Friday, March 29, 2024
Trang chủBiển nóngCác quần đảo ở Biển Đông: Chưa bao giờ thuộc lãnh thổ...

Các quần đảo ở Biển Đông: Chưa bao giờ thuộc lãnh thổ TQ

Tranh chấp ở Biển Đông đang là một trong những điểm nóng thu hút sự chú ý của cả thế giới. Âm mưu thôn tính Biển Đông của Đảng cộng sản Trung Quốc đã được thực hiện vô cùng bài bản, ngang ngược và bị thế giới phản đối cực liệt. Bất chấp điều đó, nhiều thế hệ lãnh đạo Trung Quốc, các học giả đã chọn cách lảng tránh sự thật, xuyên tạc lịch sử để đánh lừa dư luận, bào chữa cho hành động phi pháp của mình.

I. Bằng chứng vu vơ, vô căn cứ

Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa từ năm 1909, quần đảo Trường Sa từ năm 1933. Nhưng bằng chứng đưa làm cơ sở cho đòi hỏi lại hết sức vu vơ, vô căn cứ.

Đối với quần đảo Hoàng Sa khi Pháp khẳng định chủ quyền của Việt Nam năm 1931 – 1932, Trung Quốc đưa ra 3 lý do biện hộ cho lập trường của mình:

1. Kinh vĩ độ đảo này thuộc lãnh hải Trung Quốc, địa lý địa hình rất rõ ràng.

2. Về lịch sử, cuối đời Thanh từng phái Lý Chuẩn đến đảo này, bắn súng, kéo cờ, nêu lại đó là lãnh thổ Trung Quốc.

3. Năm trước tại hội nghị khí tượng Viễn Đông họp ở Hồng Kông, trưởng đài khí tượng An Nam của Pháp và Chủ nhiệm đài Thiên văn từ Gia Hoài Thượng Hải yêu cầu Chính phủ Trung Quốc đặt đài khí tượng ở quần đảo Tây Sa.

Qua đó thấy rõ Trung Quốc lúc đó không chứng minh họ đã có chủ quyền từ xa xưa như Trung Quốc ngày nay nói. Lý do đáng được quan tâm là việc Lý Chuẩn “bắn súng, kéo cờ” năm 1909 mà người Trung Quốc nói là “nêu lại chủ quyền”. Đã không có chủ quyền trong lịch sử, Trung Quốc dựa vào đâu để “nêu lại chủ quyền”.

Đối với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, từ 1951 đến 1979, trên các văn kiện chính thức chỉ lặp đi lặp lại từ ngữ, quần đảo “Tây Sa”, “Nam Sa”,… “luôn luôn là lãnh thổ Trung Quốc”, hay “từ xưa đến nay là một bộ phận lãnh thồ Trung Quốc”, chưa đưa ra bất kỳ một bằng chứng lịch sử nào để chứng minh. Tuy nhiên, trên báo chí, có khi nói quần đảo “Tây Sa” “là lãnh thổ Trung Quốc” từ đầu thế kỷ 15, với việc viện dẫn sách “Tinh sà Thắng Lãm” của Phí Tín, sách “Tây Dương triều công điền lục” của Hoàng Tỉnh Tăng: có khi nói “ngay từ đầu thế kỷ 15, các quần đảo biển Nam Hải, bao gồm quần đảo Nam Sa, quần đảo Đông Sa, quần đảo Trung Sa cùng quần đảo Tây Sa đã được nhập vào bản đồ Trung Quốc, trở thành lãnh thổ Trung Quốc”. Bằng chứng được nêu lên để chứng minh chỉ là địa danh “Thất Châu Dương” chép trong “Tinh sà Thắng Lãm” được giải thích là “quần đảo Tây Sa”.

Cho đến trước sự kiện 1/1974, luận cứ duy nhất báo chí Bắc Kinh đưa ra là địa danh “Thất Châu Dương” chép trong sách cổ Trung Quốc được giải thích là “quần đảo Tây Sa”.

Kỳ thực “Thất Châu Dương” là tên gọi chỉ vùng biển khu vực nhóm 7 đảo (Thất Châu) nằm cách bờ mỏm Đông Bắc đảo Hải Nam không tới 20 km.

Tước bỏ địa danh này, Trung Quốc không còn gì để chứng minh quần đảo “Tây Sa” “là lãnh thổ Trung Quốc” từ đầu thế kỷ 15.

