Sunday, September 15, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiNông sản VN được đánh giá cao hơn nông sản TQ

Nông sản VN được đánh giá cao hơn nông sản TQ

Những sản phẩm cà rốt, bắp cải nếu trước đây nhập từ Trung Quốc thì hiện nay một số nước chọn Việt Nam để mua.

Nông sản Việt đang có nhiều lựa chọn

Đó là những thông tin được bà Trần Thị Kim Nhung, Tổng Giám đốc Công ty CP Dịch vụ Xuất nhập khẩu rau quả – nông sản Mê Kông cho biết.

Theo bà Nhung, nhiều đối tác nước ngoài đến Việt Nam tìm nguồn hàng trong lĩnh vực rau quả. Cụ thể, nhiều đối tác trước đây nhập chuối từ Philippines, nông sản từ Trung Quốc thì nay chọn Việt Nam để mua. Họ đưa ra tiêu chuẩn, DN dựa vào đó để đặt hàng nông dân sản xuất.

Trái cây Việt được tin dùng

Chính vì thế, theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thống kê từ Bộ NN-PTNT và Tổng cục Hải quan cho thấy kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam năm 2016 ước khoảng 2,423 tỉ USD, đạt 131,54% so với cùng kỳ năm 2015 (1,842 tỉ USD).

Sau khi trừ kim ngạch nhập khẩu, trong năm 2016, ngành rau quả đã xuất siêu 1,505 tỉ USD.

Về mặt thị trường, dù Trung Quốc vẫn chiếm thị phần chính với hơn 70% nhưng đáng chú ý là sự tăng trưởng ở những thị trường khó tính như: Mỹ (tăng 49%), Úc (39%), Hà Lan (38%), Hàn Quốc (26%), Đài Loan (14%).

Các loại quả tươi xuất sang các thị trường khó tính năm 2016 đạt hơn 10.500 tấn, tăng gần gấp 2 lần so với năm 2015.  

Nhieu doi tac tu bo nong san Trung Quoc, chon Viet Nam

Các chuyên gia từ Bộ Nông nghiệp Mỹ thưởng thức trái cây tươi tại Bến Tre. 

Ghi nhận giá xuất khẩu cho thấy đều tốt hơn so với tiêu thụ nội địa như: thanh long ruột đỏ xuất khẩu sang Hà Lan giá 5,85 USD/kg, thanh long tươi xuất khẩu sang Trung Quốc 0,55 USD/kg, quả quất xuất khẩu sang Na Uy 7,5 USD/kg, bắp chuối xuất khẩu sang Na Uy 6 USD/kg…

Trước nhu cầu từ thị trường, các doanh nghiệp (DN) đã có kế hoạch đầu tư vùng nguyên liệu và công nghệ sau thu hoạch. Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit có kế hoạch xây nhà máy chiếu xạ tại Long An để phục vụ cho thị trường Mỹ, Úc vì hiện nay, các DN sau khi mua nguyên liệu từ ĐBSCL phải chuyển đi chiếu xạ tại nhà máy ở TP HCM.

Công ty Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre) đang xây dựng một nhà máy sơ chế và kho lạnh có diện tích 3.600 m2 để phục vụ cho nhu cầu thị trường khó tính.

Vì sao được tin tưởng thay nông sản Trung Quốc?

Được biết, lý do các nước từ chối nông sản Trung Quốc, chọn VN, cũng xoay quanh mục tiêu giai đoạn từ 2017-2020 tập trung vào 5 mặt hàng thế mạnh, trong đó có 2 mặt hàng thuộc nhóm rau quả là xoài và thanh long.

Lý do các mặt hàng trên được chọn là đáp ứng được các yếu tố: sản xuất trên quy mô lớn với mức độ cơ giới hóa cao, có khối lượng và giá trị tiêu thụ lớn, chất lượng đồng đều, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Đây cũng là những mặt hàng tập trung nhiều DN mạnh, có uy tín và có mong muốn xây dựng thương hiệu để hình thành và phát triển thương hiệu quốc gia.

Bên cạnh đó, TS Vương Đình Khoát, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Mộc Phát thì nói rõ: “Công ty chúng tôi chuyên xuất khẩu trái cây đi thị trường khó tính, trong đó Mỹ là chính với 3 mặt hàng: thanh long, chôm chôm, nhãn.

Năm 2016, sản lượng xuất khẩu của công ty tăng 30% nhờ nỗ lực tự xây dựng vùng nguyên liệu, thuyết phục được nông dân tuân thủ quy trình sản xuất theo yêu cầu thị trường và kết quả của dây chuyền xử lý sau thu hoạch, tăng năng suất lao động”.

Đồng quan điểm, ông Ưng Thế Lãm, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Tư vấn xuất nhập khẩu và xúc tiến thương mại Toàn Cầu cho hay: “Sau khi đưa thành công quả thanh long vào siêu thị ở châu Âu, tôi nhận được nhiều đề nghị đưa rau gia vị (húng quế, ngò gai, ngò om, tần ô…) sang bán.

Châu Âu là xứ ôn đới, không trồng được các loại rau này (rau nhiệt đới) nên giá bán rất cao nhưng tôi chưa dám nhận đơn hàng vì không có nguồn hàng sạch như yêu cầu.

Quá trình làm việc với nông dân, tôi nhận thấy nếu ngay lập tức chuyển đổi sang trồng rau theo yêu cầu thị trường châu Âu thì họ sẽ không làm vì không có hiệu quả về mặt kinh tế.

Trong khi đó, ngay tại TP HCM, nhu cầu về rau gia vị sạch cũng rất lớn từ các quán phở, hủ tiếu, bò kho… Hiện rất nhiều quán phải mua rau dạng xá từ chợ và mất rất nhiều thời gian để nhặt, rửa nhưng cũng không biết rau có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật hay không.

Do đó, tôi sẽ tổ chức cho nông dân sản xuất để cung cấp cho nhóm khách hàng này trước để họ quen với quy trình bài bản, sau đó mới tính đến chuyện lấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP rồi từng bước tiến tới xuất khẩu bền vững”.

VN nên làm gì?

Trong một diễn biến liên quan, theo TS Nguyễn Quốc Vọng, Giám đốc Trung tâm Giống rau hoa SSC thuộc công ty CP Giống cây trồng Miền Nam thì khi hướng đến các mặt hàng nông sản phục vụ nhu cầu đô thị thì càng đòi hỏi sản phẩm phải đạt chất lượng cao và mang đến giá trị riêng biệt. Trong đó, chỉ năng suất thôi là chưa đủ.

Nếu không bảo quản kỹ thì sáng là rau nhưng chiều là rác.

Các chuyên gia cho rằng giải pháp nâng cao chất lượng nông sản Việt khả thi nhất là tập trung đầu tư vào chuỗi giá trị ngành hàng, như vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc đối với hàng nông sản của doanh nghiệp là yêu cầu bắt buộc để doanh nghiệp phải có trách nhiệm đầu tư vào vùng nguyên liệu.

Nếu không phát triển chuỗi thực phẩm an toàn thì uy tín, sức cạnh tranh sản phẩm không cao, ngay cả ở thị trường nội địa.

RELATED ARTICLES

Tin mới