Friday, March 29, 2024
Trang chủBiển nóngLiệu Mỹ có phong tỏa TQ ở Biển Đông?

Liệu Mỹ có phong tỏa TQ ở Biển Đông?

Đừng hoảng sợ, hãy để Rex Tillerson làm công việc của mình, thương lượng từ vị thế của sức mạnh.

Ông Rex Tillerson được Tổng thống Donald Trump lựa chọn làm Ngoại trưởng Hoa Kỳ có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc ở Biển Đông

VOA News bản tiếng Trung Quốc ngày 25/1 cho biết, rất nhiều người tin rằng thương mại mới là lĩnh vực số một khiến quan hệ Trung – Mỹ căng thẳng leo thang dưới thời tân Tổng thống Donald Trump.

Trong quá trình tranh cử, vị tỉ phú này không ngừng nói về Trung Quốc và việc làm, cam kết sẽ đưa Bắc Kinh vào đối tượng thao túng tiền tệ và phải bị trừng phạt bằng thuế quan với những hành vi gian lận.

Nhưng ngày Trump nhậm chức, điểm nóng trong quan hệ Trung – Mỹ lại là Biển Đông vì những yêu sách bành trướng và hoạt động quân sự hóa mà Trung Quốc tiến hành ở vùng biển này. 

Cả ông Trump, Ngoại trưởng Rex Tillerson lẫn Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer đều tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ tân Tổng thống Mỹ chuẩn bị như thế nào, sẵn sàng đẩy vấn đề Biển Đông lên mức độ nào.

Trong những phát ngôn ấn tượng của tân Chính phủ Hoa Kỳ về Biển Đông, nổi bật nhất là ông Rex Tillerson tuyên bố trước Thượng viện 2 điểm: Một, Mỹ phải ngăn Trung Quốc ngừng các hoạt động xây dựng ngoài đảo nhân tạo; hai là ngăn chặn Trung Quốc truy cập các đảo này.

Đằng Kiến Quần, Viện trưởng Viện Nghiên cứu các vấn đề Hoa Kỳ thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc bình luận: “Mỹ không thể phái chiến hạm phong tỏa đảo nhân tạo. Như thế là tuyên chiến”.

Ông tin là Bắc Kinh và Washington sẽ tìm được khả năng thỏa hiệp ở Biển Đông. Có điều đến bây giờ Trung Nam Hải vẫn không biết chắc, liệu Donald Trump sẽ hành động như thế nào trên Biển Đông.

Tôn Vận, một nghiên cứu viên người Trung Quốc tại Dự án Đông Á của Trung tâm Stimson, Hoa Kỳ nhận định:

“Hãy đặt giả thiết, nếu thực sự họ cho Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương bao vây phong tỏa Trung Quốc, hoặc ngăn chặn chiến hạm và chiến đấu cơ Trung Quốc tiếp cận khu vực này, hoặc đổ bộ lên đảo nhân tạo, thì sẽ là hành động đối đầu vô cùng.

Nhưng Mỹ có muốn làm như vậy không? Giới phân tích Trung Quốc đang đau đầu vì câu hỏi này”.

Nhà báo Anders Corr ngày 25/1 bình luận trên Forbes, theo The Wall Street Journal thì “các chuyên gia Trung Quốc và phương Tây nói, một cuộc phong tỏa của Mỹ ở Biển Đông quanh đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp, sẽ là một hành động chiến tranh”.

Còn tờ The New York Times dẫn nguồn “chuyên gia hải quân Mỹ giấu tên cho rằng, phong tỏa Trung Quốc ở Biển Đông là hành động tương đương với chiến tranh”.

Tuy nhiên khả năng này không phải hoàn toàn là lựa chọn tốt nhất, mà là một chiến thuật gây hoang mang nhằm vào Trung Quốc. 

Truyền thông Mỹ đang thổi phồng nỗi sợ chiến tranh, một phần vì muốn thu hút người đọc để tăng doanh thu, trong khi đó báo chí Trung Quốc lại cổ vũ đàm phán và coi phần đúng thuộc về mình.

Nỗi sợ hãi chiến tranh trong chính trị Hoa Kỳ có thể biến thành các áp lực chính trị từ dư luận buộc chính quyền phải nhượng bộ trong các tranh chấp quốc tế với một đối thủ “độc đoán chuyên nghiệp”.

Theo ông, nếu coi hành động phong tỏa đảo nhân tạo là “chiến tranh”, thì việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông có phải hành động “tương đương với chiến tranh” hay không?

Việc họ chống Phán quyết Trọng tài có khác gì “chiến tranh” (với luật pháp và công lý quốc tế)?

Anders Corr cho hay, trọng tâm của truyền thông phương Tây là làm nổi bật nỗi sợ chiến tranh và thúc đẩy cái gọi là “tính hợp lý” của Trung Quốc. The Wall Street Journal kết thúc một bài báo với quan điểm đáng ngại:

“Trong khi vẫn chưa rõ chính quyền Donald Trump có thực hiện những gì họ nói, bình luận của ông Spicer đe dọa nghiêm trọng đến quan hệ Trung – Mỹ, Chu Phong – một chuyên gia về Biển Đông tại Đại học Nam Kinh cho biết.

“Đó là một mối quan tâm rất quan trọng. Đối với chính quyền Trump bất ngờ đập bàn và nói: không, không thể, các anh không thể đến đó, tôi nghĩ rằng đó là điều thiếu tế nhị.

Trung Quốc không có khả năng quay trở lại, bất kể áp lực dồn lên họ lớn đến cỡ nào”, Chu Phong nói”.

Anders Corr bình luận: ngay cả China Daily cũng không thể làm tốt hơn The Wall Street Journal trong bài này về việc “trình bày thông điệp chiến lược của Trung Quốc”.

Mỹ có nhiều năm cảnh báo và chống lại các hành động bồi lấp đảo nhân tạo trái phép, quân sự hóa Biển Đông mà Trung Quốc tiến hành. Trump có ý tưởng gia tăng áp lực quân sự ngăn chặn Trung Quốc tiếp tục làm việc này không có gì là bất ngờ, đâu phải chuyện gì lạ.

Vai trò “cảnh sát tốt bụng” của ông Obama đã không hiệu quả, và khu vực cần một Cảnh sát trưởng mới. Thương lượng mà lại nhu nhược chính xác là những gì đẩy Mỹ vào trạng thái rắc rối ở Biển Đông.

Theo Anders Corr, Mỹ nên “bóp chết cuộc xâm lược của Trung Quốc chiếm đá Vành Khăn năm 1995”. Khi đối mặt với thủ đoạn tằm ăn dâu của người Trung Quốc, Hoa Kỳ phải cứng rắn. Ông kết luận:

“Nếu chúng ta may mắn, Trump sẽ đặt áp lực và sự cứng rắn cần thiết vào chính sách ngoại giao của Mỹ ở Đông Nam Á.

Nhiều nhà ngoại giao ở Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Brunei mong muốn điều này, nhưng họ im lặng vì sợ vấp phải phản ứng từ Trung Quốc.

Sức mạnh Mỹ cung cấp cho chúng ta khả năng công khai đàm phán những gì mình cho là đúng.

Nên nhớ, nhà ngoại giao Rex Tillerson chứ không phải Bộ trưởng Quốc phòng cứng rắn Mattis, đến nay là người phát biểu cứng rắn nhất về Biển Đông.

Đừng hoảng sợ, hãy để Rex Tillerson làm công việc của mình, thương lượng từ vị thế của sức mạnh”. 

RELATED ARTICLES

Tin mới