Friday, March 29, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTình báo Mỹ đang giúp sức TQ?

Tình báo Mỹ đang giúp sức TQ?

Cản trở các nỗ lực hợp tác với Nga sẽ khiến quan hệ Nga-Trung càng thêm nồng ấm và giúp cho Trung Quốc có được nhiều mối lợi.

39 16

Nhà sáng lập WikiLeaks Assange

Ông chủ WikiLeaks lên tiếng

Các đại diện WikiLeaks đã tiến hành cuộc họp báo về bản báo cáo của các cơ quan tình báo Mỹ tố “Nga can thiệp” vào cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ. Các tài liệu điều tra của Mỹ khẳng định rằng, cổng thông tin này đã công bố những thư từ trao đổi nội bộ của đảng Dân chủ, dường như nhận được từ đặc nhiệm Nga.

Theo lời nhà sáng lập trang mạng WikiLeaks Julian Assange, báo cáo không có bằng chứng cho thấy tình báo Nga đã tiến hành đột nhập máy chủ của đảng Dân chủ Mỹ.

Ông Assange kết luận: “Các cơ quan tình báo Mỹ cho rằng tin tặc Nga đã bắt đầu thực hiện hoạt động chống lại đảng Dân chủ ngay từ năm 2015, khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vẫn chưa được coi là một ứng viên nghiêm túc. Rõ ràng đó là một bản báo cáo mang tính chính trị”.

Ông Assange cũng kể về sự phức tạp của việc đột nhập hệ thống kiểm phiếu trong cuộc bầu cử tại Mỹ.

Theo đó, “các phương tiện truyền thông khác nhau khẳng định một cách dối trá rằng chính quyền Nga đã bẻ mã khóa hệ thống kiểm phiếu bầu cử ở Mỹ, thậm chí báo cáo của cộng đồng tình báo Mỹ cũng bóng gió ám chỉ rằng đã diễn ra kiểu tin tặc đột nhập như vậy. Ở một quốc gia như Mỹ, kết nối 52 hệ thống bầu cử thì chuyện bẻ mã khóa cùng lúc là khá phức tạp khó khăn”.

Nhà sáng lập WikiLeaks còn lưu ý rằng hệ thống này thiết kế “không minh bạch đến mức để công dân bình thường cũng có thể nhìn thấy kết cấu bên trong của việc kiểm phiếu ra sao”.

Phá Donald Trump?

Trong khi đó tại Mỹ, chính tờ The Wall Street Journal ngày 9/1 có bài viết cho rằng báo cáo của tình báo Mỹ về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử năm 2016 ở Mỹ cản trở ý đồ của Tổng thống Donald Trump muốn đưa nhãn quan mới về thế giới vào Nhà Trắng.

Theo bài viết, rõ ràng người Mỹ đang phải sống trong một thế giới tam cực, bao gồm: một nước Mỹ vẫn là siêu cường quan trọng nhất, một Trung Quốc đang trỗi dậy và một nước Nga đang tìm cách có được vị thế trên bàn đàm phán lớn.

Tuy chưa thể xác định chắc chắn ý đồ của ông Trump, song có vẻ như ông Trump đi theo quan điểm rằng nước Mỹ sẽ thịnh vượng nếu như một mặt phát triển quan hệ thân thiện với Nga, mặt khác cải thiện vị thế chiến lược của Mỹ để đối phó với Trung Quốc.

Nếu đúng là ông Trump đang nuôi ý định đó, thì báo cáo của giới tính báo Mỹ đã gây phương hại nghiêm trọng tới phương trình chiến lược này.

Đáng chú ý là báo cáo kết luận bằng câu: “Chúng tôi cho rằng tình báo Nga sẽ tiếp tục phát huy năng lực để giúp ông Putin lên các phương án chống lại nước Mỹ. Ngay sau khi cuộc bầu cử kết thúc, chúng tôi đã phát hiện ra rằng tình báo Nga đã bắt đầu một chiến dịch mới theo dõi các nhân viên chính phủ Mỹ” và một số hoạt động khác nữa.

“Chiến dịch này có thể nhằm thu thập công cụ phục vụ các nỗ lực can thiệp trong tương lai cũng như thu thập thông tin tình báo về các kế hoạch và mục tiêu của chính phủ sắp tới”.

Nói cách khác, cộng đồng tình báo Mỹ vừa cảnh báo rằng tân Tổng thống sẽ là mục tiêu tiếp theo. Đáp lại, hai nghị sĩ có nhiều ảnh hưởng trong đảng Cộng hòa là ông John McCain và bà Lindsey Graham tuyên bố sẽ hối thúc Quốc hội áp đặt những lệnh trừng phạt mới đối với Nga.

Tất cả những diễn biến mới nhất này tạo ra rào cản rất lớn về mặt chính trị đối với nhãn quan của ông Trump về một trật tự thế giới mới, trong đó Mỹ tìm tiếng nói chung với Nga trong khi thách thức Trung Quốc trong các vấn đề thương mại và an ninh.

