Thursday, March 28, 2024
Trang chủBiển nóngBản tin Biển Đông ngày 12/12

Bản tin Biển Đông ngày 12/12

Bản tin Biển Đông ngày 12/12/2016.

1) Quan chức Mỹ cho biết: nhằm phản ứng với cuộc điện đàm của Tổng thống Trump và người đồng cấp Đài Loan, Trung Quốc đã đưa máy bay ném bom hạt nhân tới Biển Đông

Ngày 9 – 11/12, hãng Fox NewsInternational Business Times đưa tin:

Mới đây, hai quan chức Mỹ khẳng định, ngày 8/12, Trung Quốc đã đưa máy bay hạt nhân tầm xa H-6 bay dọc ranh giới “Đường chín đoạn” ở Biển Đông nhằm “gửi một thông điệp đến chính quyền mới của Mỹ” sau khi tân Tổng thống Donald Trump có cuộc điện đàm với người đồng cấp Đài Loan, bà Thái Anh Văn. Đây cũng là lần thứ hai Bắc Kinh đưa máy bay ném bom đến khu vực kể từ khi ông Trump thắng cử, tuy nhiên, lại là lần đầu tiên Trung Quốc đưa một máy bay tầm xa đến “Đường chín đoạn”.

Nhiều người tỏ ra lo ngại, theo những hình ảnh vệ tinh tình báo của Mỹ, Trung Quốc dường như đang chuẩn bị đưa thêm nhiều tên lửa đất đối không hiện đại tới các cấu trúc đang tranh chấp trên Biển Đông. Điều đáng ngại là, gần đây, tờ Thời báo Hoàn cầu ngang nhiên tuyên bố rằng, “Trung Quốc cần phải chuẩn bị tốt hơn về mặt quân sự khi xử lý vấn đề Đài Loan để đảm bảo tất cả những kẻ muốn ủng hộ sự độc lập của Đài Loan sẽ phải “bị trừng phạt”, và đề phòng trước “sự gây hấn của Mỹ” ở Biển Đông”.

2) Tổng thống Indonesia Joko Widodo không mong Biển Đông trở thành “đấu trường” giữa các nước lớn

Ngày 10/12, trang Economic Times đưa tin:

Trong một buổi phỏng vấn với hãng tin PTI, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết ông mong rằng khu vực Biển Đông sẽ không trở thành một “đấu trường” giữa các nước lớn, đồng thời kêu gọi tất cả các quốc gia liên quan đến tranh chấp Biển Đông tiến hành đàm phán nhằm giải quyết vấn đề một cách hoà bình, thông qua “các tiến trình ngoại giao và pháp lý”. Ông Widodo cho biết Indonesia không phải là một bên tranh chấp, nhưng vấn đề Biển Đông là một vấn đề rất phức tạp, Indonesia sẵn sàng tạo điều kiện để các bên giải quyết vấn đề của khu vực. Cụ thể, “Indonesia sẽ tiếp tục ngăn ngừa nguy cơ xảy ra xung đột nhằm bảo vệ hoà bình và ổn định ở khu vực”, “thúc đẩy việc chuẩn bị xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử giữa Trung Quốc và ASEAN”

3) Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lục Khảng tiếp tục yêu sách phi lý các đảo và đá ở Biển Đông

Ngày 10/12, trang GMA News đưa tin:

Ngày 9/12, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngang ngược đưa ra tuyên bố nhằm khẳng định “quyền chủ quyền” đối với “quần đảo Trường Sa”, bao gồm Đá Lát thuộc chủ quyền của Việt Nam, và các vùng nước xung quanh đá này, đồng thời cảnh cáo “quốc gia liên quan cần nghiêm túc tôn trọng “chủ quyền và các quyền của Trung Quốc”, ngừng “chiếm đóng và thực hiện các hoạt động xây dựng các hoạt động xây dựng bất hợp pháp , không thực hiện các hành động “có thể làm tình hình xấu đi””.

