Saturday, April 20, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiVì sao TQ lại “gây sự” với Singapore vào thời điểm này?

Vì sao TQ lại “gây sự” với Singapore vào thời điểm này?

Dù muốn, nhưng Trung Quốc không có đủ năng lực để uốn nắn trực diện Singapore. Bắc Kinh phải chọn một cách tấn công bất ngờ và không mấy đẹp đẽ.

9 xe bọc thép của Singapore bị Trung Quốc giữ tại cảng Hong Kong. Ảnh: SCMP

Trong thời điểm nước Mỹ đang bận rộn với cuộc bầu cử và chiến lược xoay trục châu Á bị lơ là, có vẻ Bắc Kinh đã bắt đầu chuyển hướng trong quan hệ với các nước láng giềng.

Gần đây, nước này đã bắt đầu tiếp cận Malaysia, ký kết 14 hiệp định hợp tác trị giá 20,8 tỉ USD, trong đó có một thỏa thuận quân sự then chốt và cam kết sẽ giải quyết tranh chấp trên biển Đông theo cơ chế song phương. Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines cũng trở nên “nồng ấm” hơn trước.

Tuy nhiên, Bắc Kinh lại có phần “khắt khe” với Singapore.

Thời điểm mà Trung Quốc lựa chọn

Ngày 23/11, Cục Cảng Hong Kong đã kiểm tra một chiếc tàu chở 9 phương tiện vận tải đổ bộ Terrex (ICV) của lực lượng vũ trang Singapore (SAF) và những thiết bị quân sự khác. Những phương tiện này đang trên đường về Singapore sau khi tham gia chương trình tập huấn ở Đài Loan, theo thỏa thuận an ninh Dự án Ánh sao.

Dù thỏa thuận từ năm 1974 này là bí mật nhưng việc Singapore và Đài Loan hợp tác trong một số lĩnh vực quân sự là điều được biết tới rộng rãi. Trước đây, truyền thông từng đưa tin về các vụ tai nạn chết người có liên quan tới lực lượng SAF ở Đài Loan từ năm 1993 đến năm 2009.

Singapore là một đất nước nhỏ nhưng mật độ dân số lại dày. Vì thế, nước này khó có thể thực hiện các cuộc tập trận quy mô lớn. Đài Loan, với diện tích rộng lớn hơn, là một lựa chọn không tồi cho lực lượng vũ trang Singapore.

Mặc dù quân đội Singapore đã thiết lập quan hệ chặt chẽ với nhiều nước, và tiến hành diễn tập ở nhiều nơi trên thế giới, gồm Australia, Brunei, Đức, Ấn Độ và Mỹ, SAF vẫn duy trì chương trình huấn luyện Dự án Ánh sao tại Đài Loan.

Có lẽ Singapore coi Đài Loan là bằng hữu khi đã giúp đỡ họ tăng cường năng lực quốc phòng, Lieke Bos, chuyên gia của Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc phòng Hoàng gia (Anh) nhận định.

Nhưng vì sao tới giờ Trung Quốc mới quyết định “làm to chuyện” dù đã biết về các cuộc tập trận cũng như hợp tác giữa Singapore và Đài Loan suốt nhiều năm?

Thời điểm này có phần lạ lùng.

Trung Quốc – Singapore mặn nồng tới mức nào?

Mối quan giữa Trung Quốc và Singapore khá ổn định, kể từ khi quan hệ ngoại giao giữa hai bên được thiết lập cách đây 25 năm. Singapore vẫn luôn ủng hộ chính sách “Một Trung Quốc”, coi Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Ngay cả hiện tại, khi đang vướng vào vụ rắc rối tại cảng Hong Kong, Singapore cũng không nhắc tới Đài Loan trong các thông cáo của mình.

Để đánh dấu 25 năm quan hệ ngoại giao, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long còn ký hiệp ước, kêu gọi hai nước tăng cường hợp tác.

Singapore là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Trung Quốc và là một trong những bên đầu tiên ủng hộ Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng, và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). 

Mặc dù vậy, mối quan hệ giữa hai bên không thắm thiết như người ta vẫn tưởng.

Singapore không phải là một bên trong cuộc tranh chấp biển Đông nhưng là một trong những cảng biển lớn nhất thế giới. Tranh chấp cũng như quyền tự do hàng hải ở khu vực này ảnh hưởng sâu sắc tới Singapore.

Nước này đã kêu gọi ASEAN thể hiện vai trò trong việc giải quyết tranh chấp, thay vì ủng hộ đàm phán song phương – cơ chế mà Trung Quốc muốn áp dụng. Singapore ủng hộ phán quyết biển Đông mà Tòa Trọng tài Thường trực đưa ra hôm 12/7, theo đó phủ nhận quyền lịch sử cũng như các quyền hạn khác của Trung Quốc ở hầu hết các thực thể trên biển Đông.

Ngoài ra, Singapore còn ký kết thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng với Mỹ, dẫn tới việc triển khai máy bay P-8A Poseidon tại Singapore. Động thái này đã khiến Bắc Kinh lo ngại bởi P-8A có thể được sử dụng để tuần tra do thám trên biển Đông.

Trước những động thái ấy, Trung Quốc nhận định: Singapore là một đồng minh của Mỹ, chứ không phải nhân tố trung lập. Vai trò của Singapore trong khu vực trở nên phức tạp, khi mà tại đó, ngày càng có nhiều nước thân thiết hơn với Bắc Kinh.

Theo Lieke Bos, vụ việc lần này là một lời cảnh báo của Bắc Kinh, rằng Singapore không thể tiếp tục “đi nước đôi” mà không hứng chịu hậu quả nào.

Tín hiệu từ phía Bắc Kinh

Trên thực tế, vụ thu giữ xe bọc thép sẽ không gây ra thiệt hại lớn cho Singapore về ngắn hạn. Trường hợp xấu nhất chỉ là nước này sẽ không thể nhận lại các phương tiện ICV. Vì thế, khả năng Singapore “phục tùng” Trung Quốc, không hợp tác với Đài Loan nữa là khá thấp.

Trung Quốc cũng không có đủ năng lực để “uốn nắn” Singapore, bởi các phương án tác động bằng kinh tế không mấy thành công. Singapore có nền kinh tế phát triển và duy trì quan hệ hợp tác an ninh với nhiều nước khắp thế giới.

Hơn nữa, Trung Quốc vẫn còn phụ thuộc vào con đường nhập khẩu thông qua eo Malacca. Nếu muốn, Singapore cũng có thể dễ dàng thu giữ hàng hóa tại cảng.

Nói như vậy không có nghĩa là hướng tiếp cận mới của Trung Quốc không có ý nghĩa gì. Vụ việc tại cảng Hong Kong cho thấy Trung Quốc sẵn sàng lên tiếng về những gì mà nước này cho là quyền lợi vốn thuộc về mình. Nhất là khi nước Mỹ sắp có một Tổng thống bốc đồng, thì Trung Quốc có vẻ dễ đoán định hơn trong mắt các nước Đông Nam Á.

Sự việc ở Hong Kong, vì thế, có thể coi là một trong những dấu hiệu mà Trung Quốc thể hiện khi nước này xác định lại vai trò của mình ở châu Á.

RELATED ARTICLES

Tin mới