Thursday, April 25, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiBuýt nhanh chưa nhanh được mấy lại gây tắc đường

Buýt nhanh chưa nhanh được mấy lại gây tắc đường

Việc đưa xe buýt nhanh vào hoạt động trong điều kiện hiện nay có thể dẫn đến tình trạng tắc đường cục bộ, hiệu quả không cao.

Việc đưa xe buýt nhanh vào hoạt động trong điều kiện hiện nay
có thể khiến tình trạng tắc đường cục bộ, hiệu quả không cao.

Dự án khó hiệu quả

Chiều 19/12, Sở GTVT Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (WB) đã thống nhất về phương thức hoạt động dự án xe buýt nhanh (BRT). Theo đó, dự án sẽ hoàn thiện và đi vào hoạt động vào ngày 1/1/2017. Tháng đầu tiên, nhà xe sẽ phục vụ miễn phí.

Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Hoàng Hải (Giám đốc Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị, Sở GTVT Hà Nội) cho biết, BRT được ưu tiên hơn buýt thường như giảm xung đột tại những nút giao thông, có làn chạy ưu tiên gần như toàn tuyến nên sẽ đảm bảo được tốc độ tính toán gần 20 km/h, thời gian vận hành chuyến Yên Nghĩa – Kim Mã là 45 phút/chuyến.

Đặc biệt, thời gian vận hành buýt nhanh sẽ nhanh hơn đáng kể, hơn 5-10 phút so với buýt thường.

Trao đổi với chúng tôi trước thông tin trên, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, Nguyên Hiệu trưởng Đại học xây dựng Hà Nội bày tỏ nhiều vấn đề băn khoăn.

Theo PGS.TS Hùng, so sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới, việc xe buýt nhanh của Hà Nội chỉ chạy nhanh hơn xe buýt thường từ 5-10 phút là khoảng thời gian không nhiều. Tuy nhiên trong điều kiện giao thông thủ đô hiện tại, để duy trì được khoảng cách như vậy cũng không dễ dàng.

“Vấn đề đường xá của Hà Nội cũng như giao thông rất phức tạp. Chúng ta có nhiều loại phương tiện khác nhau từ ô tô, xe tải, xe điện, xe taxi, xe máy…

Ngoài vấn đề cơ sở hạ tầng yếu kém thì ý thức của người tham gia giao thông cũng bị hạn chế. Do đó thời gian chạy nhanh hơn từ 5-10 phút chỉ là trên lý thuyết. Trên đường có các xe chen lấn hay xảy ra tắc đường thì sao đạt được tốc độ đó? Hơn nữa thời gian lên xuống các điểm đỗ cũng phải tính toán rất kỹ.

Nếu chúng ta không giảm bớt được xe máy, các phương tiện khác xuống thì xe buýt nhanh chẳng giải quyết được vấn đề gì. Khi đó buýt nhanh hơn xe buýt thường chẳng được bao nhiêu cả”, PGS.TS Hùng nhấn mạnh.

Vị chuyên gia chia sẻ, vào thời điểm năm 2006, trong cuộc gặp gỡ với đại diện ngân hàng thế giới tại Việt Nam và Sở GTVT Hà Nội, ông đã góp ý không nên làm dự án xe buýt nhanh tại thủ độ vì rất khó thành công.

“Khi đó không ai nghe vấn đề này cả và dự án vẫn được triển khai. Tôi cho rằng mong muốn là tốt đẹp nhưng khả năng và hiệu quả thực tế chưa nhiều. Hơn nữa làm đường bê tông riêng cho xe buýt nhanh cũng tạo ra sự gồ ghề, gờ của nó có thể gây tai nạn. Đường bê tông sóc và đi ầm hơn.

Tôi nghĩ với Hà Nội thì không phù hợp khi đầu tư một khoản tiền lớn như vậy. Thực tế diện tích đường và đoạn giao cắt vẫn vậy nhưng đưa chiếc xe buýt nhanh vào dài hơn vào hoạt động là cả một vấn đề”, ông Hùng lo ngại.

Sẽ tắc đường cục bộ

Cùng đưa ra ý kiến về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Quang Toản, Nguyên chủ nhiệm khoa Cầu đường, ĐH GTVT cho rằng, để xe buýt nhanh đi vào hoạt động được hiệu quả thì cần phải nhiều điều kiện hỗ trợ kèm theo.

