Tuesday, September 17, 2024
Trang chủĐiểm tinQuan hệ Trung - Mỹ ra sao khi Tập thâm trầm, Trump...

Quan hệ Trung – Mỹ ra sao khi Tập thâm trầm, Trump ngẫu hứng?

“Trong mối quan hệ Trung Quốc – Mỹ, tôi không thể nghĩ ra ai có sự đối lập hơn hai nhân vật này”, một chuyên gia nhận xét về hai ông Trump, Tập.

Ảnh minh họa.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có một điểm chung là đều tuyên bố sẽ tiến hành những bước đi nhằm khôi phục lại vinh quang của quốc gia trong nhiệm kỳ của mình.

Chính vì thế, hai chính trị gia – một Donald Trump ồn ào, ngẫu hứng và một Tập Cận Bình thâm trầm, thận trọng đã tạo nên sự đối lập sâu sắc. Điều này cũng đưa mối quan hệ của hai quốc gia này vào một cục diện mới – một cục diện khó lường trước.

“Trong mối quan hệ Trung – Mỹ, tôi không thể nghĩ ra ai có sự đối lập hơn hai nhân vật này”, Evan Medeiros – chuyên gia về Trung Quốc thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ nói.

“Trong quan hệ quốc tế, đặc biệt giữa các nước lớn, cá tính của các các nhân là rất quan trọng”, Medeiros nhấn mạnh thêm.

Sự kiện Trung Quốc thu giữ thiết bị lặn không người lái (UUV) của Mỹ khiến giới quan sát đặt câu hỏi: Nếu cục diện của các vấn đề như vấn đề biển Đông, thương mại giao dịch, hạt nhân Triều Tiên leo thang căng thẳng thì phong cách khác nhau giữa hai ông Trump – Tập sẽ đóng vai trò như thế nào?

Donald Trump – ngẫu hứng

Tờ The New York Times (Mỹ) nhận định, ông Trump gần đây thường đưa ra những cảnh cáo cứng rắn cho Bắc Kinh nhưng điều này dường như xuất phát từ phản ứng bản năng và mơ hồ của Tổng thống đắc cử Mỹ.

Ngày 17/12, sau khi phía quân đội Trung Quốc có thông báo sẽ “trao trả UUV cho Mỹ bằng cách thức phù hợp” và Lầu Năm Góc cũng đã công bố thông tin liên quan đến sự việc thì Trump vẫn lên tiếng chỉ trích trên Twitter.

Ông cho rằng, điều này vẫn chưa thỏa mãn và gọi hành động của Trung Quốc là “ăn cắp”.

“Để đảm bảo an ninh quốc gia, biện pháp tốt nhất của đội ngũ cố vấn chính là cần sàng lọc các phát ngôn trên Twitter của Trump”, bà Jessica Chen Weiss – Giáo sư tại Đại học Cornell và là một chuyên gia về Trung Quốc bình luận.

Báo Mỹ thì cho rằng, ông Trump chưa từng nói rằng, sau khi lên nắm quyền ông sẽ xử lý những tranh chấp tương tự theo cách nào nhưng những cách thể hiện gần đây cho thấy, ông sẽ có hành động trực tiếp, khó lường hơn những người tiền nhiệm trong quan hệ với Trung Quốc.

Ví như đầu tháng 12, cuộc điện đàm giữa Trump và lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã phá vỡ chính sách đối ngoại Mỹ được đề ra từ năm 1979, khiến Bắc Kinh tức giận.

Đặc biệt, trong cuộc phỏng vấn với Fox News (Mỹ), ông còn đặt nghi vấn về chính sách “một Trung Quốc” cũng như chỉ trích Bắc Kinh về vấn đề biển Đông, Triều Tiên v.v…

“Trung Quốc không quen với việc Washington cũng giống Bắc Kinh – tuyên truyền và thúc đẩy lợi ích quốc gia”, Daniel Blumenthal – Chuyên gia vấn đề châu Á thuộc Viện nghiên cứu Doanh nghiệp Mỹ nói.

“Nếu họ [Trung Quốc] đã chuẩn bị cho điều này thì chúng ta có thể tránh được đối đầu và xung đột”, Blumenthal ủng hộ cách thức tiếp cận vấn đề với Bắc Kinh của Trump.

