảng cánh hữu đang tích cực củng cố vị thế của mình, trong khi ở Italia là sự suy giảm về kinh tế còn hệ thống chính trị cũng đang khủng hoảng.

Cuộc trưng cầu dân ý đã được tổ chức hôm Chủ nhật vừa qua (4/12) ở Italia theo đề xuất của Chính phủ Thủ tướng Matteo Renzi để có thể thông qua dự thảo tiến hành cải cách Hiến pháp. Theo kế hoạch cải cách do Thủ tướng Renzi vạch ra, vai trò và chức năng của Thượng viện Italia sẽ được thay đổi. Theo dự kiến, số ghế trong Thượng viện Italia sẽ giảm từ 315 ghế xuống còn 100 ghế.

Kết quả trưng cầu dân ý cho thấy chỉ có từ 42-46% phiếu ủng hộ cải cách của ông Renzi và có đến 54-58% phản đối ý tưởng cải cách này. Thất bại trong trưng cầu dân ý khiến Thủ tướng Renzi tuyên bố từ chức, qua đó đẩy Italia đến trước nguy cơ khủng hoảng chính trị.

RELATED ARTICLES

Tin mới