Trước hết, xe buýt nhanh là phương tiện đòi hỏi có đường riêng và khi chạy qua ngã ba, ngã tư phải được ưu tiên. Tất cả các phương tiện khác phải dừng chờ còn xe buýt nhanh được đi. Nó có thể khai thác với tần suất tương đối dày 3-5 phút/chuyến. Thời gian đi của nó hoàn toàn phụ thuộc vào số lượng ga mà nó phải dừng. Tốc độ có thể đạt được trên đường, thành phố cũng chỉ duy trì tốc độ 40km/h chứ không nhanh được.

“Sở dĩ buýt nhanh và buýt thường của Hà Nội chỉ cách nhau ít thế thôi là bởi quãng đường của chúng ta cũng không quá dài, thời gian đi 2 xe khá ngắn.

Tôi nghĩ vấn đề quan trọng của Hà Nội là có đảm bảo được xe buýt nhanh hoạt động không bị ùn tắc giao thông hay không? Lộ trình từ Yên Nghĩa về đến Kim Mã nếu đảm bảo được khoảng 30 phút thời gian đi thì tôi cho rằng đó là thời gian lý tưởng”, ông Toản nhấn mạnh.

So sánh với điều kiện cơ sở hạ tầng giao thông hiện tại của Hà Nội, vị chuyên gia cho rằng trước mắt phương tiện xe buýt nhanh sẽ không phát huy được nhiều hiệu quả, có thể khiến tình trạng tắc đường tại một số khu vực trở nên trầm trọng hơn.

“Xe buýt nhanh có khả năng chuyên chở lớn hơn rất nhiều. Việc Hà Nội phát triển các phương tiện này tôi nghĩ là con đường duy nhất để chống ùn tắc giao thông.

Tuy nhiên trong điều kiện đường xá của thủ đô hiện tại thì chắc chắn tạm thời sẽ gây ra phiền toái. Thậm chí nó còn kích thích tắc đường nhanh hơn vì chúng ta phải chặn hết các phương tiện khác.

Tuy nhiên, về lâu dài tôi nghĩ Hà Nội nên thí điểm trong điều kiện còn thí điểm được. Chứ khoảng 5 năm nữa thì chắc khó có thể làm được điều này”, PGS.TS Toản nêu quan điểm.

Phải làm từng bước một

Nguyên chủ nhiệm khoa Cầu đường, ĐH GTVT khẳng định, dù nhiều người còn nghi ngờ về khả năng của xe buýt nhanh nhưng theo ông để giảm tắc đường, ùn tắc giao thông đây là giải pháp quan trọng nhất.

“Đương nhiên khi triển khai bây giờ sẽ có những khó khăn nhất định. Tuy nhiên nếu vì những lý do đó mà không phát triển phương tiện này thì chắc chắn 5-10 năm nữa Hà Nội cũng sẽ vẫn tắc như thế. Có thể hiện tại xe buýt nhanh đóng góp vào giảm tắc đường không đáng kể, chỉ 1-2% nhưng nếu nhiều phương tiện cùng hoạt động sẽ bớt tắc đường của Hà Nội.

Mỗi một giải pháp đóng góp một tí sẽ tạo nên hiệu quả. Người Nhật đã nói rằng muốn chống tắc đường thì phải xây xe buýt nhanh. Hà Nội đang tắc đường thì lại càng phải làm như vậy. Chứ không có lý người ta làm được mà chúng ta không làm được. Những giải pháp đó rất đúng của các nước tiên tiến và nước nào cũng cần phải làm”, ông Toản khẳng định.

Vị chuyên gia nhận định, thời điểm hiện nay Hà Nội xây xe buýt nhanh là đúng khi  xe buýt thường chưa đến mức quá tải, không thể chạy được trên các tuyến đường giao thông.

“Hiệu quả của dự án BRT phụ thuộc rất nhiều vào người dân. Nếu mọi người ủng hộ thì thành công còn phản đối thì hiệu quả thấp.

Ngoài ra cũng cần phải nhắc đến quyết tâm đồng thuận của nhà quản lý. Nếu không cố gắng duy trì mà lại để xảy ra chuyện tắc đường hay va chạm giao thông với các phương tiện khác thì rất có thể hiệu quả của dự án sẽ bằng không”, ông Toản nhấn mạnh.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng lưu ý, trước những quan điểm trái chiều hiện nay từ dư luận, Hà Nội phải hết sức khách quan, cẩn trọng khi đưa xe buýt nhanh vào chạy thử nghiệm và đánh giá tổng kết.

“Qua thực tế hoạt động của xe buýt nhanh, cái nào phù hợp, cái nào không sẽ bộc lộ rõ nhất. Khi đó nếu không hiệu quả thì Hà Nội cần phải thay đổi, thậm chí dừng dự án để lùi đến một thời điểm phù hợp hơn”, PGS.TS Hùng khẳng định.

RELATED ARTICLES

Tin mới