Friday, March 29, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiÔng Trump gánh nợ 20.000 tỷ USD: Chiêu bài của TQ

Ông Trump gánh nợ 20.000 tỷ USD: Chiêu bài của TQ

PGS.TS Nguyễn Tiến Thuận khẳng định, Mỹ và chính quyền ông Donald Trump không quá khó khăn để vượt qua khoản nợ lên tới 20.000 tỷ USD.

Xảy ra thường xuyên

Tờ The Washington Times của Mỹ mới đây cho biết, hiện nay Mỹ đang là con nợ lớn nhất thế giới. Theo đó, tổng số nợ của chính quyền Liên bang Hoa Kỳ dưới thời tổng thống Obama đã lên tới con số kỷ lục 20.000 tỷ USD, tương đương gần 105% GDP của Hoa Kỳ. Đây là số nợ mà chính quyền tổng thống mới đắc cử Donald Trump sẽ phải giải quyết hậu lễ nhậm chức.

Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Tiến Thuận, Trưởng Khoa Tài chính Quốc tế, Học viện Tài chính khẳng định đây là vấn đề nước Mỹ thường xuyên gặp phải trong thời gian qua.

Theo PGS.TS Thuận, bất cứ một quốc gia nào có số nợ hơn 100%  GDP thì tính theo quy định của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) hay Ngân hàng thế giới (WB) đều vượt qua mức an toàn.

Tuy nhiên với Chính phủ Mỹ và cá nhân tổng thống mới đắc cử Donald Trump dù khoản nợ này sẽ có thêm những áp lực mới nhưng Hoa Kỳ sẽ có những biện pháp phù hợp để vượt qua.

“Tôi cho rằng Mỹ không sợ việc này vì thứ nhất, đồng tiền Mỹ là đồng tiền quốc tế nên khi phát hành trái phiếu Chính phủ của Mỹ ra thị trường quốc tế thì có thể giải quyết ngay được vấn đề, từ đó nợ sẽ giảm xuống.

Thứ hai là bản thân nước Mỹ vẫn còn rất khỏe. Thực tế tình trạng nợ của Hoa Kỳ không phải đến bây giờ mới được nhắc đến. Các đời tổng thống trước như Clinton hay Bush các khoản nợ đều vượt qua mức cho phép của IMF và WB nhưng họ vẫn giải quyết được. Bản thân ông Obama khi nhậm chức sau thời ông Bush thì số nợ của nước Mỹ cũng không hề nhỏ.

Thậm chí mấy năm trước, Mỹ còn tuyên bố ngân sách hết và cho chính quyền một số nơi nghỉ hoạt động. Tuy nhiên sau đó Mỹ đã giải quyết được.

Lần này cũng vậy, tôi nghĩ chắc chắn nước Mỹ sẽ giải quyết được khó khăn từ vấn đề nợ công”, PGS.TS Thuận nhấn mạnh.

Vị chuyên gia cũng nhắc lại thống kê, trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Barack Obama, tổng nợ quốc gia Mỹ đã tăng gần gấp đôi, lên thêm 8 nghìn tỷ USD, chỉ trong vòng 7 năm. Mức tăng nợ kỷ lục tương tự trước đây cũng đã diễn ra dưới thời cựu tổng thống George W. Bush.

PGS.TS Thuận khẳng định khi Mỹ không đưa ra các con số, thống kê cụ thể thì rất khó để xác định xem cơ cấu nợ dưới thời ông Obama hay các tổng thống về trước xuất phát từ đâu.

“Việc này có nhiều nguyên nhân, tuy nhiên nước Mỹ dưới sự cầm quyền của ông Obama có thể bắt nguồn từ chính sách Obamacare, tức là chính sách bảo hiểm cho người nghèo. Điều này dẫn đến phình lên 1 phần phúc lợi và ảnh hưởng trực tiếp vào khoản nợ của nước Mỹ. Trước đây ông Donald Trump đã nhăm nhe bỏ chính sách này. Nếu quyết định trên được thực thi thì sẽ giảm bớt được khá nhiều khoản nợ của Chính phủ”, ông Thuận nhấn mạnh.

Trưởng Khoa Tài chính Quốc tế, Học viện Tài chính chia sẻ hiện nay rất khó có thể đoán biết được vị tỷ phú người Mỹ sẽ áp dụng những biện pháp gì để đối phó với các thách thức cũng như vực dậy nền kinh tế Hoa Kỳ. Tuy nhiên những tín hiệu gần đây của ông Trump cho thấy, tổng thống đắc cử sẽ tìm cách bãi bỏ chính sách Obamacare hay kêu gọi các doanh nghiệp trong nước đầu tư tại Mỹ để tạo thêm công ăn việc làm cho người dân.

“Nước Mỹ nhiều lần còn rơi vào tình thế khó khăn hơn nhưng vẫn giải quyết tốt mọi vấn đề. Theo phán đoán của tôi, đưa ra thông tin vào thời điểm này chỉ là trò giữa 2 phe Dân chủ và Cộng hòa nhằm tạo những áp lực để hạ thấp uy tín của bên kia và củng cố vị thế của mình”, ông Thuận đánh giá.

Sức ép từ Trung Quốc, Nhật Bản không lớn

Tiếp tục phân tích, PGS.TS Nguyễn Tiến Thuận lưu ý đến 2 chủ nợ lớn nhất của Mỹ hiện nay là Trung Quốc và Nhật Bản. Tính chung, cả Trung Quốc và Nhật Bản chiếm khoảng 37% lượng nợ Mỹ do các chủ nợ nước ngoài nắm giữ.

