Saturday, September 7, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiĐằng sau lời đe dọa gây chiến với Mỹ của báo TQ

Đằng sau lời đe dọa gây chiến với Mỹ của báo TQ

Dùng tờ báo Global Times để đưa ra những phát ngôn khiêu khích nhằm vào Washington, Bắc Kinh có thể đang muốn thăm dò phản ứng từ đội ngũ của tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.

Logo Global Times tại trụ sở tờ báo ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Quartz

Trong phiên điều trần trước Thượng viện hôm 11/1, Rex Tillerson, người mà tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chọn làm ngoại trưởng, đã lên án hành động bồi đắp đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông cho rằng Bắc Kinh nên bị cấm tới những thực thể này, theo CBS News.

“Chúng ta phải gửi tín hiệu rõ ràng đến Trung Quốc rằng, thứ nhất, việc xây dựng đảo phải dừng lại, thứ hai, họ không được phép tới các đảo đó nữa”, ông tuyên bố.

Ngay lập tức, Global Times, một ấn phẩm phụ của People’s Daily, cơ quan ngôn luận đảng Cộng sản Trung Quốc, lên tiếng đáp trả.

“Tillerson nên chú tâm vào chiến lược phát triển sức mạnh hạt nhân nếu ông ta muốn một cường quốc hạt nhân lớn rút lui khỏi lãnh thổ của họ”, bài xã luận đăng trên Global Times hôm 13/1 có đoạn. “Nếu Washington không chuẩn bị kế hoạch phát động một cuộc chiến tranh quy mô ở Biển Đông, mọi hành vi nhằm ngăn cản Trung Quốc tiếp cận các đảo đều là ngu ngốc”.

Global Times từ lâu đã nổi tiếng với các bài xã luận mang giọng điệu hung hăng của những cây bút mà dư luận Trung Quốc coi là diều hâu.

Chuyên gia đánh giá cách Global Times phản ứng là rất đáng chú ý, xét cả về tính khiêu khích trong câu chữ lẫn sự khác biệt của nó nếu so sánh với những phát ngôn chính thức từ Bắc Kinh.

Trong một cuộc họp báo, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã diễn giải lại các tuyên bố từ ông Tillerson, đồng thời nhấn mạnh: “Trung Quốc và Mỹ tồn tại một số khác biệt song cũng có nhiều lợi ích chung cũng như sự đồng thuận. Và chúng ta nên nhìn vào khía cạnh tốt đẹp trong mối quan hệ thay vì để những bất đồng làm cản trở hợp tác hiệu quả”.

Vậy bài xã luận khiêu khích từ Global Times phản ánh chân thực đến đâu quan điểm bên trong đảng Cộng sản Trung Quốc?

Trấn an và thăm dò

“Global Times là một tờ báo và nó có cách riêng để phản ứng trước những vấn đề như thế này”, giáo sư Xin Xin thuộc Viện Nghiên cứu Thông tin và Truyền thông tại Đại học Westminster, Anh, bình luận. “Dù thuộc đảng Cộng sản Trung Quốc nhưng nó có những quy định rất khác… Họ tỏ ra linh hoạt hơn trong việc truyền bá quan điểm của đảng. Nhằm thu hút người đọc, nó cũng áp dụng những kỹ thuật quen thuộc bắt gặp ở báo chí phương Tây”.

Tổng biên tập Global Times Hồ Tích Tiến, cựu quan chức quân đội Trung Quốc, khẳng định sự khác biệt nằm ở chỗ tờ báo của ông đăng tải những gì giới quan chức nghĩ nhưng không công khai thể hiện.

Trong một cuộc phỏng vấn với Quartz, Hồ cho biết ông thường dành thời gian với các quan chức từ bộ ngoại giao và an ninh, qua đó nhận ra quan điểm của họ phù hợp với lập trường trong các bài xã luận đăng trên báo. 

Nhiều chuyên gia lại cho rằng những bài xã luận gây tranh cãi trên Global Times không nên được coi như tuyên bố trực tiếp về vị thế hay mục đích của chính quyền Trung Quốc mà chúng chỉ là một cách nhìn khác, phản ánh những quan điểm tồn tại bên trong một số bộ phận dân chúng Trung Quốc.

“Các bài xã luận trên Global Times được dùng để xoa dịu một bộ phận dân chúng, những người nhìn chung trẻ tuổi và có quan điểm ‘diều hâu’, tại thời điểm mà chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy”, giáo sư Jonathan Sullivan, giám đốc Viện Chính sách Trung Quốc thuộc Đại học Nottingham, Anh, nhận xét. “Những điều ông Tillerson nói không khác gì lời kêu gọi phong tỏa, một hành động thường được hiểu như hành vi kích động chiến tranh. Chính phủ Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những rắc rối từ bộ phận dân chúng trên nếu không phản ứng”.

Theo giới quan sát, Global Times có một lượng độc giả đáng kể ở Trung Quốc và tờ báo này sẽ không đăng những bài viết mang sắc thái cực đoan nếu không được yêu cầu.

Ước tính, ấn phẩm Global Times tiếng Trung Quốc mỗi ngày bán ra từ 1,5 đến 2 triệu bản. Trang web của tờ báo này hàng ngày cũng thu hút tới 15 triệu lượt truy cập.

Tuy nhiên, một số nhà bình luận nhận định truyền thông phương Tây dường như đã làm quá sức ảnh hưởng thực tế của Global Times.

Báo cáo của một thực tập sinh tiến sĩ tại Đại học Western Australia hồi năm 2014 cho thấy chỉ 0,8% trong 1.400 người được hỏi tại 5 thành phố ở Trung Quốc nói họ lấy thông tin về tình hình tranh chấp trên Biển Đông từ Global Times.

Giáo sư Jonathan Sullivan dự đoán Global Times sẽ ngày càng tỏ ra là một công cụ hữu hiệu cho chính quyền Trung Quốc trong những tháng tới.

“Bắc Kinh vẫn chưa hiểu rõ đội ngũ của Trump và không muốn phản ứng bằng những hành động có thể tạo sóng gió”, ông nói. “Vẫn còn đâu đó niềm hy vọng rằng các tuyên bố từ ông Trump chỉ là một phần trong chiến thuật đàm phán, không phải chính sách thực sự”. Vậy nên, dùng những tờ báo như Global Times để đáp trả một cách dè chừng hiện tại là biện pháp hữu hiệu đối với Trung Quốc, ông nhấn mạnh.

RELATED ARTICLES

Tin mới