Saturday, April 20, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiDonald Trump sẽ lại bất lực trước tên lửa và hạt nhân...

Donald Trump sẽ lại bất lực trước tên lửa và hạt nhân Triều Tiên?

Sự phát triển nhanh chóng của lực lượng tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên đang trở thành bài toán khó đối với chính quyền tương lai của ông Trump. Nếu không thể ngăn chặn Bình Nhưỡng, Washington sẽ phải chung sống với mối đe dọa tiềm năng này.

Chia sẻ trên tạp chí The Diplomat, nhà nghiên cứu Sungtae Jacky Park thuộc Hội đồng các mối quan hệ quốc tế có trụ sở tại New York nhận định, chính quyền tương lai của Tổng thống đắc cử Donald Trump nên đưa Triều Tiên vào danh sách các mối quan tâm hàng đầu trong chính sách đối ngoại. Bởi trước đó, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã ra tuyên bố Triều Tiên đang bước vào giai đoạn cuối chuẩn bị cho một vụ phóng tên lửa đạn đạo (ICBM) mang theo đầu đạn hạt nhân, có tầm bắn vươn tới lãnh thổ Mỹ. Ngoài ra, trong năm 2016, Bình Nhưỡng cũng đã đạt được những thành công lớn sau 2 vụ thử hạt nhân và phóng thử hàng loạt tên lửa.

Đáng nói, ông Trump không phải là Tổng thống Mỹ đầu tiên đối mặt với mối đe dọa từ Triều Tiên. Trước đó, cả Tổng thống George H.W. Bush, Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama đã nỗ lực kiềm chế tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng song đều thất bại. 

Theo nhà nghiên cứu Park, có thể ông Trump sẽ không tiếp tục thi hành những chính sách đối phó với Triều Tiên như những người tiền nhiệm đã làm. Song trước khi nghĩ tới việc làm thay đổi thái độ của Bình Nhưỡng, chính quyền tương lai của ông Trump cần phải tìm ra câu trả lời cho 4 câu hỏi lớn sau:

Thứ nhất, Triều Tiên nằm ở vị trí nào trong danh sách các mối ưu tiên hàng đầu của chính quyền ông Trump? Nếu không phải được xếp ở vị trí số 1, liệu chính quyền ông Trump có kiên trì hay sẽ lơ là vấn đề Triều Tiên?

Cụ thể, sau sự kiện khủng bố 11/9, chính quyền của Tổng thống Bush đã dành sự tập trung lớn vào khu vực Trung Đông đặc biệt là Iraq, quốc gia không trang bị vũ khí hủy diệt hàng loạt. Còn chính quyền của Tổng thống Obama lại bị cuốn vào vòng xoáy sự kiện với Nga và Trung Đông. Mặc dù, trong 8 năm nhiệm kỳ, ông Obama nhiều lần tuyên bố chú trọng tới chính sách “trục châu Á”. Trong khi đó, giải quyết vấn đề Triều Tiên sẽ cần huy động sự chú tâm của cả Tổng thống lẫn giới chức cấp cao Mỹ. Vậy liệu chính quyền ông Trump có đủ khả năng tập trung tìm cách giải quyết các mối đe dọa từ Bình Nhưỡng?

Thứ hai, nếu Triều Tiên được xếp vào vị trí số 1 trong chính sách ưu tiên đối ngoại, liệu chính quyền của ông Trump có chấp nhận làm xấu thêm mối quan hệ với Trung Quốc? Bởi Bắc Kinh lâu nay được xem là đối tác kinh tế chính của Bình Nhưỡng. Trong khi đó, các lệnh trừng phạt áp đặt với Triều Tiên sẽ không thể phát huy tác dụng nếu thiếu sức ép từ Trung Quốc. Trên thực tế, Trung Quốc sẽ không bao giờ làm như vậy. Bởi việc Triều Tiên lâm vào khủng hoảng hay sụp đổ sẽ đều ảnh hưởng tới an ninh của Trung Quốc.

Lực lượng hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên được xem là mối đe dọa tiềm năng với Mỹ. 

Do đó, cách duy nhất để ngăn tham vọng của Triều Tiên là áp đặt lệnh trừng phạt với từng cá nhân, từng cơ quan và có thể là một lĩnh vực kinh tế, vốn có mối quan hệ làm ăn với Bình Nhưỡng. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của Trung Quốc. Vậy chính quyền của ông Trump có sẵn lòng đẩy quan hệ Mỹ – Trung xuống tầng thấp nhằm kiềm chế Triều Tiên?

Thứ ba, liệu chính quyền ông Trump sẽ sử dụng vũ lực để tiêu diệt hay ít nhất là hạ thấp năng lực hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên? Liệu chính quyền ông Trump có sẵn lòng chung sống với Triều Tiên, quốc gia có thể sắp sở hữu tên lửa đạn đạo với tầm bắn vươn tới lãnh thổ Mỹ? Song nếu không dùng vũ lực, Bình Nhưỡng sẽ mãi là mối đe dọa thường trực với Mỹ. Tuy nhiên, hành động sử dụng vũ lực để đối phó với Triều Tiên chỉ được xem là phương án cuối cùng. Bởi Mỹ còn cần tính tới khả năng Trung Quốc sẽ có phản ứng đáp trả một khi Mỹ tấn công Triều Tiên. 

Cuối cùng, liệu chính quyền của ông Trump có sẵn sàng cử một phái đoàn đặc biệt tới gặp gỡ và đối thoại với nhà lãnh đạo Kim Jong-un mà không đưa ra bất cứ điều kiện gì? Tuy nhiên, ý tưởng tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp lại dường như vô dụng. Trong khi các nước trong khu vực sẽ bày tỏ mối quan ngại trước cuộc đối thoại giữa Washington và Bình Nhưỡng. Còn việc đối thoại thông qua các kênh mở hoặc với giới chức Triều Tiên cũng không mấy tác dụng bởi họ không có khả năng làm thay đổi tư tưởng của nhà lãnh đạo. Do đó, cách duy nhất là Mỹ điều một phái đoàn đủ uy tín để thuyết phục cá nhân ông Kim ngồi vào bàn đàm phán. 

Theo ông Park, để trả lời được 4 câu hỏi trên, chính quyền của ông Trump buộc phải chấp nhận thực tế làm xấu đi mối quan hệ giữa Mỹ và một số quốc gia khác trong đó có những đối tác quan trọng như Trung Quốc. Tổng thống đắc cử Donald Trump còn phải tính tới cái được và mất trên bán đảo Triều Tiên khi sử dụng vũ lực để kiềm chế tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng. Còn nếu không thể cân bằng việc duy trì quan hệ ngoại giao với các nước liên quan tới Triều Tiên, Bình Nhưỡng sẽ trở thành mối đe dọa ngày càng lớn đối với Mỹ và các đồng minh trong khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới