Friday, April 19, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiNơi giam giữ những người trong gia tộc của Kim Jong Un

Nơi giam giữ những người trong gia tộc của Kim Jong Un

Từ những vị quan chức cốt cán trong bộ máy chính quyền đến cả người thân trong nội tộc lãnh đạo họ Kim, những người thất sủng đều trở thành tù nhân của “khu nghỉ mát” Hyanghari.

Cố lãnh tụ Kim Jong Il (ngoài cùng bên trái) và Kim Yong Ju (thứ tư từ trái sang). Ảnh: AFP

“Khu nghỉ mát” có lính canh

Mặc dù không có hàng rào thép gai và tháp canh giữ bao quanh, nhưng tổ hợp các ngôi nhà nhỏ trong một thung lũng gần thị trấn Hyanghari hẻo lánh ở Triều Tiên thực chất vẫn là một nhà tù. 

Đặc biệt hơn cả, nơi này giam giữ các thành viên cốt cán của chính quyền Triều Tiên, những người rơi vào cảnh “thất sủng” với gia đình lãnh tụ Kim – và cả những thành viên trong gia tộc Kim bị coi là mối đe dọa đối với các thế hệ lãnh đạo.

Những người đã đào tẩu khỏi Triều Tiên cho biết, có rất nhiều lính canh được phân bổ tới đây để trị an, giữ cho các “tù nhân” yên ổn.

Có nhiều lý do mà những người tù đặc biệt này không chạy trốn qua biên giới Trung Quốc, chỉ cách đó hơn 30km về phía Bắc. Người nhà của họ chắc chắn sẽ hứng chịu sự trả thù của chính quyền. 

Nhưng có thể động cơ lớn nhất khiến họ chịu ngồi im và nuôi hy vọng, đó là điều kiện giam giữ không tồi. 

“Họ không bị bắt ra đồng hay xuống hầm mỏ làm việc, cũng không phải tự sản xuất lấy đồ ăn vì luôn có người đem thức ăn đến hàng ngày”, cựu thành viên lực lượng đặc nhiệm Triều Tiên Lim Cheon Yong, người đã đào tẩu năm 2000, cho biết. 

“Chính vì thế mà nơi này được gọi là “khu nghỉ mát”,” Lim nói. 

Những người đào thoát khác mà vẫn giữ liên lạc với người thân ở Triều Tiên cũng khẳng định điều tương tự. Trong số đó có Kang Myung Do,  từng là con rể của Thủ tướng Triều Tiên Kang Song San, sau đó trốn sang Hàn Quốc vào năm 1994. 

Các tù nhân VIP

Nhưng Lim kể, ông biết đến một trại giam giữ các thành viên cốt cán của chính quyền khi ông tham gia quân ngũ với con trai của một tù nhân. 

“Tôi từng đi uống nhiều lần với Kim Sung Il (anh em họ với cố lãnh đạo Kim Jong Il) khi chúng tôi còn tại ngũ, và trở thành bạn thân trong suốt bảy năm làm việc bên nhau,” ông Lim trả lời This Week in Asia.

“Ông ấy thân thiện, thích uống rượu, và mê theo đuổi phụ nữ. Thỉnh thoảng ông ấy còn biến mất trong khoảng một tuần – chưa từng có ai làm thế trong đơn vị – rồi quay lại với hàng chai rượu đắt tiền. Tôi được nếm hương vị whisky ngon lần đầu trong đời với Kim.”

Sau một lần “du hành” và uống quá chén, theo lời ông Lim, một đồng đội kể lại rằng Kim Sung Il đã bị Kim Jong Il triệu tập về Bình Nhưỡng, do lãnh tụ muốn thử lòng trung thành của người em họ.

Lý do để ông Kim Jong Il làm vậy là vì lãnh tụ Triều Tiên đã dàn xếp vụ tống giam cha của Kim Sung Il là Kim Yong Ju vào trại Hyanghari năm 1975, sau khi ông Kim Yong Ju thất bại trong cuộc tranh giành quyền lực tối cao sau cái chết của lãnh tụ Kim Il Sung.

