Thursday, March 28, 2024
Trang chủBiển nóngBản tin Biển Đông ngày 21/12

Bản tin Biển Đông ngày 21/12

Bản tin Biển Đông ngày 21/12/2016.

Ông Ernesto Abella, Người Phát ngôn của Tổng thống Philippines.

1) Ernesto Abella: “Khai thác chung ở Biển Đông không phải là chính sách của Chính phủ”

Ngày 21/12, trang The Philippine Star đưa tin:

Ngày 20/12, ông Ernesto Abella, Người Phát ngôn của Tổng thống Philippines đã tái khẳng định rằng cho đến thời điểm này Philippines vẫn chưa có bất cứ chính sách nào nhằm thực hiện khai thác dầu khí chung với Bắc Kinh ở Biển Đông. Tuy nhiên, ông cho biết “không có bất cứ thoả thuận liên chính phủ nào, nhưng có thể vẫn có những thoả thuận giữa các doanh nghiệp với nhau”. Đồng thời, ông Abella đã nhắc lại tuyên bố của Điện Malacang rằng Chính phủ Philippines sẽ tiếp tục thừa kế Phán quyết của Toà Trọng tài vụ kiện Biển Đông “bởi đó là tài sản của Philippines”.

2) Trung Quốc cáo buộc chỉ trích của Mỹ về vụ trả lại thiết bị lặn là “vô lý”

Ngày 21/12, tờ Trung Hoa Nhật báo đưa tin:

Mới đây, phía Trung Quốc đã cáo buộc rằng Lầu Năm góc đã chỉ trích “một cách vô lý” sau khi Trung Quốc trả lại thiết bị lặn của Hải quân Mỹ. Cụ thể, tại buổi họp báo, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh lớn tiếng bác bỏ những thông tin đưa ra từ phía Bộ Quốc phòng Mỹ, cho rằng “với những gì Bộ Quốc phòng Mỹ công bố, tôi cần phải xác minh lại với quân đội Trung Quốc, nhưng tôi vẫn nghĩ rằng những điều họ nói rất vô lý”. Bài báo còn trích dẫn lời ông Peng Guangqian, một chiến lược gia quân sự và là một Thiếu tướng của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, lên án một cách vô căn cứ, rằng “Mỹ đã lợi dụng vùng xám của luật quốc tế trong nhiều năm để thu thập một cách bất hợp pháp các thông tin trên biển trong phạm vi các vùng biển “của Trung Quốc”. Thậm chí, ông này còn đưa ra đề xuất mang tính hiếu chiến kêu gọi Trung Quốc cần triển khai một chiến lược nhằm đối phó với các hoạt động do thám của Mỹ ở Biển Đông mà ông cho là sẽ được đẩy mạnh trong nhiệm kỳ của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump.

3) Vẫn còn nhiều điều để nói về tranh chấp Biển Đông

Ngày 21/12, tờ The Manila Times dẫn bài báo của STRATFOR cho biết:

Mặc dù Mỹ và Trung Quốc về mặt ngoại giao đã giải quyết xong vụ bê bối liên quan đến việc Trung Quốc thu giữ thiết bị lặn không người lái (UUV) của Mỹ ngày 15/12, hai bên vẫn chưa thể xử lý ổn thoả những bất đồng lâu năm đang ngày càng lớn.

Sự kiện vừa qua cho thấy những khác biệt giữa Washington và Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông liên quan đến cách giải thích luật lệ và thực tiễn của họ. Trung Quốc luôn cáo buộc Mỹ vi phạm chủ quyền của Trung Quốc với các thiết bị do thám trên biển (thể hiện qua hành vi chỉ trích nhằm thẳng vào tàu Bowditch của Hải quân Mỹ), dù hầu hết các vụ va chạm giữa hai bên đều diễn ra trong phạm vi 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Trung Quốc hoặc ở gần các “đảo” nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông. Trong khi đó, Mỹ, dựa vào luật biển quốc tế về hoạt động do thám trong EEZ, luôn khẳng định quyền được thực hiện các hoạt động của mình. Tuy nhiên, vào mỗi thời điểm căng thẳng bị đẩy lên cao, Mỹ luôn là bên thường xuyên có những động thái tạm thời để “giảm nhẹ” mức độ hoạt động của mình, điều chỉnh các biện pháp và ít nhất là hạn chế những phát ngôn công khai về các hành động trên thực địa.

