Wednesday, April 24, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTrung Quốc muốn ngồi "ghế trên" tại WEF Davos

Trung Quốc muốn ngồi “ghế trên” tại WEF Davos

Trong bài phát biểu hôm qua (17/1) tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đang diễn ra ở Davos, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thể hiện mong muốn của Bắc Kinh là đóng một vai trò lớn hơn trên trường quốc tế khi Mỹ quay lại chính sách “hướng nội”.

Theo Reuters, trong lần đầu tiên xuất hiện tại cuộc họp giữa các lãnh đạo chính trị, CEO và ngân hàng thế giới trên đỉnh Alps, Thụy Sỹ, ông Tập đã cảnh báo các nước khác khi theo đuổi lợi ích của quốc gia mình một cách mù quáng. Dù không trực tiếp nhắc đến Tổng thống đắc cử Donald Trump nhưng bài phát biểu của ông Tập là nhằm ám chỉ đến chính sách “Hoa Kỳ trên hết” của tỷ phú Trump.

Chủ tịch Trung Quốc so sánh chế độ bảo hộ giống như là “tự khóa mình trong một căn phòng tối” với hy vọng tránh được mọi nguy hiểm, nhưng theo ông Tập, làm như vậy là đã “tự cắt đi tất cả ánh sáng và không khí”.

“Không một ai là người chiến thắng trong cuộc chiến thương mại cả”, ông Tập nói trong bài phát biểu kéo dài một tiếng ở hội trường lớn với sự tham dự của Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Chủ tịch Trung Quốc cho hay Bắc Kinh sẽ không thúc đẩy cạnh tranh thương mại  bằng cách phá giá đồng tiền của mình, điều mà ông Trump đã cáo buộc Trung Quốc từng làm vậy trước đây, đồng thời yêu cầu tất cả các bên đã ký vào hiệp định chống biến đổi khí hậu ở Paris năm ngoái cần phải thực hiện đúng cam kết của mình.

Tổng thống đắc cử Donald Trump từng chỉ trích thỏa thuận này mà  cho biết ông có thể sẽ đưa Hoa Kỳ ra khỏi cam kết đó.

Tham vọng thay thế Mỹ?

Cho đến nay, ông Trump vẫn luôn cam kết sẽ tập trung vào những lợi ích của Hoa Kỳ trong khi châu Âu cũng đang “đắm chìm” trong những rắc rối của riêng mình, từ Brexit, tấn công khủng bố cho đến một loạt cuộc bầu cử trong năm nay hứa hẹn sẽ mang lại chiến thắng cho phe dân túy. Các sự kiện này đã để lại một khoảng trống mà Trung Quốc sẵn sàng để lấp đầy.

Gần 10 quan chức cấp cao của chính phủ Trung Quốc đã cùng với ông Tập sang tham dự Diễn đàn Davos năm nay, dù những năm trước đó Bắc Kinh cử rất ít quan chức tới dự. Rất nhiều phiên họp tại WEF năm nay là tập trung vào châu Á, trong đó có một chủ đề mang tên “Châu Á dẫn đầu”.

“Trong một thế giới đang chứa đầy sự bất ổn và không kiên định như hiện nay thì quốc tế đang hướng về Trung Quốc”, Chủ tịch và là người sáng lập WEF, Klaus Schwab, phát biểu trước khi mời ông Tập lên sân khấu.

Ông Tập bắt tay Chủ tịch và là người sáng lập WEF, Klaus Schwab. Nguồn: Reuters

Cựu Thủ tướng Thụy Sỹ, Carl Bildt phản hồi về bài phát biểu của ông Tập trên Twitter rằng: “Có một khoảng trống khi đề cập tới sự lãnh đạo kinh tế toàn cầu và ông Tập Cận Bình cho thấy ý định rõ ràng sẽ lấp đầy nó với một số thành công”.

Ian Bremmer, Chủ tịch của nhóm tư vấn rủi ro Eurasia Group, cũng viết trên Twitter rằng: “Phản ứng của Davos trước bài phát biểu của ông Tập là: Thành công thì luôn được tính đến. Bỏ xa tất cả các bài phát biểu chính thức trước đây của Trung Quốc”.

