Friday, April 19, 2024
Trang chủBiển nóngBản tin Biển Đông ngày 23/12

Bản tin Biển Đông ngày 23/12

Bản tin Biển Đông ngày 23/12/2016.

7394773229052781634 o

1) Trung Quốc bắt đầu các chuyến bay dân sự cho thuê trọn gói tới cấu trúc trên Biển Đông

Ngày 22/12, hãng Channel News Asia đưa tin:

Theo thông tin từ Tân Hoa xã, ngày 21/12, chuyến bay dân sự đầu tiên của Trung Quốc đã cất cánh từ Hải khẩu, một thành phố nằm ở phía Nam đảo Hải Nam, Trung Quốc tới đảo Phú Lâm, Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, và sẽ được triển khai đều đặn hàng ngày với giá vé một chiều là 1200 Nhân dân tệ.Tân Hoa xã cho biết, sân bay đặt tại “Thành phố Tam Sa”, vốn là một cơ sở quân sự – dân sự, vừa mới được cấp phép để triển khai các hoạt động mang tính dân sự vào ngày 16/12. Hãng thông tấn Nhà nước này thậm chí còn ngang nhiên khẳng định “sự kiện này này sẽ cải thiện đáng kể điều kiện sinh sống và làm việc của các quân nhân và nhân viên dân sự tại Thành phố Tam Sa”.

2) Những hòn đảo bị hủy diệt hàng loạt

Ngày 22/12, hãng Bloomberg đăng bài viết “Những hòn đảo bị huỷ diệt hàng loạt” của hai tác giả Dune Lawrence và Wenxin:

Dựa trên bằng chứng xác thực từ nghiên cứu của một trong những chuyên gia về hệ sinh thái Biển Đông hàng đầu của thế giới, bài báo đã chỉ trích mạnh mẽ hành động của Trung Quốc nhằm huỷ diệt hàng loạt các cấu trúc quan trọng ở Biển Đông thông qua việc biến đổi chúng thành các “đảo” nhân tạo, xây dựng các đường băng, các nhà chứa có đủ sức chứa các máy bay quân sự, hải đăng… liên tục trong vòng 3 năm qua.

Theo quan sát của John McManus, một giáo sư về sinh thái và sinh học đại dương, Đại học Miami, đã thực hiện một đoạn phim từ tháng 2/2016 thể hiện những hình ảnh hiếm hoi về “tình trạng khủng hoảng dưới nước”. Sau khi được trực tiếp quan sát, ông đặc biệt lo ngại về hiện trạng trên các đá san hô ở Biển Đông, nhấn mạnh ông “chưa bao giờ thấy một đá san hô nào mà bơi đến một ki-lô-mét vẫn không thấy một con cá nào”. Dựa trên các quan sát trực tiếp trên thực địa, ông cho biết: có khoảng 62 dặm vuông (khoảng 160 nghìn ki-lô-mét vuông) đá san hô trên khắp Biển Đông, rộng gấp hai lần thành phố Manhattan, trong đó, có 40 dặm vuông (khoảng 103 nghìn ki-lô-mét vuông) bị phá hủy do các ngư dân Trung Quốc khai thác trai, phần còn lại là do hoạt động nạo vét và bồi lấp dưới các cấu trúc. Chỉ riêng ở Trường Sa, ông cho biết có tới 27 dặm vuông (70 nghìn ki-lô-mét vuông) đá san hô chịu thiệt hại do khai thác trai, và tất cả những thiệt hại này là do hoạt động của phía Trung Quốc gây ra tính từ khi Philippines đưa vụ kiện Biển Đông ra Toà Trọng tài quốc tế. Kết quả nghiên cứu của ông McManus cũng đã được đưa vào và trở thành một trong những chứng cứ nổi bật trong nội dung Phán quyết của Toà Trọng tài liên quan đến việc chứng minh Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ bảo vệ và bảo tồn môi trường biển theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Giáo sư McManus cho rằng các bên cần tập trung vào việc ngừng lại các hành động huỷ hoại tiếp theo, bởi nếu không giảm thiểu các hoạt động đánh cá và bảo vệ san hô, khoảng 38 triệu người sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lương thực. Tuy nhiên, ông cho biết, nếu các nước liên quan tạm “đóng băng” các yêu sách chính trị của mình và cùng nhau bảo vệ các đá san hô ở Biển Đông, sẽ chỉ mất 20 năm để hồi phục nhiều quần thể đá san hô. Trong một nghiên cứu năm 1992, ông khẳng định, khu vực Trường Sa có thể được xem là một “bãi ngầm bảo tồn”, nơi các luồng cá và các loài động vật không xương có giá trị thương mại được bảo vệ khỏi những hành động khai thác quá mức. Theo đó, McManus đã đề xuất một giải pháp chính trị đối với căng thẳng ở Biển Đông, đó là biến Trường Sa thành một công viên biển, được vận hành bởi tất cả các quốc gia có yêu sách đối với các cấu trúc ở khu vực.