4) Ấn Độ đề xuất ý tưởng thiết lập hệ thống cảnh báo sóng thần cho các nước ở Biển Đông

Ngày 11/12, báo The Hindu đưa tin:

Mới đây, theo một nguồn tin, nằm trong số các nỗ lực nhằm thực hiện chiến lược ngoại giao mềm, Ấn Độ đang mong muốn các nước ở khu vực Biển Đông như Việt Nam, Malaysia và Philippines sử dụng hệ thống cảnh báo sớm sóng thần do Ấn Độ thiết lập từ năm 2004. Hệ thống này hiện đã được mở rộng đến một số nước quan khu vực Ấn Độ Dương, như Nhật Bản và Úc.

Theo ông Satheesh Shenoi, Gám đốc Trung tâm thông tin quốc gia của Ấn Độ (INCOIS), các nhà khoa học ở INCOIS đã phát triển một loại công nghệ dùng thuật toán để dự báo khả năng một trận động đất sẽ gây ra sóng thần trong các vùng biển lân cận của Ấn Độ, đồng thời gửi các cảnh báo chọn lọc tới giới quan chức. Ông Shenoi khẳng định, hệ thống này bao gồm cả các nước ở khu vực Biển Đông để các nước này cũng có thể sử dụng nó. Mặt khác, ông cho rằng, thông qua việc mở rộng phạm vi sử dụng của hệ thống, Ấn Độ kỳ vọng có thể có được “uy tín và vai trò lãnh đạo” chứ không nhằm đạt được một thoả thuận thương mại nào đó. Một quan chức khác của MoES cho biết, các cuộc đàm phán với Trung Quốc về việc sử dụng hệ thống cảnh báo sóng thần của Ấn Độ đã được tiến hành, song gần như không có mấy tiến triển.

5) Cựu phóng viên BBC nói về giải pháp nhằm hạ nhiệt tranh chấp Biển Đông

Ngày 12/12, hãng Nikkei đăng bài viết “Làm sao để hạ nhiệt tranh chấp Biển Đông” của Humphrey Hawksley, cựu phóng viên BBC tại Bắc Kinh:

Trong bài viết, ông Humphrey Hawksley cho biết, đã tới lúc các cuộc thảo luận không chính thức bấy lâu nay giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc nhằm hạ nhiệt tranh chấp Biển Đông được chính thức hoá và triển khai trên thực tế.

Ông Hawksley cho biết, trong thời gian gần đây, nhiều cuộc thảo luận không chính thức giữa các quan chức an ninh của hai nước cho thấy khả năng có “một thiện chí mới” giữa hai bên về việc tiến hành đàm phán về vấn đề này. Một số chuyên gia đánh giá, việc định hình các cuộc thảo luận không chính thức giữa giới chính sách của Washington và Bắc Kinh sẽ tạo nền tảng cho các cuộc đàm phán Mỹ – Trung.

Ông khẳng định, dù không giải quyết được những vấn đề lớn hơn như vấn đề chủ quyền hay cân bằng quyền lực nhưng các cuộc đàm phán trực tiếp có thể ngăn ngừa nguy cơ “chuyện bé xé ra to” khi tổng thống mới của Mỹ nhậm chức trong thời gian tới. Cụ thể, mục đích của đề xuất này là nhằm ngăn vấn đề khu vực có thể trở thành khủng hoảng toàn cầu.

Theo dự đoán của cựu nhà báo, ông Trump có thể sẽ có một cách tiếp cận khác với Tổng thống Obama, rằng tranh chấp Biển Đông sẽ tác động đến lợi ích kinh tế và chiến lược của Mỹ, do đó cần được giải quyết trực tiếp giữa hai cường quốc. Ông Hawksley nhấn mạnh, việc các chuyên gia Mỹ và Trung Quốc đưa ra đề xuất đàm phán sau thời điểm tân Tổng thống Donald Trump đắc cử có ý nghĩa quan trọng, cho thấy sự quan tâm của cả hai bên.

RELATED ARTICLES

Tin mới