Friday, March 29, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiLý do ông Trump vẫn giữ thái độ tốt với Nga

Lý do ông Trump vẫn giữ thái độ tốt với Nga

Cho đến giờ, không ít người trong chính giới Mỹ tức giận với chuyện Tổng thống đắc cử Donald Trump luôn tỏ thái độ không công kích Nga và Tổng thống Vladimir Putin.

Tổng thống đắc cử Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin – Ảnh: AFP

Nhật báo Washington Post đã nêu vấn đề đó trong bài xã luận có tựa đề “Trump từ chối đối mặt thực tế về Nga”.

Bài báo nêu các giả thiết về thái độ ít thù địch của nhà lãnh đạo tương lai của nước Mỹ: thiếu kinh nghiệm đối ngoại, sự ngưỡng mộ đối với những nhân vật chính trị tầm cỡ và sự “ngây thơ” trước những ý định của Nga.

Dù thừa nhận vẫn chưa rõ những “mưu đồ” của Tổng thống đắc cử nhưng bài báo cũng đặt ra những câu hỏi: “Ngài Trump cương quyết từ chối giải thích về những cách ứng xử của mình. Phải chăng đã có những thỏa thuận hoặc những giao dịch ngầm với các doanh nghiệp Nga hoặc nhà nước Nga trong quá trình vận động tranh cử? Phải chăng đã có những trao đổi bí mật với Ngài Putin hoặc những người đại diện của ông ấy? Chúng tôi sẽ rất vui mừng được giải tỏa những ngờ vực đó nhưng thái độ kỳ lạ của Ngài Trump trước mối đe dọa rõ ràng của Nga, song hành với thái độ hào hứng rõ ràng của Ngài Putin dành cho Tổng thống đắc cử quả khó lòng giải thích được”.

Dĩ nhiên cách đặt vấn đề của Washington Post vẫn bị đặt trong tầm ngắm hoài nghi vì ai cũng biết tờ báo này từng tỏ thái độ chống ứng viên Donald Trump trong kỳ bầu cử vừa qua và phải lên tiếng xin lỗi độc giả sau khi ông Trump thắng cử.

Nhưng có một điều rất hiển nhiên là Tổng thống đắc cử của Mỹ đã bày tỏ công khai sự chống đối đối với những quyết định của Tổng thống Barack Obama. Ông khen ngợi cách chơi cao tay của Tổng thống Putin trong việc không đáp trả với những biện pháp trừng phạt mới nhất về ngoại giao và kinh tế của Mỹ.

Như để trêu ngươi dàn lãnh đạo chính trị hiện tại của Mỹ, ông Trump khen mình và cũng để khen ông Putin của nước Nga trên Twitter: “Tôi luôn biết là ông ấy rất thông minh” và dòng trạng thái này được đại sứ quán Nga tại Washington tải lại.

Điều này chẳng khác nào thông điệp phía Nga không xem trọng những quyết sách của chính quyền Obama trong những ngày cuối cùng tại vị và chỉ chờ ông Trump lên ngôi để ngồi lại với nhau bàn việc.

Trong tình thế đó, người ta chỉ có thể đoán già đoán non về cách hành xử của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Sự suy đoán vì thế thường mang hàm ý xấu. Chẳng hạn cho rằng tỉ phú Donald Trump đã gầy dựng những mối quan hệ thân thiết trong làm ăn với các ông trùm kinh tế hoặc ngân hàng của Nga từ cuối những năm 1980. Dẫn chứng được nêu ra: vào năm 2008, Donald Trump Jr., con trai của Donald Trump từng khẳng định rằng “người Nga có nắm một phần cổ đông của chúng tôi. Trong vốn kinh doanh của chúng tôi có nhiều tiền đầu tư từ Nga”.

Khi ông Trump còn thuần túy là nhà kinh doanh thì điều đó bị xem nhẹ, thậm chí còn được xem là thuộc tài kinh doanh của đế chế Trump.

Một dẫn chứng khác được cho là “moi móc” từ quá khứ: tỉ phú Donald Trump từng nhiều lần sang thăm Matxcơva. Một trong những lần bị đặt nghi ngờ và vào tháng 11-2013 khi cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ lần thứ 62 được tổ chức tại Crocus City Hall ở Matxcơva.

Tin đồn giờ đây cho rằng tình báo Nga đã có thỏa thuận với ông Trump dịp đó. Suy diễn từ tin đồn: tình báo Nga FSB, hậu thân của KGB khét tiếng, đã nắm trong tay những hình ảnh “nhạy cảm”, băng ghi hình hoặc ghi âm để giờ đây dùng cho mục đích mặc cả.

Thượng nghị sĩ Bob Menendez của đảng Dân chủ, thành viên Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ, vì thế đã lên tiếng cảnh cáo: “Ngài Trump có thể nói bằng mọi lời lẽ nhã nhặn tùy ông ấy, nhưng điều đó cũng không ngăn được những nỗ lực của Vladimir Putin muốn hình thành trở lại một nước Đại Nga. Theo chiều hướng đó, ông Donald Trump sẽ phải đối diện với một Thượng viện rất cương quyết trong quan điểm của mình và trong trường hợp cần thiết có thể hành động độc lập đối với quyết định của bên hành pháp”.

Tuy nhiên cũng phải thấy rằng không chỉ truyền thông Mỹ chưa biết nhà lãnh đạo tương lai đang toan tính gì với Nga và cả giới chính trị gia cũng phải chọn thái độ “chờ và xem” sau ba tuần nữa.

Chính tờ Washington Post cũng phải ghi nhận rằng một số nghị sĩ của đảng Cộng hòa cũng đã phải “giữ mồm giữ miệng” trong việc công kích ông Donald Trump. Tờ báo viết: “Ở Quốc hội, nhiều nghị sĩ Cộng hòa trước đây từng yêu cầu thực thi những biện pháp cấm vận cứng rắn với Nga nay thể hiện thái độ im lặng hoặc bình luận mơ hồ về những quyết định trừng phạt mới của Tổng thống Obama hoặc những phát ngôn của Donald Trump”.

Dường như họ bảo nhau: đành chờ “thời khắc sự thật” sau ngày 20-1-2017 vậy!

RELATED ARTICLES

Tin mới