Tuesday, September 17, 2024
Trang chủĐiểm tinBiển Đông trên bàn nghị sự Campuchia - Philippines?

Biển Đông trên bàn nghị sự Campuchia – Philippines?

Ngày 13.12, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đến Campuchia trong chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài 2 ngày.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tại Phnom Penh tối 13.12

Theo Đài ABS-CBN, ngay sau khi đặt chân xuống thủ đô Phnom Penh tối 13.12, Tổng thống Duterte đã có cuộc gặp gỡ với cộng đồng người Philippines tại Campuchia. Tuy nhiên, trọng tâm của chuyến thăm là cuộc hội kiến với Quốc vương Norodom Sihamoni và hội đàm với Thủ tướng Hun Sen vào ngày 14.12.

Tờ Inquirer dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose cho biết tình hình Biển Đông có thể được đề cập trong cuộc gặp giữa ông Duterte và ông Hun Sen. Theo ông Jose, có thể khi bàn về vấn đề an ninh quốc phòng trong khu vực, “Tổng thống sẽ lặp lại cam kết mạnh mẽ về việc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và tuân thủ pháp luật”.

Phát ngôn viên này cho biết thêm Philippines và Campuchia “đang làm việc chặt chẽ trong khuôn khổ ASEAN” trong nỗ lực chung tìm giải pháp cho vấn đề Biển Đông. Lâu nay, Campuchia luôn khẳng định lập trường tranh chấp ở Biển Đông nên được giải quyết bằng đàm phán song phương giữa các thành viên ASEAN có liên quan trực tiếp, bao gồm Philippines, với Trung Quốc.

Bên cạnh đó, trong cuộc gặp Thủ tướng Hun Sen, Tổng thống Duterte dự kiến sẽ đề cập về thương mại, bảo vệ công nhân nhập cư gốc Philippines cũng như hợp tác văn hóa và du lịch giữa hai nước. Ngoài ra, theo Đại sứ Philippines tại Campuchia, ông Christopher Montero, đến ngày 13.12 thỏa thuận hợp tác chống tội phạm xuyên quốc gia vẫn đang tiếp tục được hoàn tất. Văn kiện này cho phép lực lượng cảnh sát hai nước phối hợp đối phó tình trạng buôn người, khủng bố, chủ nghĩa cực đoan cùng các tội phạm về kinh tế và tài chính.

Chuyến công du của Tổng thống Duterte ngoài tăng cường hợp tác song phương còn nhằm thể hiện những ưu tiên của Philippines khi nước này giữ vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN vào năm 2017, trong đó đặc biệt nhấn mạnh hợp tác hàng hải và chống khủng bố. Mặt khác, tờ Today dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Enrique Manalo khẳng định nước này sẽ đảm nhiệm cương vị mới một cách “trung lập và trung thực” sau một số quan ngại Manila có thể ưu tiên lợi ích đối với một số nước.

RELATED ARTICLES

Tin mới