Thursday, April 18, 2024
Trang chủBiển nóngTranh chấp quyền lợi Nga - Mỹ ở Ukraine

Tranh chấp quyền lợi Nga – Mỹ ở Ukraine

Vấn đề Ukraine có thể không gây chú ý nhiều như cuộc chiến ở Syria, Iraq hay Afghanistan, nhưng nó là một cuộc chiến dai dẳng và cốt lõi là giữa hai phía Nga và Mỹ.

Cuộc chiến của những người ly khai với quân đội chính phủ Ukraine tại
Donetsk gây ra nhiều thương vong và chán nản trong người dân. (Ảnh: AP)

Từ năm 2014, Washington đã bắt đầu hỗ trợ cho chính phủ Ukraine. Việc này đã làm cho Mỹ đứng ở phía đối lập với các lực lượng ly khai ở Ukraine.

Thế nhưng, tổng thống đắc cử Donald Trump mới báo hiệu ông có thể rút lại sự hậu thuẫn của Mỹ cho chính phủ Ukraine, như là một phần trong trong một thỏa thuận với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trong suốt chiến dịch tranh cử, Trump đã tuyên bố rằng ông sẽ xem xét vấn đề sáp nhập Crimea vào Nga, và trong một cuộc phỏng vấn với đài ABC (Mỹ) vào tháng 7/2016, Trump trả lời rằng: “Những người Crimea, như tôi được biết, thì thích sáp nhập với Nga hơn là thuộc Ukraine”.

Theo các nhà phân tích cũng như những người có quan điểm trái ngược với tổng thống Putin, cách tiếp cận vấn đề Ukraine như vậy của chính quyền Trump sẽ giúp Nga dễ dàng có lợi thế hơn trong vấn đề Ukraine. 

“Hoàn toàn có khả năng Kremlin sẽ cố gắng gây ảnh hưởng tới Ukraine nhiều hơn, nếu Mỹ “rời xa” đất nước Đông Âu này. Nếu Trump lùi lại thì đó là một lời mời Putin tiến lên”, nhà nghiên cứu Igor Sutyagin, đến từ Học viện Quốc phòng và An ninh Hoàng gia (RUSI) của Anh, bình luận.

Jonathan Eyal, Giám đốc nghiên cứu An ninh Quốc tế tại RUSI, vẽ ra viễn cảnh, nếu Mỹ không còn hiện diện, Ukraine có thể sẽ có một lãnh đạo khác, và Putin sẽ làm cho khoảng cách giữa châu Âu và Mỹ ngày càng rộng hơn. 

Từ năm 2014, căng thẳng ở Ukraine đã leo thang với những cuộc biểu tình và bạo lực đường phố, đất nước bị chia rẽ giữa một bên là những người ủng hộ sự hội nhập mạnh mẽ với EU, một bên là những người “ly khai” mong muốn có mối quan hệ gần gũi hơn với Nga.

Tổng thống Ukraine lúc đó là Viktor Yanukovych đã phải chạy trốn, và ông Petro Poroshenko lên thay – điều hành một chính phủ nghiêng về phương Tây.

Nga không công nhận chính quyền của ông Poroshenko. Sau đó Crimea (phía đông Ukraine) được sáp nhập vào Nga. Đến nay, một phần lãnh thổ phía Đông Ukraine vẫn xảy ra chiến sự giữa quân chính phủ và những người ly khai. 

Lý do Trump có thể “hy sinh” Ukraine

Về phía Mỹ, nước này đã hỗ trợ chính phủ Ukraine 3 tỷ USD và Trump đang xem xét con số này rất kỹ càng.

Các chuyên gia về chính sách đối ngoại cho rằng, Tổng thống đắc cử Mỹ có thể sẽ hy sinh sự ảnh hưởng của Mỹ tại Ukraine để đổi lại một “món lợi” lớn với tổng thống Putin có liên quan tới việc giải quyết cuộc xung đột ở Syria.

Vào ngày 16/1, Trump cũng đã trả lời phỏng vấn các tờ báo Times of London (Anh) và Bild (Đức) rằng ông có thể dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt Nga mà Mỹ áp dụng sau sự kiện sáp nhập Crimea, để đổi lại việc Moscow giảm kho vũ khí hạt nhân.

Trong ngày bầu cử Mỹ, khi kết quả bầu cử cho thấy Trump đã chiến thắng, cựu Đại sứ Mỹ ở Nga – ông Michael McFaul, đã phát biểu: “Người thua cuộc lớn nhất trên thế giới trong đêm nay chính là Ukraine”

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, trong chuyến thăm chính thức cuối cùng của mình đến Ukraine, đã đề cập vào ngày 16/1 về khả năng Trump có thể không còn hậu thuẫn chính phủ Ukraine.

Theo Reuters, khi được hỏi về việc liệu chính quyền mới của Trump sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine như chính quyền của ông Obama, Joe Biden đã trả lời một cách khá mơ hồ: “Hy vọng mùa xuân sẽ kéo dài mãi”.

Nhà nghiên cứu Eyal lo ngại: “Moscow đang cảm thấy rằng thời gian đang ủng hộ họ. Những xung đột ở Ukraine càng kéo dài thì càng có lợi cho Nga trong cuộc bầu cử năm 2019 tới đây tại Ukraine – khi người dân đã mệt mỏi với thực trạng của đất nước.

Nga cho rằng họ đang có nhiều không gian để gây ảnh hưởng tới Ukraine hơn, đồng thời cơ hội để các lệnh trừng phạt bị dỡ bỏ cũng cao hơn bao giờ hết”. 

RELATED ARTICLES

Tin mới