3) Khủng hoảng ASEAN, phần 3: ASEAN nên làm gì đối với tranh chấp Biển Đông?

Ngày 23/12, tạp chí The Diplomat đăng tiếp phần 3 của loạt bài viết về Khủng hoảng ASEAN: “ASEAN nên làm gì đối với tranh chấp Biển Đông?” của tác giả Linh Tong, Biên tập viên mục Đông Á, tạp chí Eurasia Diary, trợ lý nghiên cứu thuộc Đại học ADA:

Bài viết đã đưa ra ba đề xuất nhằm giải quyết khủng hoảng ASEAN và “hồi sinh” tổ chức khu vực này: tăng cường hợp tác và phát triển trong ASEAN nhằm thu hẹp khoảng cách về lợi ích giữa các bên; định nghĩa lại hai khái niệm “tham vấn” và “đồng thuận”; tăng cường vai trò của Hội đồng tối cao ASEAN.

Sự khác biệt về phát triển kinh tế và xã hội cũng như tình trạng mất lòng tin giữa các nước thành viên trong ASEAN là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến những định hướng đường lối đối ngoại khác nhau. Theo đó, tác giả cho rằng, để có thể đạt được đồng thuận trong vấn đề Biển Đông, ASEAN cần tạm thời tập trung vào việc phát triển kinh tế cho từng nước, đưa ra những hỗ trợ cần thiết cho các nước kém phát triển nhằm đảm bảo sự thành công của Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Cộng đồng Xã hội – Văn hóa ASEAN, và sau đó sẽ là Cộng đồng Kinh tế – An ninh ASEAN. Chỉ có như vậy, các nước mới có thể đạt được sự đồng thuận chung về vấn đề Biển Đông một cách dễ dàng. Đồng thời, những khó khăn trong quán trình ra quyết định do chưa có một Bộ quy tắc ứng xử nào quy định vấn đề này đã cản trở đáng kể quá trình đi đến thống nhất ý kiến giữa các quốc gia. Do đó, ASEAN cần hoàn thiện Bộ Quy tắc ứng xử này nhằm đẩy nhanh quá trình ra quyết định đối với các vấn đề khu vực, trong đó có vấn đề tranh chấp Biển Đông. Bằng cách này, Cộng đồng ASEAN sẽ có cơ hội thành công cao hơn khi giải quyết thách thức lớn nhất của các tổ chức quốc tế hiện nay – đó là giải quyết mâu thuẫn giữa hội nhập và bảo tồn chủ quyền, lợi ích quốc gia. Liên quan đến Hội đồng Tối cao ASEAN, đây dường như là cơ chế hoàn hảo nhất để giải quyết tranh chấp Biển Đông bởi theo Quy tắc Thủ tục, bởi phạm vi điều chỉnh của cơ chế này không chỉ bao trùm lên các nước thành viên ASEAN mà còn có cả các bên tranh chấp ngoài ASEAN. Hơn nữa, Hội đồng Tối cao cũng có thể tạo ra một kênh đa phương trong đàm phán với Trung Quốc. Tuy nhiên, cơ chế này chưa từng được sử dụng, dù căng thẳng Biển Đông đã lên rất cao. Do đó, ASEAN cần tăng cường cơ chế Hội đồng Tối cao đã được thiết lập nhằm giải quyết các tranh chấp theo Hiệp định Hợp tác và Thân thiện, tiếp tục sử dụng Hiệp định để cho phép Hội đồng Tối cao thực hiện chức năng của mình là quản lý hiệu quả mọi xung đột và tranh chấp ở khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới