Thursday, March 28, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnSau cuộc điện đàm "tồi tệ nhất" của Trump, John McCain gọi...

Sau cuộc điện đàm “tồi tệ nhất” của Trump, John McCain gọi cho Đại sứ Úc để xoa dịu

Thượng nghị sỹ John McCain phải gọi điện cho đại sứ Úc tại Mỹ để “làm lành” với đồng minh thân cận.

Sau khi xuất hiện những thông tin về “cuộc điện đàm tồi tệ” giữa Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Úc Malcom Turnbull, thượng nghị sĩ John McCain đã phải có hành động ngay để “làm lành” với đồng minh lâu năm của Mỹ.

Trong cuộc điện đàm, Trump đã gọi một thỏa thuận về nhập cư giữa Mỹ và Úc – ký từ thời ông Obama – là “vớ vẩn” và thề sẽ xem xét lại. Theo thỏa thuận đó, Mỹ cho phép nhập cư hơn 1.000 người tị nạn Hồi giáo mà Úc không chấp nhận cho nhập cảnh.

Theo thông tin từ Washington Post, The Guardian và hàng loạt báo lớn ở phương Tây, trong cuộc điện đàm, Trump đã nói với Thủ tướng Úc rằng “Đây là cuộc gọi tồi tệ nhất cho đến giờ”. Cuộc điện đàm của Trump và thủ tướng Úc chỉ diễn ra trong 25 phút thay vì một tiếng theo dự kiến.

Để xoa dịu đồng minh thân cận, thượng nghị sỹ Cộng hòa John McCain – người thường xuyên chỉ trích Trump – đã gọi điện cho Đại sứ Úc tại Mỹ, ông Joe Hockey. Trong cuộc điện thoại, vị thượng nghị sỹ bang Arizona nhấn mạnh: “Úc là một trong những người bạn lâu đời nhất và đồng minh tin cậy nhất của  Mỹ”.

Ngoài điện đàm, ông McCain cũng ra một tuyên bố, trong đó viết rõ:

“Chúng ta [Mỹ và Úc] gắn kết với nhau bởi những mối quan hệ gia đình và bằng hữu, bởi những lợi ích chung, những giá trị chung, và chúng ta cũng chia sẻ những hy sinh trong chiến tranh. Với tinh thần đó, tôi đã gọi điện cho Đại sứ Úc tại Mỹ vào buổi sáng hôm nay để bày tỏ sự ủng hộ vững chắc của tôi cho liên minh Mỹ – Úc.

Tôi đã đề nghị ngài Đại sứ truyền tải thông điệp tới người dân Úc rằng những người anh em Mỹ rất coi trọng giá trị của liên minh lịch sử này, tôn vinh sự hy sinh của những người Úc – những người đã và đang chiến đấu bên cạnh chúng tôi…”

Trao đổi với các phóng viên, ông McCain cho rằng Mỹ và Úc có nhiều vấn đề khác cần quan tâm hơn ngoài thỏa thuận về người tị nạn đó (vốn đã ký xong xuôi).

“Việc xảy ra bất đồng về một vấn đề không quan trọng, theo quan điểm của tôi, là không cần thiết và nói thẳng thắn thì là có hại. Điều quan trọng là sự hợp tác Mỹ- Úc, bao gồm việc đào tạo lực lượng hải quân và các lĩnh vực khác trong hợp tác quân sự và tình báo”, ông McCain nói.

Về phía Úc, Thủ tướng Turnbull ngày 2/2 khẳng định rằng thỏa thuận về người tị nạn với Mỹ vẫn có hiệu lực, nhưng ông từ chối bình luận vê cuộc điện đàm với Trump.

“Sẽ tốt hơn nếu những nội dung này, những cuộc đàm thoại này, được tiến hành một cách thẳng thắn và riêng tư”, Thủ tướng Úc nói.

Trong cuộc phỏng vấn với kênh phát thanh 2GB ở Sydney, Thủ tướng Turnbull đã phủ nhận việc Trump cúp máy một cách tức giận. Ông Turnbull cho biết cuộc điện đàm đã kết thúc “một cách lịch sự”.

Trump sau đó cũng trả lời báo chí rằng khi ông, khi điện đàm với Thủ tướng Turnbull, chỉ đơn giản là đang nhận xét một thỏa thuận đã được ký kết, một “sự đã rồi”

RELATED ARTICLES

Tin mới