Sau sự kiện tháng 1/1974, Trung Quốc đưa ra luận cứ mới, đẩy lùi thời điểm chủ quyền lên đầu Công nguyên với lập luận nói rằng “các đảo Nam Hải từ cổ xưa đến nay là lãnh thổ Trung Quốc” do nhân dân Trung Quốc “phát hiện sớm nhất”, “khai thác sớm nhất”, “quản hạt và hành xử chủ quyền sớm nhất”.

Luận cứ nói trên được công khai trên báo chí bằng bài viết của Sử Lệ Tổ nhan đề “Các đảo Nam Hải từ cổ xưa đến nay là lãnh thổ Trung Quốc” đăng trên tờ Quang Minh Nhật báo ngày 24/11/1975 (Nhân dân Nhật báo, đăng lại 25/11/1975). Văn kiện Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 30/1/1988 đại thể lặp lại luận cứ và bằng chứng mà Sử Lệ Tổ đã viết.

Tước bỏ những bằng cứ vu vơ nói về “phát hiện sớm nhất”, “khai thác sớm nhất”, người ta thấy bằng chứng chứng minh cho luận cứ về việc Trung Quốc “quản hạt và hành xử chủ quyền sớm nhất” các quần đảo ở Biển Nam Trung Hoa quá ư mỏng manh, và cũng đều là những bằng chứng vu vơ, vô căn cứ. Bóc trần sự thật về những bằng chứng đó, Trung Quốc sẽ mất đi chỗ dựa để bào chữa cho những hành động bất hợp pháp của họ ở Biển Đông từ đầu thế kỷ 20 đến nay.

Văn kiện Bộ ngoại giao Trung Quốc đưa ra 3 bằng chứng chứng minh nhà nước Trung Quốc đã thực hiện chủ quyền đối với quần đảo “Tây Sa”:

– Vua Tống đặt dinh lũy thủy quân ở Quảng Châu chép trong Vũ Kinh Tổng yếu;

– Vua Nguyên sau nhà thiên văn Quách Thủ Kinh đo đạc thiên văn ở “Nam Hải” chép trong Nguyên sử;

– Phó tướng Quảng Đông Ngô Thăng đi tuần biển từ Quỳnh Nhai đến Tứ Canh Sa chép trong Tuyền Châu Phủ chí.

Ba sự kiện trên đã bị bác bỏ trong Sách Trắng về hai quần đảo do Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố đầu năm 1982 (báo Nhân dân ngày 19/1/1982).

Theo Sách Trắng, việc vua Tống đặt dinh lũy thủy quân ở Quảng Châu không liên quan gì đến quần đảo “Tây Sa”. Sách Trắng chỉ rõ, đoạn văn tiếp theo mô tả tuyến đường biển từ Quảng Châu sang Ấn Độ Dương, trên đó có địa danh “Cửu Nhũ Lao Châu” đã bị xuyên tạc là “quần đảo Tây Sa” để nói rằng quần đảo này từ đời Tống đã do hải quân Trung Quốc “tuần tiễu”.

Đối với sự kiện Quách Thủ Kính đo đạc thiên văn ở “Nam Hải”, Sách Trắng cũng chỉ rõ, phạm vi đo đạc thiên văn là “bốn biển”, trong đó có những nơi ngoài lãnh thổ Trung Quốc như “Nam Hải” (Biển Đông), “Cao ly” (Triều Tiên), “Bắc Hải” (Bắc Băng Dương) mà cương vực Trung Quốc đời Nguyên phía Nam chỉ đến đảo Hải Nam , phía bắc không quá sa mạc Gô-bi. Vì vậy, dù nơi Quách Thủ Kính đo đạc thiên văn có là “quần đảo Tây Sa” ngày nay đi nữa, cũng không chứng minh quần đảo này thuộc Trung Quốc.

Cuộc tuần tra của Ngô Thăng, theo Sách Trắng, chỉ diễn ra xung quanh đảo Hải Nam. “Quỳnh Nhai”, thủ phủ đảo Hải Nam phía Bắc đảo; “Đồng cổ”, quả núi ở mỏm Đông Bắc đảo Hải Nam”; “Thất Châu Dương”, vùng biển Đông Nam đảo Hải Nam; “Tứ Canh Sa”, bãi cát ở Tây Bắc đảo Hải Nam. Trong đó, địa danh “Thất Châu Dương” đã bị xuyên tạc là “quần đảo Tây Sa” để nói rằng quần đảo “Tây Sa” lúc đó do “hải quân tỉnh Quảng Đông phụ trách tuần tiễu”.