Trước khi ông Tập tham dự WEF, nội các Trung Quốc đã thông báo rằng sẽ giảm bớt các giới hạn về đầu tư ở lĩnh vực ngân hàng và các thể chế tài chính khác, tuy nhiên thông tin chi tiết vẫn chưa được tiết lộ và cả thời gian thực hiện vẫn chưa được công bố.

Bob Moritz, Chủ tịch toàn cầu của công ty kiểm toán PricewaterhouseCoopers, cho Reuters biết: “Tôi nghĩ rằng một câu hỏi lớn ở đây là Trung Quốc sẽ xoay trục ra thế giới như thế nào. Liệu họ sẽ thiên về khu vực hay toàn cầu trong suy nghĩ của mình, hay quan trọng hơn là trong các cuộc đàm phán? Đó là điều mà chúng ta sẽ quan sát trong 12 tháng tới đây”.

Sự xuất hiện của Chủ tịch Tập Cận Bình diễn ra đúng thời điểm căng thẳng leo thang giữa Bắc Kinh và ông Trump, người đã phá vỡ truyền thống hàng thập kỷ nay khi nhận điện thoại chúc mừng của lãnh đạo Đài Loan, khu vực mà Trung Quốc coi là một phần lãnh thổ của nước này.

Tuần trước, ông Trump cho biết chính sách “một Trung Quốc” của Hoa Kỳ sẽ được dùng để đàm phán, khiến chính quyền và truyền thông Bắc Kinh tỏ ra không hài lòng và đáp trả mạnh mẽ.

Một tiêu chuẩn mới

Trung Quốc, nước xuất khẩu hàng đầu thế giới, phụ thuộc rất nhiều vào tự do thương mại và có thể sẽ chịu một “đòn giáng” nặng nề bởi làn sóng bảo hộ công nghiệp trong nước và phản đối toàn cầu hóa. Trong bài phát biểu của mình, ông Tập thừa nhận sự toàn cầu hóa đã trở thành một “chiếc hộp Pandora”, làm lợi cho một số xã hội trong khi lại có hại cho những khu vực khác. “Đó là khoảng thời gian tuyệt vời nhất nhưng cũng là khoảng thời gian tồi tệ nhất”, ông Tập trích lại câu nói của nhà văn Charles Dickens.

Ông Tập và Tổng thống Thụy Sỹ Doris Leuthard. Nguồn: Reuters

Tuy nhiên, Chủ tịch Trung Quốc cho rằng không thể đổ lỗi cho toàn cầu hóa gây ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu mà theo ông, đó là do sự mưu cầu lợi nhuận thái quá và “cơn lũ” người tị nạn từ Trung Đông do xung đột ở Syria và những khu vực khác.

Năm ngoái, nhiều người lo ngại về việc Trung Quốc sẽ có một cú “hạ cánh” khó khăn trên thị trường toàn cầu. Những lo ngại đó năm nay đã giảm bớt phần nào, song Quỹ tiền tệ quốc tế IMF mới cảnh báo về các nguy cơ của nền kinh tế Trung Quốc, bao gồm sự phụ thuộc vào chi tiêu chính phủ, khoản cho vay của các ngân hàng nhà nước và một thị trường bất động sản “quá nóng”.

Tại WEF năm nay, ông Tập Cận Bình đã cố gắng gửi đi một thông điệp cho rằng nền kinh tế Trung Quốc đã đi theo một “tiêu chuẩn mới”. Bất chấp một nền kinh tế toàn cầu hết sức chậm chạp, kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng khoảng 6,7% trong năm 2016.

Tuy nhiên, một số nhà kinh tế ở Davos vẫn tỏ ra lo ngại. “Trung Quốc vẫn là một trong những nguy cơ lớn nhất và tôi nghĩ rằng lý do duy nhất Bắc Kinh không đứng đầu danh sách này là do Hoa Kỳ đã trở thành trung tâm của sự bất ổn”, Kenneth Rogoff, một nhà kinh tế học đến từ ĐH Havard nhận định.

RELATED ARTICLES

Tin mới