Tuesday, April 23, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 29/12

Bản tin Biển Đông ngày 29/12

Bản tin Biển Đông ngày 29/12/2016.

Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay (Ảnh: Rappler)

1) Philippines khẳng định sẽ giải quyết vấn đề Biển Đông với tư cách Chủ tịch ASEAN

Ngày 28/12, tạp chí Nikkei đưa tin:

Ngày 28/12, trả lời phỏng vấn với tạp chí Nikkei Asian Review, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay khẳng định, Philippines sẽ duy trì vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông tại chương trình Nghị sự của ASEAN trong năm tới, nhưng nước này cũng sẽ tận dụng vai trò Chủ tịch để thúc đẩy sáng kiến liên quan đến quan hệ thương mại khu vực của Trung Quốc đưa ra. Ngoài ra, ông Yasay cho biết, những lo ngại rằng Tổng thống Rodrigo Duterte sẽ chọn hợp tác với Trung Quốc, thúc đẩy các cuộc đối thoại song phương khiến lập trường chung của ASEAN bị yếu đi là hoàn toàn “không có cơ sở”, nhấn mạnh Manila sẽ đảm bảo rằng những nội dung đã được nhất trí trong Thông cáo chung sẽ được thực hiện.

2) Điểm nóng tiếp theo ở Biển Đông: Các hệ thống điều khiển không người lái

Ngày 29/12, tạp chí The Diplomat đăng bài viết “Điểm nóng tiếp theo ở Biển Đông: các hệ thống điều khiển không người lái” của tác giả Elsa Kania, chuyên gia nghiên cứu tại nhóm Chiến lược Dài hạn:

Qua vụ việc chưa từng có tiền lệ khi Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) thu giữ thiết bị lặn không người lái (UUV) của Hải quân Mỹ, tác giả Elsa Kania khẳng định, việc Mỹ và đặc biệt là Trung Quốc tăng cường sử dụng các hệ thống không người lái ở các vùng biển tranh chấp có thể khiến Biển Đông trở thành một điểm nóng khó dập tắt, cũng như một góc độ đáng lưu ý trong toàn cảnh bức tranh tranh chấp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Từ khi căng thẳng bắt đầu leo thang ở Biển Đông, Mỹ chỉ tăng cường các hoạt động bay do thám thường xuyên với các thiết bị bay không người lái (UAV). Trong khi đó, Trung Quốc lại tập trung triển khai một cách ráo riết việc sử dụng các hệ thống bay không người lái nhằm “thiết lập sự hiện diện lâu dài” ở các vùng biển tranh chấp; cho áp dụng các thiết bị cho toàn bộ các lực lượng. Đã nhiều lần trước đó, Trung Quốc đã triển khai UAV ở Biển Hoa Đông và Biển Đông nhằm tăng cường các yêu sách, thậm chí còn làm dấy lên những căng thẳng. Đáng lo ngại, gần đây, Trung Quốc còn nâng cấp các loại UAV tiên tiến, bao gồm các thiết bị ngầm và được thiết kế để lan truyền thông tin.

Mặc dù việc triển khai hiện nay mới chỉ diễn ra một cách hạn chế, quân đội Mỹ và Trung Quốc đều đặt ưu tiên nâng cấp các UUV của mình. Tuy nhiên, tác giả lo ngại, hành động thu giữ UUV vừa qua có thể xuất phát từ động cơ “ăn cắp tài sản trí tuệ” bởi Bắc Kinh có thể lấy được từ thiết bị này “thiết kế của các hệ thống tàu lặn” của Washington. Đáng ngại hơn, đây cũng không phải là lần đầu tiên phía Trung Quốc chiếm giữ trái phép thiết bị của Mỹ.

Trong tương lai gần, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tận dụng một loạt các hệ thống không người lái ở mức độ sâu rộng hơn nhằm củng cố các yêu sách thái quá của mình ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, mặt khác ngăn cản việc Mỹ và các bên tranh chấp khác triển khai các thiết bị ở khu vực. Thậm chí, việc tuần tra bằng UAV như Trung Quốc đã làm tại Vùng Nhận diện Phòng không ở Biển Hoa Đông (ADIZ) cho thấy nhiều khả năng sẽ được lặp lại ở Biển Đông hơn là khả năng dùng máy bay quân sự để tuần tra. Việc Trung Quốc nâng cấp tiềm lực quân sự với các hệ thống không người lái tạo cơ hội cho nước này tiến hành các hoạt động “thái lát sa-la-mi” trong một giới hạn phản ứng nhất định. Cuối cùng, sự hiện diện của các UAV của Trung Quốc ở các vùng biển tranh chấp có thể sẽ trở nên “lâu dài”, nâng cao tiềm lực của quân đội trong cả thời chiến lẫn thời bình, cho phép Trung Quốc tạo nên “hiện trạng mới trên biển”, thúc đẩy các yêu sách và tăng cường quyền kiểm soát đối với các vùng biển. 

RELATED ARTICLES

Tin mới