Tuesday, September 17, 2024
Trang chủGóc nhìn mới"Ông Tập Cận Bình tìm cách tiếp cận ông Donald Trump từ...

“Ông Tập Cận Bình tìm cách tiếp cận ông Donald Trump từ phía sau”

Chủ tịch Tập Cận Bình và đội ngũ cộng sự đang đối mặt với áp lực phải suy nghĩ lại chiến lược của mình với Mỹ sau khi tỉ phú Donald Trump trở thành Tổng thống.

Nikkei Asian Review ngày 3/2 có bài viết “Kênh tiếp cận Donald Trump từ phía sau của ông Tập Cận Bình” cho biết, một Ban Cố vấn Đại học Thanh Hoa, trường cũ của ông Tập Cận Bình có thể đóng vai trò kết nối Chủ tịch Trung Quốc với tân Tổng thống Mỹ.

Tờ báo Nhật nhận định, Chủ tịch Tập Cận Bình và đội ngũ cộng sự đang đối mặt với áp lực phải suy nghĩ lại chiến lược của mình với Mỹ sau khi tỉ phú Donald Trump trở thành Tổng thống thứ 45 Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.

Ông trùm kinh doanh 70 tuổi đã tuyên bố sẽ theo đuổi chính sách “nước Mỹ trên hết”. Donald Trump đã tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc khi phát biểu về thương mại và các vấn đề khác.

Tuy nhiên vẫn có một kênh ngầm giúp ông Tập Cận Bình tìm kiếm quan hệ ngoại giao suôn sẻ với Hoa Kỳ, đảm bảo sự chia sẻ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới không gián đoạn, nguồn tin là một nhà nghiên cứu từ Bắc Kinh cho biết.

Muốn tìm hiểu về kênh kết nối ngầm giữa Trung Nam Hải với đội ngũ quân sư cho Donald Trump, cần phải quay trở lại các hoạt động của Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos, Thụy Sĩ.

Ngụy trang tiếp cận

Ông Tập Cận Bình đã ăn trưa với Stephen Schwarzman, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Blackstone và một số người khác bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos.

Blackstone là một trong những quỹ đầu tư lớn nhất thế giới, quản lý nguồn vốn hơn 300 tỉ USD. Đại học Thanh Hoa, một tổ chức giáo dục có tiếng ở Bắc Kinh là nơi kết nối ông Tập Cận Bình với Schwarzman.

Chủ tịch Trung Quốc từng học ngành kỹ sư hóa chất tại trường đại học này từ giữa năm 1970, còn Schwarzman nằm trong Ban Cố vấn của Học viện Quản lý kinh tế thuộc Đại học Thanh Hoa.

Schwarzman bỏ một khoản tiền lớn thành lập quỹ học bổng mang tên ông để thu hút các sinh viên nước ngoài sang Mỹ học đại học. Đồng thời Schwarzman hiện nay cũng là Chủ tịch Diễn đàn Chiến lược và chính sách được Donald Trump thành lập để quân sư cho ông.

Đây là lý do ông Tập Cận Bình muốn gặp Schwarman tại Davos ngay trước lễ nhậm chức của Donald Trump.

Tân Tổng thống Mỹ được cho là sẽ có một cách tiếp cận “cây gậy và củ cà rốt” với Trung Quốc, tìm kiếm các thỏa thuận tốt hơn thông qua cả hai kênh: áp lực và đối thoại.

Ông Tập Cận Bình dường như thấy Schwarzman như một nhân vật đóng vai trò chủ chốt trong các cuộc đối thoại sắp tới. 

Trung Nam Hải đang đặt hy vọng vào các thành viên Diễn đàn Chiến lược và chính sách, trong bối cảnh Trump đe dọa sử dụng Đài Loan làm đòn bẩy, xem lại nguyên tắc “một nước Trung Quốc”.

Công ty của Schwarzman khá nổi tiếng với giới doanh nghiệp Trung Quốc với cái tên Hắc Thạch (Đá đen). Khi Bắc Kinh thành lập Quỹ Đầu tư Trung Quốc (CIC) năm 2007, CIC đã đầu tư 3 tỉ USD mua gần 10% cổ phần của Blackstone.

Thời điểm đó người dẫn dắt CIC là ông Lâu Kế Vĩ, sau này là Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc cho đến khi được điều chuyển sang bộ phận tham mưu khác giúp ông Tập Cận Bình về kinh tế – tài chính gần đây.

Ngoài Schwarzman, nhiều thành viên khác của Diễn đàn Chiến lược và chính sách ở mức độ nào đó chia sẻ lợi ích với Trung Quốc hoặc thành thạo về Trung Quốc. 

Một trong số đó là Jamie Dimon, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc điều hành “gã khổng lồ tài chính” JPMorgan Chase & Co.

Đội cố vấn ngôi sao

Ban Cố vấn của Học viện Quản lý kinh tế thuộc Đại học Thanh Hoa đóng vai trò quan trọng trong quan hệ kinh tế Trung – Mỹ, được thành lập năm 2000 với sự ủng hộ của Chu Dung Cơ.

Sau đó hàng loạt các công ty liên doanh công nghệ và liên kết với các quỹ đầu tư phương Tây mọc lên như nấm sau mưa xung quanh khuôn viên trường này. 

Chu Dung Cơ tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa, có tầm nhìn kinh tế và vẫn còn ảnh hưởng đáng kể sau khi về hưu. Ông hiện là Chủ tịch danh dự của Ban Cố vấn.

Thành viên Ban Cố vấn này bao gồm những ông trùm kinh doanh sừng sỏ và một số trong đó đang là thành viên Diễn đàn Chiến lược và chính sách của Donald Trump.

Ngoài Schwarzman của Tập đoàn Blackstone như đã nêu, còn có Mary Barra – Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành General Motors, Dimon của JPMogan.

Những ông trùm kinh doanh nổi tiếng khác trong Ban Cố vấn này bao gồm:

Henry Paulson, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ, từng là Chủ tịch và Giám đốc điều hành Goldman Sachs; Lloyd Blankfein, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Goldman Sachs;

Tim Cook, Giám đốc điều hành hãng Apple; Mark Fields, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Ford Motor; Mark Zuckerberg, người sáng lập, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Facebook;

Mark Zuckerberg trong một cuộc trò chuyện với ông Tập Cận Bình, ảnh: The Business Times.

Jack Ma Yun, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Alibaba Holding; Terry Gou, người sáng lập – Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Foxconn Technology; Nobuyuki Idei, cựu Chủ tịch hãng Sony.

Ban Cố vấn không chỉ là một đội toàn “ngôi sao” hàng đầu – những ông trùm kinh doanh toàn cầu, mà còn có nhiều quan chức Trung Quốc đương nhiệm.

Đó là các ông Vương Kỳ Sơn – Trưởng ban Kiểm tra kỷ luật trung ương, Chu Tiểu Xuyên – Thống đốc Ngân hàng nhà nước, Lưu Hạc – cố vấn kinh tế hàng đầu của ông Tập Cận Bình phụ trách Tiểu tổ lãnh đạo kinh tế – tài chính, Phó Thủ tướng Mã Khải và Thống đốc tỉnh Sơn Đông Quách Thụ Thanh.

Hai nhà đầu tư, hai cách ứng xử

Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos năm ngoái, tỷ phú nổi tiếng George Soros đã nhận xét về nền kinh tế Trung Quốc: “Hạ cánh cứng là thực tế không thể tránh khỏi. Tôi không mong đợi nó, tôi quan sát nó”.

Phát biểu này đã tạo ra làn sóng sung kích với thị trường tài chính toàn cầu, Bắc Kinh xem nhận xét này như một điều “sỉ nhục”, bởi ông Tập Cận Bình đang nỗ lực tìm cách “hạ cánh mềm” thông qua điều chỉnh nền kinh tế tăng trưởng chậm nhưng ổn định.

Soros đã phải hứng chịu một cuộc tấn công từ các quan chức chính phủ cũng như các phương tiện truyền thông Trung Quốc, như tờ Nhân Dân nhật báo.

Là người đi tiên phong trong “ngành công nghiệp quỹ đầu cơ” với ảnh hưởng lớn trên thị trường toàn cầu, Soros được giới doanh nghiệp và các nhà đầu tư Trung Quốc biết đến rộng rãi.

Các nhà sách lớn ở Trung Quốc luôn có sách của Soros trên kệ. Nhưng mọi thứ đã thay đổi sau phát biểu đó, sách của Soros đang dần biến mất khỏi các hiệu sách ở Bắc Kinh.

Năm nay, sau cuộc gặp ông Tập Cận Bình tại Davos, Schwarzman cho biết, ông đã được Chủ tịch Trung Quốc đảm bảo rằng, Bắc Kinh muốn tránh một cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Cùng là doanh nhân tầm cỡ toàn cầu và có ảnh hưởng, Trung Quốc đang tìm cách “mua” Schwarzman trong khi muốn “bán tháo” Soros.

Tỷ phú, nhà đầu tư mạo hiểm toàn cầu George Soros, ảnh: Raw Story.

Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump đã cho thấy rõ ý định gây áp lực với Trung Quốc về thương mại qua việc bổ nhiệm Giáo sư Peter Navarro, Đại học California có quan điểm phê phán Trung Quốc quyết liệt, làm người đứng đầu Hội đồng Thương mại quốc gia.

Navarro là tác giả cuốn sách “Cái chết bởi Trung Quốc”, ông nhấn mạnh rằng, việc mua hàng Trung Quốc không khác gì giúp Bắc Kinh tăng cường năng lực quân sự của họ.

Hội đồng Thương mại quốc gia nhiều khả năng trở thành trung tâm chỉ huy các giao dịch thương mại Mỹ – Trung. 

Diễn đàn Chiến lược và chính sách do Shwarzman dẫn dắt sẽ đóng vai trò như thế nào? Diễn đàn này và Hội đồng Thương mại quốc gia sẽ chia sẻ vai trò của mình ra sao? Ông Tập Cận Bình sẽ đáp ứng như thế nào? Tất cả câu trả lời vẫn nằm ở phía trước.

RELATED ARTICLES

Tin mới