Qua đó, đủ thấy Trung Quốc không có bất kỳ bằng chứng nào có khả năng chứng minh cho lập trường của mình. Nếu những bằng chứng đó là có thật thì cũng quá ít ỏi không đủ để chứng minh “chủ quyền” tồn tại trên 8 thế kỷ.

Đó mới là quần đảo “Tây Sa”. Còn đối với quần đảo “Nam Sa”, không thấy đưa ra bằng chứng để chứng minh.

Mãi đến năm 1993, sau vụ “Vạn An Bắc”, tức việc Trung Quốc cho một công ty dầu khí Mỹ (Crestone) đấu thầu thăm dò dầu khí ở khu vực bãi Tư Chính trên thềm lục địa Việt Nam, phát sinh nhà nghiên cứu chiến lược Trung Quốc Phan Thạch Anh mới viết bài đưa ra “bằng chứng lịch sử” cho quần đảo này.

Dưới nhan đề “Quần đảo Nam Sa thuộc lãnh thổ Trung Quốc – Căn cứ lịch sử ngược dòng 2000 năm” đăng trên tờ Window (Hong Kong) ngày 3/7/1993, Phan Thạch Anh đưa ra hai bằng chứng cho quần đảo Nam Sa:

– Năm Trinh Nguyên thứ 5 đời Đường (789) đã sát nhập quần đảo Nam Sa vào phủ Quỳnh Châu.

– Năm thứ 29 đời Nguyên Thế Tổ (1293) Sử Bật, viên tướng nhà Nguyên đã dẫn thủy quân đến “Vạn lý Thạch Đường”. Kỳ thực, sự việc trên cũng không liên quan gì đến quần đảo Nam Sa.

Năm 789 chỉ có chuyên viên đô đốc nhà Đường Lý Phục mang quân từ đất liên vượt biển sang lấy lại đảo Hải Nam sau hơn 100 năm dân bản địa làm chủ đảo này không hề có chuyện sát nhập quần đảo “Nam Sa” vào đảo Hải Nam.

Năm 1293, Sử Bật được vua Nguyên sai dẫn một hạm đội thủy quân đi đánh Gia-va. Đội thủy quân đi qua “Thất Châu Dương” (vùng biển Đông Nam đảo Hải Nam), “Vạn lý Thạch Đường” (quần đảo Hoàng Sa ngày nay) rồi đi vào ven bờ Việt Nam (vùng cù lao Thu) sau đó thẳng tiến đến Gia-va. Hành trình của Sử Bật không hề qua “Nam Sa”. Dù có qua quần đảo này đi nữa, thì ông ta cũng đi đánh Gia-va, đâu có phải đi tuần “Nam Sa”?

Sự thật về các sự kiện trên chứng minh nhà nước phong kiến Trung Quốc chưa bao giờ đòi hỏi chủ quyền và không có bất kỳ bằng chứng nào chứng minh nhà nước Trung Quốc đã thực hiện chủ quyền trên hai quần đảo mà họ gọi là “Tây Sa” và “Nam Sa”.

Trung Quốc hiểu điều đó, họ hiểu rằng nếu nhà nước Trung Quốc không thực hiện chủ quyền trên các quần đảo ở Biển Đông thì họ khó có thể giải thích được việc làm của họ mà công luận đã từng lên án. Vì vậy, họ cố tìm ra những sự kiện lịch sử liên quan đến Biển Đông, bằng mánh lới xuyên tạc địa danh để gắn những sự kiện đó với “Tây Sa” và “Nam Sa”. Trong đó, họ cố dựng lên hình tượng hải quân Trung Quốc đã “tuần tra” “Tây Sa” và “Nam Sa”.

Điều cần nói thêm là, thư tịch cổ Trung Quốc cho biết, công cuộc tuần tra trên biển của Trung Quốc được bắt đầu từ đời Minh với mục tiêu là chống nạn cướp biển đến từ nước Nhật mà người Trung Quốc xưa gọi là “Hải Phòng” (phòng thủ biển). “Hải phòng” của Trung Quốc chỉ diễn ra ở vùng biển ven bờ như được mô tả bằng lời văn và thể hiện trên bản đồ mà nay ta còn thấy.

Nói hải quân Trung Quốc đã “đi tuần” “Tây Sa” và “Nam Sa” là hoàn toàn bịa đặt.

II. Cương giới lãnh thổ Trung Quốc không bao gồm quần đảo ở Biển Đông

Hai quần đảo ở Biển Đông không thuộc lãnh thổ Trung Quốc không chỉ được chứng minh bằng việc nhà nước phong kiến Trung Quốc chưa bao giờ “quản hạt và hành sử chủ quyền” mà còn được chứng minh bởi điểm cực nam lãnh thổ Trung Quốc không quá đảo Hải Nam. Sử sách Trung Quốc không chép bất kỳ một quần đảo nào ở Biển Đông.

