Sunday, September 15, 2024
Trang chủThâm cung bí sửTQ lập tổ chức "quyền lực hơn cơ quan quyền lực nhất":...

TQ lập tổ chức “quyền lực hơn cơ quan quyền lực nhất”: Lộ điểm yếu của chiến dịch “đả hổ”

Khi ngày càng nhiều quan chức chống tham nhũng bị phát hiện “nhúng chàm”, ban lãnh đạo Trung Quốc đang phải tính kế đẩy chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” lên nấc thang cao hơn.

Bí thư Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc – Vương Kỳ Sơn. (Ảnh: Chinanews)

Cuối tháng 10/2016, Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc (CCDI) ra mắt bộ phim tài liệu có đề tài chống tham nhũng mang tên “Mãi mãi trên đường” (tạm dịch).

Mới đây, CCDI kết hợp Đài truyền hình trung ương CCTV cho phát sóng một bộ phim tài liệu khác mang tên “Muốn rèn sắt, bản thân phải cứng rắn” (tạm dịch).

Điều đặc biệt, bộ phim tài liệu dài ba tập mới được công bố này lại tập trung miêu tả công tác thanh tra tham nhũng trong chính hệ thống Ủy ban kiểm tra kỷ luật (UBKTKL) các cấp.

Khi các quan chống tham nhũng lại… tham nhũng

Theo báo đảng Trung Quốc Nhân dân nhật báo, tập đầu tiên được phát sóng vào ngàu 3/1 với sự xuất hiện ba nhân vật chính là Ngụy Kiện, La Khải và Chu Minh Quốc.

Trong đó, Ngụy và La từng là cán bộ công tác lâu năm ở các đơn vị trực thuộc CCDI còn Chu trước khi “ngã ngựa” từng có thời gian dài nhậm chức Bí thư ủy ban kiểm tra kỷ luật tỉnh Quảng Đông.

Theo tài liệu công khai, Chu Minh Quốc “ngã ngựa” là do liên quan đến vụ án tham nhũng của cựu Bí thư thành ủy Hóa Châu, tỉnh Quảng Đông Trần Trọng Quang. Trần Trọng Quang khi bị điều tra đã rất thành khẩn khai nhận tội danh.

Theo Trần để bắt mối với Chu Minh Quốc, Trần đã dò la theo dõi tình hình của Chu. Khi biết Tết thanh minh mỗi năm, Chu đều về quê tảo mộ nên Trần đã nhân dịp này đến thăm Chu.

“Khi thì 500 nghìn NDT, lúc lại 1 triệu NDT phong bì cho ông ấy”, Trần Trọng Quang thuật lại. Và từ đó, thông qua Chu, Trần từ chức Phó cục trưởng Cục giám sát Mậu Danh đã được cất nhắc trở thành Bí thư thành ủy Hóa Châu, Quảng Đông.

Còn Chu Minh Quốc thì vạch trần quy luật tham nhũng của bộ phận quan chức trong hệ thống UBKTKL bằng tổng kết sau:

“Sau cùng đều là tập thể thông qua, tổ chức quyết định. Nhưng do ai đề bạt trước? Quyền đề bạt dùng gười là quan trọng nhất, không có người đề bạt, anh sẽ không vào nổi giới ấy. Làm lãnh đạo 35 năm, tôi nhận ra một điều, nếu lãnh đạo đã nói thì căn bản sẽ không có ai phản đối”,

Ngụy Kiện lại có thói quen bắt mối với các quan chức địa phương nhằm kiếm lợi từ việc đề bạt thăng chức, sắp xếp công việc, tư pháp, dự án v.v…

Ví như trường hợp của doanh nhân Tống Chí Viễn. Tống muốn triển khai một dự án ở Tứ Xuyên nên đã tìm đến Ngụy Kiện.

Ngụy khi đó đã dùng điện thoại đỏ (điện thoại bảo mật dành do lãnh đạo ĐCSTQ, chính quyền các tỉnh từ cấp phó trở lên-ND) gọi cho Phó Bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên bấy giờ là Lý Xuân Thành nhờ Lý “quan tâm”.

Hai, ba ngày sau, Bí thư huyện ủy của nơi dự án được triển khai gọi điện lại cho Tống, trách rằng:

“Không phải chúng tôi đã ủng hộ dự án của anh sao? Sao anh lại chạy đến Bắc Kinh? Cán bộ của CCDI đã gọi điện nói với lãnh đạo tỉnh rằng chúng tôi không ủng hộ anh. Được rồi, chúng tôi sẽ toàn lực ủng hộ anh”.

Cách làm của La Khải lại là: “Mời đối phương đến gặp mặt, mục đích là để thể hiện “quan hệ hai ta” rất tốt đẹp. Biết được quan hệ của “hai ta”, người khác sẽ không quan tâm anh sao? Còn quan tâm như thế nào, quan tâm điều gì thì đó không phải việc của tôi”.

Quan chức UBKTKL: Nỗi sợ hãi của các địa phương

Một nhân viên tổ chuyên án đã đưa ra đáp án của câu hỏi trên.

Theo đó, “do đằng sau là sức ảnh hưởng của chức vụ. Quyền lực chủ yếu của UBKTKL là giám sát việc chấp hành kỷ luật. Điều này liên quan đến sinh mạng chính trị của các cán bộ lãnh đạo đảng viên”.

Giới phân tích nhận định, chức năng của UBKTKL là “điều tra người khác” nên điểm này đã khiến rất nhiều người lo lắng, sợ hãi.

Như Chu Minh Quốc giải thích: “Thái độ của Bí thư UBKTKL đối với mỗi cán bộ, mỗi đảng viên quyết định đến vinh nhục thăng tiến của cả cuộc đời, thậm chí một giai đoạn ngắn của đối phương. Cho nên các các bộ quan chức thường đều rất sợ UBKTKL”.

Trước đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng nhiều lần đề cập: “UBKTKL đi điều tra người khác, vậy ai điều tra lại ủy ban này?”.

Đa chiều (Mỹ) nhận định, thời gian phát sóng bộ phim tài liệu trên chính là đáp án cho câu hỏi của ông Tập.

Theo đó, sau khi bộ phim kết thúc (5/1) thì 6/1 là ngày khai mạc Hội nghị toàn thể lần thứ 7 Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XVIII. Một trong những nội dung được thảo luận chính trong hội nghị lần này liên quan đến việc thành lập Ủy ban cải cách thể chế giám sát quốc gia – đơn vị được đánh giá có quyền lực lớn hơn cả CCDI.

Đáng chú ý, theo giới quan sát, những bộ phim tài liệu có đề tài chống tham nhũng được phát sóng thời gian gần đây nhằm để “triển lãm thành quả” trong chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của thế hệ lãnh đạo thứ năm ĐCSTQ.

Và việc CCDI ra mắt bộ phim tài liệu về đề tài chống tham nhũng ngay những ngày đầu năm 2017 đã thể hiện thái độ của cơ quan này: “Bước chân đả hổ” trong năm 2017 sẽ không dừng lại.

RELATED ARTICLES

Tin mới