Saturday, September 7, 2024
Trang chủGóc khuất Trung HoaLịch sử đẫm máu của ĐCSTQ dưới thời Mao – Đặng –...

Lịch sử đẫm máu của ĐCSTQ dưới thời Mao – Đặng – Giang

Học sinh Trung Quốc thường được dạy rằng màu đỏ trên quốc kỳ nước họ tượng trưng cho máu của những anh hùng liệt sĩ, nhưng nói cho đúng thì nó là máu của hàng chục nghìn người chết dưới tay chính quyền cộng sản Trung Quốc…

 

Mao Trạch Đông – Đặng Tiểu Bình – Giang Trạch Dân. (Ảnh: Internet)

Theo cuốn “Sách đen Chủ nghĩa Cộng sản” (Black Book of Communism) – văn bản học thuật kinh điển mô tả việc giết chóc của chủ nghĩa cộng sản, chính quyền Trung Quốc là chính quyền tàn sát nhiều nhất trong số các nhà cầm quyền độc tài cộng sản, với khoảng 65 triệu người chết. Trong khi đó, Liên Xô cũ giữ vị trí thứ hai ở khoảng cách khá xa với 20 triệu người.

Phần lớn nạn nhân bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sát hại đều thuộc về khoảng thời gian diễn ra các chiến dịch chính trị và kinh tế do Mao Trạch Đông khởi xướng. Đặng Tiểu Bình, người kế nhiệm của Mao, chính là người đứng sau cuộc thảm sát đẫm máu hàng nghìn sinh viên và công dân đòi dân chủ tại quảng trường Thiên An Môn.

Việc giết người vẫn tiếp diễn ngay cả khi Trung Quốc đã hòa nhập vào cộng đồng quốc tế. Theo đó, chiến dịch giết người quy mô lớn và kéo dài cho đến tận thời điểm hiện nay, cuộc bức hại Pháp Luân Công, chỉ được phơi bày khi nó chính thức kết thúc. Lãnh đạo Giang Trạch Dân là người phát động chiến dịch này vào năm 1999. Theo số liệu thu thập được, hàng nghìn người đã bị giết bởi tra tấn và bức hại. Các nhà điều tra về hoạt động mổ cắp nội tạng ước tính, đã có hàng trăm nghìn tù nhân lương tâm mà chủ yếu là học viên Pháp Luân Công bị giết để mổ lấy tạng tính từ năm 2000 cho đến nay.

Mao, Đặng và Giang đã thực hiện các chiến dịch giết người này theo chu kì thời gian nhất định, tất cả đều để phục vụ cho quyền lực của Đảng.

Chủ tịch Mao Trạch Đông

Mao Trạch Đông từng nói rõ, cuộc cách mạng này sẽ không kết thúc ngay cả khi chủ nghĩa cộng sản đã giành được chính quyền từ tay Quốc Dân đảng vào Tháng 10/1949.

“Sau khi kẻ thù vũ trang của chúng ta bị nghiền nát, chúng ta vẫn còn có kẻ thù không vũ trang … Nếu không nghĩ đến điều này ngay vào những thời điểm như thế này, chúng ta sẽ mắc phải sai lầm nghiêm trọng nhất”, Mao Trạch Đông phát biểu tại buổi họp quan trọng của Đảng vào Tháng 3/1949.

Người dân Trung Quốc chính là đối tượng bị nhắm đến trong các cuộc đấu tranh bất tận của ĐCSTQ.

Tầng lớp xã hội mà Mao xem như kẻ thù chính là địa chủ, trí thức và “tẩu tư phái”, tức những người có xu hướng tư bản, người ủng hộ chủ nghĩa dân tộc và cả cốt cán của Đảng bị dán nhãn “phản cách mạng”. Một số sẽ bị lăng nhục và bêu rếu trong các phiên đấu tố. Số khác bị đội mũ lừa sắt, bị đánh đập và bức hại bởi chính đồng nghiệp của họ.