“Địa lý chí” trong Đường Thư, Tống Sử, Nguyên Sử, Minh Sử, cũng như Hoàng Triều thông điển đời Thanh đều chép phần đất cực Nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam. Các sách địa lý quốc gia như Đại nguyên nhất thống chí, Đại Minh nhất thống chí, Đại Thanh nhát thống chí cũng vậy. Địa danh “Vạn lý Trường Sa” “Vạn lý Thạch Đường” mà nay Trung Quốc nói là chủ “Tây Sa” và “Nam Sa” đều không được chép trong sử sách nói trên mà chép trong các sách viết về các nước vùng Đông Nam Á hoặc viết về đường biển từ Trung Quốc xuống Đông Nam Á, vẽ trên bản đồ các nước vùng Đông Nam Á.

Bản đồ Trung Quốc từ đời Tống đến đời Thanh cũng đều vẽ đến đảo Hải Nam. Giới hạn cực Nam lãnh thổ Trung Quốc còn được ghi nhận bằng vĩ độ trên một số bản đồ và sách giáo khoa biên soạn vào cuối đời Thanh. Hoàng triều nhất thống dư địa toàn đồ (1894), ghi rõ: “Cực Nam là Nhai Châu, phủ Quỳnh Châu , Quảng Đông, điểm Cực bắc (vĩ độ) 18o13”. Quảng Đông dư địa toàn đồ (1987) cũng ghi trong lời thuyết minh cương giới tỉnh này: “Cực Nam là mỏm núi phía ngoài cảng Du Lâm thuộc Nhai Châu, 18o09’10’’. Trung Quốc địa lý học giáo khoa thư (1906) viết trong phần “Tổng luận”: “phía Nam vĩ tuyến 18o13’ điểm tận cùng là bờ biển Nhai Châu, Phủ Quỳnh Châu.

Giờ đây, người ta còn tìm thấy những bản đồ có giá trị pháp lý tuyệt đối là Đại Thanh Nhất thống dư đồ được đo vẽ trên qui mô toàn quốc với sự chú dẫn của giáo sĩ Phương Tây, tiến hành trong 10 năm (1708-1718) theo chỉ dụ của vua Khang Hy (1662-1723) được vẽ bổ sung và hoàn chỉnh vào năm 1761 dưới thời vua Càn Long (1736-1796) với bút tích của vua Càn Long trên trang đầu của tập bản đồ. Bản đồ này cũng thể hiện điểm cực Nam lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam. Khâm Định Đại Thanh hội điển đồ, bản đồ Trung Quốc đời Thanh do Triều đình nhà Thanh biên soạn cũng chỉ vẽ đến đảo Hải Nam.

Đó là bằng chứng không thể chối cãi được về các quần đảo ở Biển Đông cũng chưa bao giờ thuộc lãnh thổ Trung Quốc.

Không có chủ quyền trong lịch sử, Trung Quốc không thể biện minh được việc làm của họ đối với “Tây Sa” và “Nam Sa” từ đầu thế kỷ 20 đến nay là hợp pháp.

III. Mưu đồ bành trướng xuống Biển Đông của Trung Quốc

Trước đây người Trung Quốc chỉ biết đến các đảo ven bờ, chưa bao giờ họ nghĩ đến việc có các quần đảo ở Biển Nam Trung Hoa.

Nhưng sự kiện một nhà buôn Nhật chiếm cứ đảo Pratas năm 1907 đã làm cho Trung Quốc thức tỉnh.

Thực ra, đây là một quần đảo mà Trung Quốc chưa bao giờ quản lý và cũng không có tên. Nhưng họ đã cố đòi lại với những bằng chứng không lấy gì làm rõ ràng và được chụp lên cái tên “Đông Sa” vốn là tên đảo ở phía Đông tỉnh Phúc Kiến mà người ta tìm thấy trên “Duyên hải toàn đồ” trong “Hải quốc văn kiến lục”. Sau vụ này, họ nghe nói còn có một quần đảo nữa ở ngoài khơi đảo Hải Nam, nếu không chiếm nước ngoài sẽ chiếm mất. Thế là hai phái đoàn quân sự lần lượt được phái ra quần đảo này tiến hành “khảo sát” vào tháng 3 và 5 năm 1909 với dự định đầu tư kinh doanh khai thác. Nhưng cuối cùng do có khó khăn, dự định khai thác không được thực hiện. Sau khi nhà Thanh sụp đổ cho đến năm 1921, nhà đương cục miền Nam Trung Quốc mới mưu tính việc thôn tính quần đảo này bằng một quyết định của Hội đồng hành chính chính phủ quân sự (Tôn Trung Sơn) ở Quảng Châu (đối lập với Chính phủ Bắc Kinh), sát nhập quần đảo này vào đảo Hải Nam.

