Friday, April 19, 2024
Trang chủBiển nóngBản tin Biển Đông ngày 15/12

Bản tin Biển Đông ngày 15/12

Bản tin Biển Đông ngày 15/12/2016.

Ảnh vệ tinh hôm 23/11 cho thấy vị trí pháo phòng không trên đá Tư Nghĩa mà Trung Quốc chiếm
đóng trái phép của Việt Nam. AMTI của CSIS công bố hình ảnh này hôm 13/12. Ảnh: CSIS/AMTI

1) Ảnh vệ tinh tố cáo “kho vũ khí” trên các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trái phép

Ngày 15/12, hãng tin BBC đưa tin:

Gần đây, Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (Asia Maritime Transparency – AMTI) đã công bố một loạt ảnh vệ tinh cho thấy bằng chứng rõ ràng về việc Trung Quốc đang triển khai bố trí các hệ thống phòng thủ quân sự “quy mô”, bao gồm các loại vũ khí chống máy bay và hệ thống phòng thủ quân sự trên bảy cấu trúc nhân tạo thuộc Trường Sa ở Biển Đông, dù trước đó phía nước này đã cam kết không tiếp tục tiến hành các hoạt động quân sự hóa tại khu vực.

AMTI cho hay, việc giám sát hoạt động xây dựng các công trình hình lục giác của Trung Quốc trên bốn cấu trúc ở Trường Sa đã được thực hiện trong vài tháng gần đây, khẳng định các công trình mới này là một “bước tiến” mới so với các công trình được xây dựng trên ba cấu trúc còn lại, và các công trình này hoàn toàn có khả năng chứa các hệ thống phòng thủ quân sự, nhất là “các loại vũ khí chống máy bay” và “hệ thống vũ khí cự ly gần (Close-in Weapons Systems – CIWS) được chôn ngầm nhằm giảm khả năng bị tấn công bởi quân địch. Bên cạnh đó, AMTI cũng nhận thấy rằng “việc lắp đặt các vũ khí và CIWS này cho thấy Bắc Kinh đang rất nghiêm túc về việc phòng thủ các đảo nhân tạo trong trường hợp xảy ra xung đột ở Biển Đông”, “đây sẽ tuyến phòng thủ sau cùng chống lại các tên lửa hành trình của Mỹ và các nước nhằm vào các căn cứ không quân sẽ sớm được đưa vào hoạt động”. Hiện phía Trung Quốc chưa có phản hồi gì về những thông tin này.

2) Trung Quốc lớn tiếng yêu cầu Mỹ tuân thủ cam kết ở Biển Đông

Ngày 14/12, trang CRI đưa tin:

Ngày 14/12, tại cuộc họp báo thường nhật của Bộ Ngoại giao, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã lớn tiếng yêu cầu Mỹ tuân thủ cam kết không nêu lập trường về vấn đề Biển Đông và “đóng góp nhiều hơn cho hòa bình và ổn định của khu vực”. Phát biểu này của ông Cảnh Sảng là nhằm chỉ trích gay gắt tuyên bố “sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông” của đô đốc Harry Harris, người đứng đầu Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, khẳng định “tình hình Biển Đông đang có chiều hướng ổn định” và “ đã đi đúng hướng”. Nhân cơ hội này, ông Cảnh Sảng cũng phản bác lại phát biểu của một quan chức quốc phòng cao cấp của Mỹ về việc Đài Loan nên tăng cường chi tiêu quân sự, đồng thời yêu cầu Mỹ tuân thủ cam kết không đi ngược lại chính sách “Một Trung Quốc” và phản đối mọi quan hệ chính thức cũng như quan hệ quân sự giữa Mỹ và Đài Loan “dưới bất cứ hình thức nào”.

3) Với Rex Tillerson, căng thẳng Biển Đông không phải là điều gì quá mới mẻ

Ngày 14/12, trang bình luận của tờ Tạp chí Phố Wall đăng bài viết “Với Rex Tillerson, căng thẳng Biển Đông không phải là điều gì quá mới mẻ” của tác giả Brian Spegele:

Trong bài bình luận, ông Brian Spegele khẳng định, một trong những thách thức lớn nhất đối với Rex Tillerson, người đứng đầu Tập đoàn Exxon Mobil, khi được lựa chọn  vào vị trí Ngoại trưởng Mỹ dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, là quan hệ nhạy cảm giữa Washington và Bắc Kinh, trong đó ít nhất sẽ phải tính tới điểm nóng Biển Đông. Tuy nhiên, với ông Tillerson, vấn đề này không quá xa lạ.

Ông Spegele cho hay, Exxon Mobil trong thời kỳ ông Tillerson đã “trải qua” một trong những tranh chấp căng thẳng nhất về mặt ngoại giao của khu vực khi ký thỏa thuận khoan dầu khí tự nhiên với Việt Nam 7 năm trước. Thậm chí, ông Tillerson đã bay tới Bắc Kinh vào giữa thời điểm vụ việc giàn khoan HD981 căng thẳng nhất để trao đổi với Chủ tịch Công ty Dầu khí ngoài khơi của Trung Quốc (CNOOC). Một số lô dầu khí của Exxon có vị trí nằm ở các vùng nước tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trong khi một số công ty dầu khí khác vì sợ Trung Quốc đã từ chối các trữ lượng dầu tiềm năng, Exxon trở thành đối tác quan trọng của Việt Nam vào thời điểm này.

Exxon đã từ chối không bình luận về việc liệu ông Tillerson áp đặt quan điểm cá nhân đối với các yêu sách biển thái quá của Trung Quốc ở Biển Đông hay không, tuy nhiên, trước đó công ty này đã khẳng định rằng, tranh chấp chủ quyền ở khu vực này nên được giải quyết bởi phía Chính phủ. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc gần đây đã khẳng định rằng sẽ hợp tác một cách thiện chí với bất cứ ai được Tổng thống Trump chỉ định làm Ngoại trưởng Mỹ. Trong khi đó, ông Victor Gao, người từng là quan chức ngoại giao Trung Quốc và đứng đầu CNOOC, lại chỉ trích việc đầu tư của Exxon ở Việt Nam đã “làm phát sinh căng thẳng” với Trung Quốc và ngang nhiên nói rằng “ông Tillerson nên bắt đầu mọi thứ lại từ đầu”, đồng thời nhấn mạnh “Rex Tillerson nắm rất rõ những vấn đề nhạy cảm ở Biển Đông”.

RELATED ARTICLES

Tin mới