Sunday, September 15, 2024
Trang chủĐiểm tinMỹ tạo vòng cung áp sát Nga

Mỹ tạo vòng cung áp sát Nga

Mỹ đã triển khai 300 binh sỹ thủy quân lục chiến đến Na Uy cùng với lực lượng trước đó ở Ba Lan tạo hình vòng cung sát vách Nga.

Binh lính Mỹ tập trung trước cuộc tập trận với Ba Lan.

RT ngày 16/1 thông tin, khoảng 300 lính thủy đánh bộ Mỹ đã được triển khai tại Na Uy trong đợt triển khai kéo dài 6 tháng.

Các binh sĩ thuộc trại Lejeune ở bang Bắc Carolina đã đáp xuống sân bay Vaernes, gần thành phố lớn thứ 3 Trondheim của Na Uy lúc 10h sáng ngày 16/1 theo giờ địa phương trong cái lạnh -2 độ C.

Quân đội Mỹ sẽ đóng ở Na Uy trong một năm sau khi đội quân lính thủy này hoàn thành đợt dàn quân kéo dài 6 tháng.

Người phát ngôn Lực lượng Bảo vệ nội địa Na Uy Rune Haarstad, người phụ trách tiếp đón lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ tại căn cứ quân sự Vaernes, cách biên giới Nga khoảng 1.500 km, cho biết binh sĩ Mỹ sẽ diễn tập các tình huống tác chiến trong điều kiện khắc nghiệt của mùa Đông.

“Trong 4 tuần đầu tiên, lính Mỹ sẽ được huấn luyện cơ bản, học cách chiến đấu cùng xe trượt tuyết và cách tồn tại trong thời tiết băng giá khắc nghiệt, điều này không liên quan gì tới tình hình hiện tại với Nga” – ông Haarstad nói.

Vào tháng 3 tới, 300 lính Mỹ sẽ tham gia vào bài luyện tập Joint Viking cùng với quân đội Anh.

Bình luận về vụ việc, phía đại sứ quán Nga trả lời Reuters: “Về việc chính quyền Na Uy cho rằng không có mối đe dọa nào tới nước Nga từ quốc gia này, chúng tôi có thể hiểu rằng mục đích của Na Uy là sẵn sàng gia tăng tiềm lực quốc phòng của mình bằng việc cho Mĩ đóng quân tại đất nước họ?”.

Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Na Uy trả lời, việc điều quân này không có gì đáng lo ngại với Nga.

Đây là lần triển khai đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, các binh sĩ nước ngoài được phép đồn trú tại Na Uy. Bản khế ước giữa Mỹ và Na Uy quy định, các binh sĩ Mỹ được phép đồn trú ở quốc gia Bắc Âu này trong vòng 1 năm, và lực lượng lính thủy đánh bộ hiện nay sẽ được luân chuyển sau khi họ kết thúc thời gian đồn trú kéo dài 6 tháng.

Na Uy trở là thành viên sáng lập của khối Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào năm 1949. Để xoa dịu những lo ngại của Liên Xô trước đây, Na Uy cam kết không cho các lực lượng tác chiến nước ngoài triển khai trên lãnh thổ nước này chừng nào Na Uy không bị tấn công hoặc bị đe dọa tấn công.

Trước nay, Mỹ đã triển khai một lượng lớn các thiết bị quân sự thuộc NATO tại Na Uy, phần lớn đặt trong các đường hầm trong núi, nhưng chưa có sự hiện diện của binh lính.

Trước đó, ngày 14/1, một lữ đoàn lính Mỹ 3.000 quân nhân đã đến đồn trú tại miền tây Ba Lan dưới danh nghĩa lực lượng NATO. Ngày 12/1, hơn 80 xe tăng chiến đấu và hàng chục xe bọc thép đã đến Đức, sang Đông Âu bằng đường bộ và đường sắt. Một bộ phận quân Mỹ đã vào Ba Lan qua cửa khẩu Olszyna trên biên giới với Đức hôm thứ Năm ngày 12/1.

Ba Lan đã chờ đợi sự kiện này từ rất lâu, trước mối đe dọa của Nga. Lữ đoàn Mỹ đã được đón tiếp trọng thể tại Zagan, gần biên giới với Đức.

Thủ tướng Ba Lan, bà Beata Szydlo, có mặt trong buổi lễ đón tiếp các binh lính Mỹ không ngớt lời khen ngợi: “Họ là đại diện của quân đội hùng mạnh, tuyệt diệu nhất thế giới. Sự hiện diện của họ ở đây là một giai đoạn mới trong chiến lược của chính phủ Ba Lan nhằm tăng cường an ninh cho đất nước Ba Lan và cả khu vực”.

Để đối phó với mối đe dọa Nga, Ba Lan và các nước Baltic, nhân thượng đỉnh NATO vừa qua, được đón mỗi nước trên đất mình một lữ đoàn của NATO.

Thiếu tướng Timothy McGuire, Phó chỉ huy các lực lượng mặt đất Mỹ ở châu Âu, cho biết thêm: “Lữ đoàn chiến đấu vũ trang 3 của Sư đoàn lục quân 4 là lực lượng tinh nhuệ và sẵn sàng cao với những trang thiết bị tốt nhất, là lớp đi đầu trong công tác lãnh đạo và huấn luyện của các lực lượng chiến đấu trên thế giới”.

Để duy trì kỹ năng sẵn sàng chiến đấu, các binh lính sẽ tiến hành nhiều “cuộc tập trận thực tế” với các đồng minh ở nhiều địa điểm trên khắp Ba Lan và châu Âu.

Ngoài ra, NATO còn điều động 87 xe tăng Abrams và hơn 500 xe khác, luân phiên có mặt tại Ba Lan và các nước thành viên NATO kế cận kể cả Estonia, Latvia, Lithuania, Romania, Bulgari và Hungary.

Đây là đợt Mỹ hỗ trợ quân sự cho châu Âu lớn nhất trong hàng chục năm qua, là một phần trong phản ứng của Tổng thống Barack Obama nhằm hỗ trợ các đồng minh NATO vốn đang quan ngại về một nước Nga ngày càng hiếu chiến hơn. Quân Mỹ đến Ba Lan chỉ ít ngày trước khi ông Donald Trump nhậm chức khi ông nhiều lần đã tỏ ý muốn cải thiện quan hệ với Moscow.

Việc quân đội Mỹ ngập tràn châu Âu đã lên tới mức cảnh báo về mối quan hệ giữa châu Âu- Nga. Đặc biệt, binh sĩ Mỹ đã kéo tới Ba Lan và Na Uy tạo thành một hình vòng cung ở ngay giữa châu Âu hướng về phía Nga.

RELATED ARTICLES

Tin mới