Tiếp đó, một công ty (Hà Thụy Niên) ở Quảng Châu được ký hợp đồng đấu thầu khai thác phân chim. Công ty này đã tổ chức việc khai thác. Nhưng sau bị tố giác là liên kết với người Nhật, hợp đồng bị hủy bỏ.

Năm 1928, một cuộc điều tra khoa học quần đảo “Tây Sa” được tiến hành. Báo cáo điều tra cho biết quần đảo này đã không được ghi chép trong sử sách Trung Quốc.

Tuy nhiên, trên các bản đồ Trung Quốc do tư nhân vẽ, kể từ năm 1913, lần lượt xuất hiện “Đảo Đông Sa” rồi “Quần đảo Tây Sa”. Thậm chí có bản đồ còn ghi chú “Quần đảo Tây Sa” là “Điểm cực Nam” của lãnh thổ Trung Quốc.

Năm 1932, bác bỏ công hàm của Pháp khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Paracels (Tây Sa), Trung Quốc đã đưa ra 3 lý do như trên đề cập.

Năm 1933, Pháp “chiếm hữu” quần đảo Trường Sa, Trung Quốc phản ứng có mức độ, nhưng đã đặt quần đảo này vào kế hoạch thôn tính lâu dài của mình.

Năm 1935, lấy cớ “kiểm tra bản đồ thủy lục”, Trung Quốc đã cho xuất bản bản đồ các đảo Nam Hải “với việc công bố tên các đảo, đá bãi trên 4 quần đảo ở Biển Nam Trung Hoa: Đông Sa, Tây Sa, Nam Sa (1947 đổi là Trung Sa), Đoàn Sa (1947 đổi là Nam Sa).

Trong thời kỳ này, trên bản đồ Trung Quốc (tư nhân vẽ) cũng đã xuất hiện đường ranh giới bao quanh 9 quần đảo ở Biển Nam Trung Hoa.

Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ 2, cuối 1946 Trung Quốc cho quân ra chiếm đóng 2 đảo chính trên hai quần đảo “Tây Sa” và “Nam Sa”. Đầu 1947 công bố tên đảo, đá, bãi thuộc 4 quần đảo được sửa lại (1935 mới phiên âm hay dịch nghĩa tên là Phương tây) và “Bản đồ vị trí các đảo Nam Hải” với đường “biên giới” 10 đoạn. Địa danh “Nam Sa” được đổi là “Trung Sa”, “Đoàn Sa” được đổi là “Nam Sa”

Đến đây, Trung Hoa Dân Quốc hoàn thành tiến trình thôn tính Biển Đông trên bản đồ cũng như trên thực địa.

Qua đó thấy rõ, Trung Quốc đã thực hiện có bài bản mưu đồ thôn tính Biển Đông mà Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ngày nay là người kế tục. Song, cũng qua đó thấy rõ Trung Quốc rất lúng túng khi đưa ra đòi hỏi chủ quyền đối với các quần đảo ở Biển Đông, nhưng họ lại giỏi về bành trướng trên bản đồ rồi tiến ra bành trướng trên thực địa. Cũng vì vậy, ngày nay, nhà nghiên cứu chiến lược Trung Quốc Phan Thạch Anh coi đường 10 khúc Trung Hoa Dân Quốc vẽ năm 1947 làm đường “quốc giới” và vùng nước bên trong đường đó là “vùng nước lịch sử” của Trung Quốc.

Không chứng minh được có chủ quyền trong lịch sử, việc làm của Trung Quốc từ đầu thế kỷ 20 đến nay sẽ là bất hợp pháp, vô giá trị.

Biết rõ điều đó, nên người Trung Quốc ngày nay, quan chức cũng như học giả đều lãng tránh sự thật, xuyên tạc lịch sử để tạo dựng ra một mớ luận thuyết, một “trận đồ bát quái” về cái gọi là “các đảo Nam Hải từ xưa đến nay là lãnh thổ Trung Quốc” hòng đánh lừa dư luận, bào chữa cho hành động phi chính nghĩa của mình.

RELATED ARTICLES

Tin mới