Tập Cận Bình – thâm trầm

Trái ngược với Trump, ông Tập lại có phản ứng “cứng rắn nhưng không lộ mặt”. Ông rất ít đưa ra những phát biểu ngẫu hứng, thậm chí một vài cử chỉ được xem là ngẫu hứng thì thực chất cũng đã được “đạo diễn” một cách cẩn thận.

Theo NYT, nhà lãnh đạo Trung Quốc đương nhiên sẽ thực hiện những động thái táo bạo nhưng ông thường “giấu” suy nghĩ trong những câu khẩu hiệu khiến người khác không thể nhận ra ông sẽ thực hiện khi nào và theo cách thức gì.

“Trong những phát biểu công khai, Tập Cận Bình thường tỏ ra thận trọng hơn Donald Trump nhưng chính phủ Trung Quốc sẽ có hành động phản đối mạnh mẽ đối với những sự việc thách thức nước này”, bà Jessica Chen Weiss bình luận.

Cho đến nay, Chủ tịch Trung Quốc vẫn chưa có phản ứng công khai đối với cảnh cáo của Tổng thống đắc cử Mỹ. Hai chính trị gia này chỉ có cuộc điện đàm ngắn sau khi ông Trump đắc cử.

Báo Mỹ nhận đánh giá, lãnh đạo Trung Quốc rất ít khi công khai tham gia vào những mâu thuẫn giữa các bên mà thường chỉ giao cho các cấp dưới xử lý.

Nhưng nếu Trump không ngừng chỉ trích Trung Quốc, đặc biệt sau khi ông bước vào Nhà Trắng, dư luận Trung Quốc có thể sẽ gây áp lực khiến Tập phải đưa ra phản ứng cứng rắn, công khai với Trump.

Chuyên gia nghiên cứu quân sự Nghê Nhạc Hùng cho rằng, việc Trung Quốc thu giữ UUV có phải là một tín hiệu của Bắc Kinh gửi đến Trump. Việc liệu đây có phải là hành động đã được sự đồng ý của ông Tập hay không thì còn có tranh cãi. Nhưng các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có thể xem đây là “một thử nghiệm và cảnh cáo” đối với đội ngũ của Trump.

“Trung Quốc không thể không có phản ứng trước chỉ trích của ông ấy… Trump dường như muốn lập ra một quy tắc ngoại giao khiến đối phương không ngừng suy đoán nhưng phương thức này cũng rất dễ gây rắc rối”, Nghê nhận định.

Sự kiện UUV khiến truyền thông Trung Quốc và các nhà bình luận chính trị nước này liên tục thể hiện thái độ. Báo đảng Trung Quốc – Nhân dân Nhật báo đã kêu gọi chính quyền Tập Cận Bình cần chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với mối quan hệ bất ổn định này.

NYT cho hay, dù những luận điệu cứng rắn của truyền thông và giới chuyên gia Trung Quốc không thể quyết định chính sách ngoại giao của Bắc Kinh nhưng nó có thể tác động đến tinh thần chủ nghĩa dân tộc của Tập Cận Bình.

Điều này được thể hiện bằng chiến lược “Giấc mộng Trung Hoa” mà ông này theo đuổi.

Hiện tại, Trung Quốc đang ở trong giai đoạn nhạy cảm chính trị – chuyển giao quyền lực trước thềm Đại hội XIX đảng cộng sản Trung Quốc (2017). Đại hội này sẽ quyết định khả năng tiếp tục nắm quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình.

“Nhà lãnh đạo phải biết cân bằng giữa hai mục tiêu, duy trì môi trường ngoại giao dễ đoán và ổn định trong khi không bị coi là yếu thế và sơ hở”, Tiến sĩ Bonnie S. Glaser từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (CSIS) tại Washington bình luận.

“Trung Quốc thà chọn mục tiêu thứ hai còn hơn mục tiêu thứ nhất, nếu lãnh đạo nước họ bắt buộc phải đưa ra lựa chọn”, bà Glaser cho biết thêm.

RELATED ARTICLES

Tin mới