Ông Kim Yong Ju chính là em trai của Kim Il Sung, và vào đầu những năm 1970 được coi là người kế tục anh trai mình sau khi ông leo đến chức thủ tướng. Mọi chuyện thay đổi khi Kim Il Sung quyết định đưa con trai mình lên nắm quyền; Kim Yong Ju bị tống giam. 

“Kim Yong Ju là một người cao ráo, nói chuyện rất có duyên,” ông Lim nhớ lại. “Ông Kim Jong Il thì lùn và mập. Nhưng quan trọng là Kim Jong Il đã được cha mình hậu thuẫn, điều đó có nghĩa sẽ chỉ có một kẻ thắng cuộc cuối cùng mà thôi.”

Ông Lim nói, đến cả mẹ của Kim Sung Il cũng bị bắt giam, và chị em gái của ông thì bị buộc phải lấy một học giả và chuyển đến nơi hẻo lánh để sinh sống. 

Kim Il Sung đã phần nào khôi phục tước vị cho anh mình vào 1993 – một năm trước khi ông qua đời, và giao cho Kim Yong Ju chức vụ mang tính tượng trưng. Giờ đã 95 tuổi, ông Kim Yong Ju lui về ở ẩn, lần xuất hiện gần nhất là vào tháng 7/2015 khi ông đi bỏ phiếu. 

Một tù nhân khác ở trại Hyanghari được cho là Kim Song Ae, vợ lẽ của Kim Il Sung và mẹ của Kim Pyong Il, người anh cùng cha khác mẹ với Kim Jong Il. Kim Pyong Il ra sức đấu tranh cho vị trí lãnh tụ tối cao sau khi Kim Il Sung từ trần, đặc biệt có sự hậu thuẫn của mẹ mình. 

Ít người biết đến số phận Kim Song Ae kể từ giữa những năm 90, mặc dù có tin đồn rằng bà đã tử nạn trong tai nạn ô tô ở Bắc Kinh vào 2001. Con trai bà, Kim Pyong Il, bị đẩy đi làm đại sứ Triều Tiên ở Nam Tư, Hungary, Bulgaria, Phần Lan và Ba Lan. 

Người cô quyền lực một thời của đương kim lãnh tụ Kim Jong Un có thể cũng đã bị giam giữ sau khi chồng bà, ông Jang Song Taek, bị cách chức vào tháng 12/2013 và xử tử vì tội phản quốc. 

Greg Scarlatiou, giám đốc điều hành Ủy ban Nhân quyền Triều Tiên, cho biết: “Những vụ thanh trừng hàng ngũ đã diễn ra từ những năm 1950.”

“Dưới thời Kim Jong Un, việc thanh trừng lên đến mức độ có thể còn cao hơn cả khi Kim Il Sung còn tại vị. Đó là lần đầu tiên một thành viên thân cận bậc nhất của gia đình Kim, là ông chú Jang Song Taek, bị xử tử. Trước đó, thành viên nội tộc sẽ chỉ bị trục xuất, hoặc những trường hợp nghiêm trọng sẽ bị đưa tới các ‘trại giam giữ VIP’, được nhân chứng gọi là ‘khu nghỉ mát’.”

Những tù nhân khác dưới thời Kim Jong Il là các quan chức chính trị và quân sự khiến ông phật ý. Trong khi đó, con trai ông là Kim Jong Un lại tỏ ra hết sức chú tâm vào việc xử tử thay vì tống giam những kẻ nào trái ý.

“Vào thời kỳ cao điểm nhất, tôi dám nói ở trại giam đó có không quá 1.000 người, gồm cả gia đình các phạm nhân. Chính quyền tỏ ra hài lòng khi để họ sống đến hết đời ở đó, trong khi các tù nhân chấp nhận một cuộc sống tương đối dễ chịu.”

“Vì thế nên người ta gọi đấy là khu nghỉ mát.”

RELATED ARTICLES

Tin mới