Thursday, April 25, 2024
Trang chủBiển nóngThủ tướng Ấn Độ: Tham vọng quân sự ở châu Á gây...

Thủ tướng Ấn Độ: Tham vọng quân sự ở châu Á gây rủi ro an ninh

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho rằng tham vọng bành trướng quân sự ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang tạo ra những rủi ro an ninh.

Phát biểu trong một hội nghị an ninh tổ chức ngày 17.1 ở New Delhi, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói rằng tham vọng bành trướng quân sự ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang tạo ra những rủi ro an ninh. “Tham vọng và sự ganh đua đang gia tăng là những điểm căng thẳng có thể nhìn thấy hiện nay”, Reuters ngày 18.1 dẫn lời Thủ tướng Modi nói trong hội nghị với sự tham gia của các chính trị gia và tướng lĩnh quân đội từ 65 quốc gia.

Mặc dù diễn đạt bằng ngôn ngữ ngoại giao và không nhắc tới tên Trung Quốc, nhưng những phát biểu của ông Modi được cho là thông điệp gửi đến Bắc Kinh, đồng thời thể hiện chính sách đối ngoại của Ấn Độ là ủng hộ ý định của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, muốn kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực, theo Reuters.

Trong các tuyên bố của mình, ông Trump tỏ ý muốn xem xét lại chính sách “một Trung Quốc” mà Mỹ thừa nhận từ nhiều thập kỷ qua. Tổng thống đắc cử Trump đã lựa chọn cựu tổng giám đốc Exxon Mobil, ông Rex Tillerson cho vị trí Ngoại trưởng Mỹ. Vài tuần trước, ông Tillerson thể hiện quan điểm của mình đối với Trung Quốc khi nói rằng việc quân sự hoá các đảo nhân tạo xây dựng phi pháp ở Biển Đông là không thể chấp nhận được.

Thủ tướng Ấn Độ: Tham vọng quân sự ở châu Á gây rủi ro an ninh - ảnh 1

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ngày 17.1 ở Davos (Thụy Sĩ), Chủ tịch Trung Quốc khẳng định toàn cầu hóa luôn hiện diện và không nên đổ lỗi toàn cầu hóa gây ra nhiều vấn đề trên thế giới.

Cũng liên quan đến vấn đề này, India Today dẫn lời ông Modi cho biết: “Tôn trọng tự do hàng hải và chuẩn mực quốc tế là rất cần thiết cho hòa bình và sự phát triển trong vùng hàng hải liên kết Ấn Độ – Thái Bình Dương”.

Ông Modi kêu gọi xây dựng một kiến trúc an ninh dựa trên luật lệ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, kiến trúc này phải “cởi mở, minh bạch, cân bằng và toàn diện, thúc đẩy đối thoại và hành vi có thể dự đoán được bắt nguồn từ chuẩn mực quốc tế và tôn trọng chủ quyền”.

Điều này không chỉ phản ánh việc Ấn Độ quan ngại đối với vấn đề Biển Đông mà còn cả những lo sợ rằng Bắc Kinh đang kéo dài “chuỗi ngọc trai” ở Ấn Độ Dương, bằng cách xây dựng các cảng biển chiến lược ở các nước như Sri Lanka, Pakistan và Djibouti tại bờ biển phía đông châu Phi, theo Reuters.

Ông Modi cho biết Ấn Độ có lợi ích hàng hải “chiến lược và quan trọng” ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.  Ấn Độ là nước nhập khẩu dầu lớn thứ tư trên thế giới, và các tuyến đường hàng hải quan trọng Á – Âu và từ Trung Đông đến các nền kinh tế đang lên ở châu Á – Thái Bình Dương đều đi qua phía nam nước này.

Đối với Mỹ, Thủ tướng Ấn Độ nói rằng New Delhi tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác thương mại và an ninh. Ông Modi cũng cho biết trong cuộc trò chuyện với ôngTrump trước đó, hai bên đã đồng ý tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược, theo India Today.

RELATED ARTICLES

Tin mới