Những mâu thuẫn cơ bản giữa việc giải thích luật và thực tiễn chung khó có thể được sớm hài hoà bởi mỗi bên đều có những nguyên nhân mang tính chiến lược để đưa ra cách giải thích riêng của mình. Tuy nhiên, trong vụ việc lần này, Trung Quốc vì không thể viện cớ chủ quyền để nguỵ biện đã chuyển sang biện minh bằng lý do “an ninh biển”. Mặc dù vậy, truyền thông Trung Quốc vẫn tìm cách nhắc lại những cáo buộc đối với các hành động trước đây của Mỹ, cho thấy các nguỵ biện của Chính phủ Trung Quốc chỉ là một phần nhỏ trong thông điệp nước này muốn đưa ra. Rõ ràng, Bắc Kinh vẫn xem Biển Đông là khu vực mang tầm chiến lược quan trọng về mặt lãnh thổ đối với nước này, hơn nữa, vụ việc còn phản ánh sự khó chịu ra mặt của Trung Quốc đối với tần suất và phạm vi của các thiết bị và hoạt động chống ngầm của Mỹ. Nhiều báo cáo đã tiết lộ rằng các tàu ngầm tên lửa hạt nhân của Trung Quốc có thể sắp bắt đầu tuần tra trên Biển Đông trong năm nay, do đó, bất cứ hoạt động nào của Mỹ nhằm định vị hay điều khiển tàu ngầm đều mặc nhiên trở thành “mối đe doạ chiến lược tiềm tàng” đối với một chiến lược hạt nhân lớn hơn của Trung Quốc, trong bối cảnh nước này đang vươn đến vị trí siêu cường toàn cầu.

4) Khủng hoảng ASEAN, Phần I: Vì sao tranh chấp Biển Đông lại là một phép thử quan trọng?

Ngày 21/12, tạp chí The Diplomat đăng bài viết “Khủng hoảng ASEAN, Phần I: Vì sao tranh chấp Biển Đông lại là một phép thử quan trọng?” của tác giả Linh Tong, Biên tập viên chuyên mục Đông Á thuộc tờ Eurasia Diary và là Trợ lý Nghiên cứu tại Đại học ADA:

Trong bài viết, Linh Tong đã phân tích nhằm làm rõ ba câu hỏi tập trung vào tác động của tranh chấp Biển Đông đến khủng hoảng ASEAN: “Tại sao tranh chấp Biển Đông có thể đe doạ đến sự thống nhất trong ASEAN?”, “Nguyên nhân cốt lõi làm phát sinh khủng hoảng là gì?” và “ASEAN có thể làm gì để vượt qua khủng hoảng này?”:

Tác giả bài báo khẳng định, tranh chấp Biển Đông đã thách thức khả năng của ASEAN trong việc quản lý các vấn đề bất ổn của khu vực bắt nguồn từ một cuộc chạy đua vũ trang, thách thức trách nhiệm bảo vệ lợi ích kinh tế, đời sống của người dân và uy tín của một tổ chức quốc tế có ảnh hưởng. Trong đó, nguy cơ lớn nhất đối với các nước ASEAN, đó là các hành động quân sự hoá ở Biển Đông, phần lớn là do Trung Quốc ráo riết triển khai một cách đơn phương, thậm chí còn đe doạ thiết lập vùng Nhận diện phòng không trên Biển Đông, bất chấp sự phản đối của các quốc gia khác. Hành động quân sự hoá Biển Đông cho thấy một tình huống “tiến thoái lưỡng nan không thể tránh” giữa các nước ASEAN, nhưng nếu các hoạt động quân sự vẫn tiếp tục được tăng cường ở khu vực, người dân ở các nước ASEAN chắc chắn sẽ phải đối mặt với thêm nhiều bất ổn hơn nữa. Tác giả nhận định, là một tổ chức khu vực, ASEAN cần phải ngăn chặn những nguy cơ này, và việc đàm phán được một Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông nằm quản lý quan hệ với Trung Quốc cũng như các nước thành viên là một điều cần thiết.

Bài báo cho biết, ASEAN đang ở giai đoạn tái định hình lại vai trò của mình ở khu vực và tranh chấp Biển Đông chính là phép thử quan trọng đòi hỏi ASEAN tự điều chỉnh lại để đối phó với một Trung Quốc ngày càng hung hăng hơn, trong bối cảnh ASEAN là một nhân tố then chốt trong cấu trúc khu vực Đông Á sau Chiến tranh. Nhưng đồng thời, ASEAN cũng phải đối mặt với nguy cơ đánh mất “động cơ tồn tại” (raison d’tre) của mình, bởi tranh chấp Biển Đông đã chứng kiến các căng thẳng ngày càng lớn giữa Trung Quốc và các nước láng giềng. Tuy nhiên, ASEAN không may đã không thể tạo nên một khối thống nhất để đối phó với một Trung Quốc có tham vọng bá quyền. Tác giả đề xuất, ASEAN vẫn cần phải tự thích nghi với môi trường chính trị mới, đối phó với các thách thức trong vấn đề Biển Đông để khẳng định vai trò là một tổ chức khu vực trong bối cảnh Trung Quốc đã bắt đầu thay đổi lập trường và tham vọng của họ ở khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới