Tuesday, September 17, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTQ nên lắng nghe láng giềng

TQ nên lắng nghe láng giềng

Muốn xây dựng được lòng tin, Trung Quốc cần thể hiện thái độ thượng tôn pháp luật bằng chính hành động của mình trong khu vực, ở Biển Đông.

79 30

Tiến sĩ Nguyễn Tông Trạch, ảnh: koerber-stiftung.de.

The Straits Times ngày 25/12 dẫn lời một nhà ngoại giao Trung Quốc bình luận, nước này chưa làm đủ để tăng cường quan hệ với các nước láng giềng nhỏ hơn. Bắc Kinh cần khiêm tốn hơn nữa, và các nước láng giềng có thể tìm kiếm lợi ích chung.

Tiến sĩ Nguyễn Tông Trạch, Phó Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế Trung Quốc, cố vấn Ngoại trưởng Trung Quốc và là một trong những quan chức hàng đầu đại sứ quán Trung Quốc ở Washington giai đoạn 2007-2011, trong cuộc trò chuyện với The Sunday Times hôm thứ Ba cho hay:

Trung Quốc có nhiều năm quan hệ với các nước lớn, và có rất nhiều yếu tố có thể dự đoán. Nhưng điều này không xảy ra với các nước láng giềng nhỏ hơn trong ASEAN. Ông nói:

“Các quốc gia láng giềng đang tìm kiếm sự điều chỉnh quan hệ với Trung Quốc ngày nay. Cả hai bên đều phải điều chỉnh.

Trung Quốc nên khiêm tốn hơn, tương tác với các nước láng giềng nhỏ hơn mình một cách bình đẳng và tham vấn lẫn nhau. Trung Quốc đã không thực hiện đầy đủ những điều này.”

Đối với các nước nhỏ, họ nên nhìn nhận Trung Quốc theo một cách năng động. Trung Quốc đã thay đổi cách thức tiến hành chính sách đối ngoại.

Bây giờ Trung Quốc muốn có một vai trò lớn hơn trong các vấn đề quốc tế, thông qua sáng kiến Một vành đai một con đường, Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á.

Tiến sĩ Nguyễn Tông Trạch cho rằng: “Đây không nhất thiết là điều gì xấu cho các nước láng giềng. Họ nên cố gắng tìm kiếm những lợi ích chung trong các sáng kiến mà Trung Quốc dẫn đầu”.

Ông lưu ý, một số nước láng giềng của Trung Quốc đang mong muốn có sự hiện diện của các nước lớn trong khu vực, ông Trạch “cảnh báo”: họ không nên cố gắng chơi “các trò chơi rất nguy hiểm – qua lại giữa các nước lớn”.

“Nếu bạn không có trí tuệ, khả năng và sự ủng hộ tài chính, bạn không thể kéo dài trò chơi”, ông Trạch nói. Tóm lại chính sách đối ngoại của Mỹ được quyết định ở Washington chứ không phải Tokyo hay Manila.

Tương tự như vậy, chính sách đối ngoại của Trung Quốc được quyết định ở Bắc Kinh, và nó không thể được quyết định bởi các nước khác.

Ông Trạch bác bỏ quan điểm cho rằng, đây là thời điểm để Trung Quốc dẫn đầu thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể không muốn tiếp tục vai trò này.

Theo ông, Trung Quốc không có khả năng làm chuyện ấy, mà chỉ đơn thuần muốn đóng một vai trò tích cực hơn.

Năm tới, các hoạt động kết nối với các nước láng giềng thông qua sáng kiến Một vành đai, một con đường sẽ là trọng tâm của chính sách đối ngoại, trong khi quan hệ Trung – Mỹ sẽ không được thuận buồm xuôi gió dưới thời Donald Trump.

Về những đe dọa của ông Trump hay một cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ, ông Trạch tin rằng: “Mỹ không thể đủ khả năng gánh chịu những thiệt hại, trong khi Trung Quốc không muốn làm như vậy”.

Người viết cho rằng, quan điểm Trung Quốc nên khiêm tốn hơn, ứng xử bình đẳng và tham vấn các nước láng giềng mà Tiến sĩ Nguyễn Tông Trạch nêu ra là điều rất đáng hoan nghênh.

Tuy nhiên, mọi thứ chỉ có thể cải thiện khi lời nói đi đôi với việc làm, và sẽ chỉ càng phản cảm khi nói một đằng, làm một nẻo. Do đó muốn xây dựng được lòng tin, Trung Quốc cần thể hiện thái độ thượng tôn pháp luật bằng chính hành động của mình trong khu vực, ở Biển Đông.

“Cảnh báo” của ông Trạch với các nước nhỏ rằng, không nên mong muốn có sự hiện diện của các nước lớn trong khu vực, mà ông gọi là “chơi trò qua lại giữa các nước lớn” phải chăng là một thái độ đe dọa, ép buộc các nước nhỏ phải chọn bên: Trung Quốc hay Hoa Kỳ?

Trong khi thế giới ngày càng hội nhập, việc giao lưu hợp tác toàn cầu ngày càng trở nên phổ biến, “cảnh báo” này của ông Trạch dường như lạc lõng và đi ngược lại xu thế toàn cầu hóa.

Nước lớn hay nước nhỏ cũng đều là thành viên dưới một mái nhà chung Liên Hợp Quốc, bình đẳng trước pháp luật. Chỉ có một số nước lớn hơn về kích thước, dân số hay thế lực luôn tìm cách cho mình đặc quyền hơn các nước khác nhỏ hơn họ.

Đó là nguyên nhân, là cội nguồn của chiến tranh, xung đột. Bởi vậy khi nằm trong sự cạnh tranh gay gắt giữa các siêu cường, các nước nhỏ chỉ có cách đoàn kết bảo vệ luật pháp và trật tự quốc tế mới duy trì được độc lập tự chủ, hòa bình và ổn định, thay vì trở thành chư hầu kiểu mới của thực dân kiểu mới.

Còn nói về sáng kiến Một vành đai, một con đường mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra từ năm 2013, nếu nó thực sự hấp dẫn và vô tư như Trung Quốc ca ngợi, tự nó sẽ đi vào thực tiễn mà không mất công quảng cáo quá nhiều.

Về mặt kinh tế, nếu sáng kiến này và định chế ngân hàng AIIB không đi kèm điều kiện các nước vay vốn đầu tư Trung Quốc bằng việc tham gia “sáng kiến” này phải chấp nhận 3 điều kiện: sử dụng công nghệ (lạc hậu) Trung Quốc, dùng nhà thầu Trung Quốc, dùng công nhân Trung Quốc, thì nó có sức hút vô cùng lớn.

Về mặt chính trị – an ninh, nếu Trung Quốc không bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa trái phép Biển Đông thì những sáng kiến hợp tác kinh tế này rất có sức hấp dẫn.

Tuy nhiên, thực tế ngược lại với những gì Tiến sĩ Trạch đang cố gắng tuyên truyền về Một vành đai, một con đường, vì những điều kiện đi kèm phía Trung Quốc đặt ra, và sự thiếu hụt lòng tin chiến lược vì những gì Trung Quốc đã làm ở Biển Đông.

Tiến sĩ Trạch nói hai bên cần phải thay đổi, nhưng Trung Quốc cần thay đổi như thế nào với những gì đã làm ở Biển Đông thì ông không nói. 

Còn nếu ông Trạch tin rằng Biển Đông là một sự đã rồi và Trung Quốc sẽ tiếp tục tạo ra sự đã rồi, những “sáng kiến” hợp tác kinh tế nhằm cân bằng lại, khỏa lấp những lỗ hổng lòng tin do hành vi quân sự hóa Biển Đông gây ra, thì ông đã lầm.

RELATED ARTICLES

Tin mới