Theo vị chuyên gia, Trung Quốc và Nhật Bản chắc chắn sẽ tìm cách để gây khó khăn và áp lực thêm cho Mỹ trong vấn đề nợ công.

“2 nước trên sẽ sử dụng những biện pháp để gây sức ép đối với chính quyền của ông Donald Trump. Đặc biệt là Trung Quốc. Họ sẽ đánh thẳng vào trung tâm nước Mỹ để thâu tóm các công ty, tập đoàn của nước Mỹ

Nhật Bản trước đây cũng thực hiện như vậy nhưng sau này khả năng gây ảnh hưởng của Nhật Bản không bằng với Trung Quốc nên có những bước đi khác hơn một chút.

Đối với Trung Quốc, họ sẽ nhân cơ hội này bỏ tiền ra mua các Tập đoàn của Mỹ, mua cổ phiếu, cổ phần lớn đủ chi phối. Khi đó các chính sách kinh tế của nước Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng bởi những Tập đoàn đó. Những tập đoàn lớn của Mỹ như General Motors, Ford  và 1 số tập đoàn mới nổi của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Trung Quốc sẽ đầu tư tiền để mua từng bước, từng bước một và sẽ nắm giữ cổ phiếu để tăng lên, ảnh hưởng đến Chính phủ”, ông Thuận nhấn mạnh.

Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu, PGS.TS Thuận khẳng định, Trung Quốc khó có thể yêu cầu Mỹ trả nợ nhanh và dùng cách này để ép chính quyền của tổng thống đắc cử Donald Trump.

“Trái phiếu Chính phủ mà Mỹ phát hành bằng USD để bán cho Chính phủ Trung Quốc thực ra không phải quá lớn. Chủ yếu tỷ phú Trung Quốc bỏ tiền mua cổ phiếu của các Tập đoàn Mỹ rồi nắm quyền chi phối”, ông Thuận nói.

Ông Trump phải thay đổi

Dù nhiều người khá bi quan với tín hiệu xấu của nền kinh tế Mỹ, tuy nhiên cá nhân ông Donald Trump vẫn khá lạc quan. Trong một tuyên bố mới đây, ông Trump khẳng định, Mỹ sẽ chẳng bao giờ vỡ nợ, vì nước này có thể đơn giản là đi “in tiền”.

Thậm chí trong một kế hoạch kinh tế mới đây, ông Trump tuyên bố sẽ dành 1.000 tỉ USD chi tiêu cơ sở hạ tầng và 5.000 tỉ USD cắt giảm thuế. Việc này có thể bơm thêm vào nợ Mỹ từ 5.300 tỉ USD đến 11.500 tỉ USD.

Nhìn nhận về những tuyên bố của ông Donald Trump, PGS.TS Nguyễn Tiến Thuận khẳng định cần phải xem xét thật kỹ lưỡng và có đánh giá cụ thể chứ không nên dựa vào những lời nói của tổng thống mới đắc cử.

“Tuyên bố của ông Donald Trump ban đầu rất mạnh mẽ nhưng tôi nghĩ khi điều hành ông ấy không dám làm như thế. Ví dụ ông Trump tuyên bố xây bức tường biên giới với Mexico nhưng chắc chắn không dám xây vì bản thân Mỹ cũng sẽ bị thiệt. Hay như ông Trump nói rút ra khỏi TPP nhưng chắc chắn không thể xảy ra điều đó vì nước Mỹ đều có lợi. Có điều ông Trump tuyên bố như vậy để sau này dùng sức ép đó đàm phán lại 1 số điều khoản trong TPP để có lợi cho nước Mỹ”, ông Thuận nhấn mạnh.

Đánh giá thêm về kế hoạch in tiền của vị tỷ phú người Mỹ, Trưởng Khoa Tài chính Quốc tế, Học viện Tài chính khẳng định, điều này không thể xảy ra vì luật lệ của nước Mỹ rất khác so với Việt Nam hay nhiều quốc gia trên thế giới.

“Ông Donald Trump không thể in tiền được vì điều hành đồng tiền không thuộc về tổng thống Mỹ và chính quyền Mỹ mà thuộc về các cơ quan, tổ chức độc lập với chính phủ.

Hiện nay nhiều nước trên thế giới và cả Việt Nam cũng vậy khi muốn kích thích kinh tế  thì nhà nước sẽ yêu cầu ngân hàng rót ra bao nhiêu tiền hoặc nếu nền kinh tế khủng hoảng thì sẽ sử dụng những biện pháp để hỗ trợ. Tuy nhiên riêng với nước Mỹ, tổng thống Mỹ không thể làm điều đó. Kể cả Hạ viện, Thượng viện Mỹ chỉ được thông qua chính sách nếu các cơ quan, tổ chức về tài chính thông qua”, ông Thuận phân tích. 

Tuy nhiên dưới góc độ một chuyên gi kinh tế, ông Thuận khẳng định, các khoản vay nợ bằng đồng USD giúp Mỹ đảm bảo được quyền chủ động dù đang là con nợ lớn nhất của thế giới.

“Mỹ sẽ chủ động vì đây là đồng tiền của họ. Cho nên các chính sách để giữ sức mua đồng tiền cũng là của họ. Bao giờ Hoa Kỳ cũng phải đưa ra những chính sách có lợi cho họ và sẽ chủ động được”, ông Thuận chia sẻ thêm.

RELATED ARTICLES

Tin mới