Mao nổi tiếng với việc đưa ra “chỉ tiêu giết người” trong các chiến dịch chính trị của mình. Cụ thể, ông ta tuyên bố rằng 10% cốt cán của Đảng thuộc “cánh hữu” đang cố phá hoại chính quyền. Theo đó, con số này trở thành mục tiêu hướng đến, số lượng cốt cán bị bắt giữ được xem là đủ khi “chỉ tiêu” được hoàn thành.

Mao triển khai chiến dịch Đại Nhảy Vọt vào năm 1959 nhằm “vượt mặt Vương quốc Anh” trong 15 năm. Thay vì mở ra một kỷ nguyên thịnh vượng, việc tập thể hóa và công nghiệp hóa quy mô lớn dẫn đến mùa màng thất bát, nạn đói hoành hành. Các học giả ước định số người chết trong thời kì này vào khoảng 30 đến 40 triệu.

Đại Nhảy Vọt còn đẩy người Trung Quốc vào tình cảnh cực kì bi đát. Tại Lưu Dương thuộc tỉnh Hồ Nam, 300 đàn ông và đàn bà cởi trần làm việc dưới trời tuyết, khiến 1/7 số đó thiệt mạng. Người ta còn bị cưỡng bức lao động thời gian dài trên đồng mà không được cho ăn. Để tồn tại, họ phải đào rễ cây, ăn dây da, thậm chí có trường hợp ăn cả xác chết.

“Lịch sử sẽ phán xét anh và tôi”, lời của Lưu Thiếu Kỳ, lãnh đạo cấp cao, dành cho Mao Trạch Đông vào Tháng 7/1962. “Thậm chí việc ăn thịt người cũng sẽ được sử sách ghi lại”.

Mao đã mang ác cảm với Lưu sau những lời chỉ trích trong thời Đại Nhảy Vọt. Lưu Thiếu Kỳ bị bắt sau 1 năm diễn ra Cách Mạng Văn hóa (1966 – 1977), chiến dịch chính trị nhằm vào việc khôi phục thanh danh đã bị tổn hại của Mao, đồng thời hủy diệt văn hóa và giá trị truyền thống của Trung Quốc.

Lưu bị đánh đập trong các cuộc đấu tố và không được điều trị y tế dù mắc chứng tiểu đường và viêm phổi. Về sau, Giang Thanh, người vợ thứ ham mê quyền lực của Mao, cho phép chữa bệnh cho ông Lưu, nhưng mục đích là để ông được sống và làm con tốt thí chính trị trong cuộc họp quan trọng của Đảng vào năm 1969. Một tháng sau cuộc họp năm 1969, Lưu Thiếu Kỳ chết trong bệnh tật và nỗi khốn cùng trên chiếc giường cô độc ở phòng cách ly.

“Hai mươi năm hòa bình”

Đặng Tiểu Bình bắt buộc phải đảo ngược các chính sách phá hoại kinh tế của Mao Trạch Đông bằng cách thúc đẩy “cải cách và mở cửa”. Tuy nhiên, những cải cách này đã cho thấy quyền thống trị của ĐCSTQ là bất khả xâm phạm, điều mà sinh viên Trung Quốc và thế giới được nếm trải trong sự kiện ngày 4/6/1989.

Sinh viên khắp Trung Quốc tập trung tại quảng trường Thiên An Môn vào ngày 17/4 để tưởng niệm cái chết của Hồ Diệu Bang, cựu lãnh đạo Đảng có tư tưởng cải cách. Người tham gia có lúc lên đến hàng triệu, họ yêu cầu minh bạch hoạt động quản lý của chính phủ, đòi tự do ngôn luận và báo chí, tăng cường thể chế dân chủ. Phong trào thu hút sự chú ý của thế giới bởi khi đó các phóng viên phương Tây đang có mặt tại Bắc Kinh cho chuyến thăm của lãnh đạo Liên Xô cũ là Mikhail Gorbachev.

Lãnh đạo khi đó là Triệu Tử Dương rất đồng cảm với những nguyện vọng của nhóm sinh viên, ông cũng ưng thuận lời kêu gọi kiểm soát chặt chẽ hơn nạn quan liêu tham nhũng. Tuy nhiên, đối với lãnh đạo tối cao Đặng Tiểu Bình và các quan chức kì cựu khác, không gì quan trọng hơn khi sự tồn vong của chính quyền Trung Quốc đang lâm nguy.

Khuya 3/6 và rạng sáng 4/6, lực lượng quân đội Giải phóng Nhân dân tiến vào thành phố, khai hỏa nhắm vào sinh viên. Phóng viên Mỹ Scott Savitt từng tận mắt chứng kiến từng làn đạn phát ra từ quân đội hướng vào đám đông sinh viên. Trong cuốn sách năm 2016, “Đụng độ ĐCS: Một phóng viên Mỹ tại Trung Quốc” (Crashing the Party: An American Reporter in China), Savitt thuật lại cuộc gọi của ông tới văn phòng để báo tin về vụ thảm sát:

“Dave”, tôi nói liền sau khi nghe giọng cấp trên của mình, “họ bắn vào đám đông và 1 gã đã chết”.

“Sao cậu biết anh ta chết?”

“Vì não anh ta vung vãi trên vỉa hè”.

Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc và Đại sứ quán Thụy Sĩ ước tính, khoảng 2.600 đến 2.700 người bị giết trong cuộc thảm sát Thiên An Môn.

Triệu Tử Dương bị thanh trừng sau cuộc thảm sát và bị biệt giam trong nhà cho đến khi qua đời vào năm 2005. Người thay thế Triệu Tử Dương chính là Giang Trạch Dân, lãnh đạo Thượng Hải khi đó, người ủng hộ biện pháp cứng rắn với sinh viên biểu tình, và cũng là người đóng cửa 1 nhà xuất bản tự do ở Thượng Hải.

Thu hoạch tạng người

Một thập kỷ sau thảm sát Thiên An Môn, Giang Trạch Dân ra quyết định đàn áp một trong những cộng đồng tín ngưỡng đông đảo nhất tại Trung Quốc bởi số người theo tín ngưỡng này vượt qua số đảng viên ĐCSTQ.

“Lẽ nào người cộng sản chúng ta vốn có sẵn lý luận chủ nghĩa Mác, tin tưởng thuyết duy vật, thuyết vô thần, lại không chiến thắng nổi mấy thứ ‘Pháp Luân Công’ tuyên dương hay sao? Nếu quả thực là thế, thì chẳng phải đây là chuyện đáng cười nhất trên trái đất này?”, Giang Trạch Dân viết trong thư gửi Bộ Chính trị tối 25/4/1999.

Ngày trước đó, khoảng 10 nghìn học viên Pháp Luân Công đã tập trung tại Bắc Kinh để thỉnh nguyện lên chính quyền trung ương nhằm giải cứu 45 học viên bị hành hung và bắt giữ gần Thiên Tân. Mặc dù, người thỉnh nguyện chỉ đến và đứng lặng lẽ hai bên đường gần Trung Nam Hải, cảnh sát thong dong vừa hút thuốc vừa trông chừng học viên trước khi rời đi, nhưng ông Giang cho rằng hoạt động thỉnh nguyện bình hòa này là “biến cố chính trị nguy hiểm nhất” kể từ sau ngày 4/6.

Vào ngày 20/7, Giang Trạch Dân ra lệnh nhổ bỏ tận gốc môn tu luyện này. Chỉ qua 1 đêm, 70 đến 100 triệu người luyện tập các bài tập khỏe người ở công viên, sống theo nguyên tắc Chân Thiện Nhẫn, đã phải đối mặt với chiến dịch chính trị đầy bạo lực theo chủ nghĩa Mao.

Chiến dịch bức hại của Giang Trạch Dân kéo dài cho đến tận hôm nay, với 4.000 người bị tra tấn và đánh đập đến chết, theo thống kê của trang minghui.org.

Một số nhà điều tra cho biết chính quyền Trung Quốc còn kiếm lợi từ hoạt động mổ sống cướp nội tạng của học viên Pháp Luân Công bị giam giữ. Hàng trăm nghìn người đã bị giết theo cách này, bởi chính người hành nghề bác sĩ, theo kết quả điều tra của luật sư nhân quyền David Matas, cựu Quốc vụ khanh Canada David Kilgour, và phóng viên điều tra người Mỹ Ethan Gutmann.

RELATED ARTICLES

Tin mới