Theo The Wall Street Journal, trong sách giáo khoa chiến lược của Mỹ, việc “kích Nga đối đầu với Trung Quốc” là phương án lý tưởng. Hai quốc gia khổng lồ này đều lo lắng cán cân chiến lược bị đảo lộn nếu như một bên xích lại quá gần Mỹ. Trong môi trường đó, một cựu Ngoại trưởng Mỹ từng nói rằng mục tiêu của Mỹ là duy trì mối quan hệ thân thiết với cả Moskva lẫn Bắc Kinh, thay vì để hai nước này thân nhau.

Tuy nhiên, ngay cả trước khi giới tình báo tung ra báo cáo gây hoang mang, dư luận Mỹ đã đặt dấu hỏi về việc liệu chiến lược “kích Nga đối đầu với Trung Quốc” có còn khả thi hay không?

The Wall Street Journal dẫn lời giới chuyên gia cho rằng trong quá khứ, Liên Xô và Trung Quốc coi nhau là địch thủ không đội trời chung, do đó cần duy trì tam giác ngoại giao. Tuy nhiên, ngày nay tình thế đã thay đổi, nên không thể biến Nga và Trung Quốc thành kẻ thù của nhau bằng cách tỏ ra thân thiện với Putin.

Tháng 6/2016, ông Putin đã có chuyến công du được cho là thân thiện và thành công tới Bắc Kinh, trong đó ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký một loạt thỏa thuận về hợp tác song phương, trong đó có cả về năng lượng và mậu dịch. Điều này phản ánh thực tế rằng ngày nay động lực giữa hai quốc gia khác so với động lực khác trong thời Chiến tranh Lạnh.

Sau khi nhậm chức, ông Trump sẽ tỏ rõ ý định thách thức Trung Quốc trực tiếp hơn trong lĩnh vực mậu dịch và hoạt động quân sự trên Biển Đông, song sẽ không được tự do theo đuổi mối quan hệ nồng ấm với Nga. Tóm lại, trên cả hai mặt trận sẽ có nhiều thách thức, cho dù ông Trump muốn hay không.

Theo The Wall Street Journal, cách thức tốt nhất để đối phó với thực tế chiến lược này là sử dụng các mối quan hệ chặt chẽ với những mạng lưới của Mỹ ở châu Âu và châu Á để cản trở bất kỳ nỗ lực nào của Nga hay Trung Quốc nhằm phá hoại nước Mỹ.

Hơn nữa, đòn bẩy tốt nhất mà Mỹ có được với Trung Quốc có lẽ không nằm ở Moskva, mà nằm ở chính những lợi ích của Trung Quốc.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn hồi tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng sắp mãn nhiệm Ashton Carter đã nói rằng Trung Quốc đang tìm cách thách thức Mỹ trên cả hai mặt trận kinh tế và an ninh. Đồng thời, Bắc Kinh “cũng công nhận rằng để có được sự thịnh vượng kinh tế và duy trì sự ổn định chính trị, họ không thể lựa chọn chiến tranh và cũng không thể phá hủy hệ thống hiện hành vốn có lợi cho họ”.

Theo ông Carter, toàn khu vực châu Á đang lo ngại về Trung Quốc, và chính mối lo ngại này đang khiến “tất cả mọi người muốn lao vào vòng tay của chúng ta”. Cách thức tốt nhất để đối phó với Bắc Kinh rất đơn giản, đó là giang tay đón nhận những đồng minh đó.

Như vậy, những bước đi của tình báo Mỹ, đặc biệt với báo cáo vừa qua cáo buộc Nga tấn công mạng, đã vô tình hoặc cố ý một lần nữa biến Moskva thành “kẻ thù” của nước Mỹ. Hành động này sẽ càng khiến Nga nghiêng về phía Trung Quốc, tạo thành một liên minh không hiệp ước nhưng đang tồn tại trên thực tế.

Điều này sẽ càng có lợi cho Trung Quốc khi nước này tận dụng được những nguồn lợi khổng lồ từ Nga như năng lượng, vũ khí hay sự phối hợp trong hàng loạt vấn đề quốc tế.

Một ví dụ cụ thể là ngày 10/1, tờ China Daily của Trung Quốc xác nhận rằng Bắc Kinh đã tiếp nhận đợt chuyển giao các chiến đấu cơ Sukhoi Su-35 “Flanker-E” từ Nga hồi cuối tháng 12/2016.

Sau 5 năm tiến hành đàm phán liên tiếp, vào tháng 11/2015, Bắc Kinh xác nhận đã ký một thỏa thuận 2 tỷ USD với Moskva về thương vụ mua 24 máy bay Su-35. Nga đã đồng ý bán loại máy bay chiến đấu này cho Trung Quốc trong bối cạnh bị Mỹ và phương Tây bao vây cô lập.

RELATED ARTICLES

Tin mới