Monday, September 9, 2024
Trang chủĐiểm tinTòa phúc thẩm và Bộ tư pháp Mỹ tranh cãi về lệnh...

Tòa phúc thẩm và Bộ tư pháp Mỹ tranh cãi về lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump

Tòa Phúc thẩm có thẩm quyền xem xét lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Donald Trump đã đặt ra rất nhiều câu hỏi hóc búa đối với đại diện Bộ Tư pháp.

Một nhóm người Mỹ biểu tình phản đối lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump.

Tranh cãi giữa Bộ Tư pháp và các bang

Theo AP, trong phiên xét xử tại Tòa Phúc thẩm số 9 có trụ sở tại San Francisco ngày 7/2, Thẩm phán Michelle T. Friedland đã chất vấn đại diện Bộ Tư pháp rằng, Chính phủ có bằng chứng nào cho thấy 7 quốc gia Hồi giáo nằm trong diện bị cấm nhập cảnh của ông Trump có liên hệ với khủng bố hay không.

Đại diện Bộ Tư pháp August Flentje cho biết, do Tòa triệu tập quá gấp nên Chính phủ Mỹ chưa cung cấp được bằng chứng để bảo vệ lệnh cấm nhập cảnh của mình. Tuy nhiên, ông Flentje vẫn viện dẫn một vài trường hợp người Somali ở Mỹ từng có mối liên hệ với tổ chức khủng bố al-Shabab.

Trong khi đó, Thẩm phán Richard Clifton lại chất vấn luật sư đại diện cho 2 bang Washington và Minnesota- vốn chống lại lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump- rằng, ông có bằng chứng gì cho thấy lệnh cấm của ông Trump là vì động cơ tôn giáo.

“Tôi chưa hiểu tại sao ông lại đề cập đến động cơ tôn giáo trong lệnh cấm của ông Trump trong khi đa số người Hồi giáo không hề bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm này”, Thẩm phán Clifton nêu rõ.

Cũng theo ông Clifton, chỉ có 15% người Hồi giáo bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm của ông Trump và “nhưng mối lo ngại về nguy cơ khủng bố có liên quan đến những kẻ Hồi giáo quá khích là rất khó có thể phủ nhận”.

Đáp lại, đại diện bang Washington Noah Purcell cho rằng, bang Washington không cần phải cung cấp bằng chứng về việc từng người Hồi giáo bị tổn hại như thế nào sau lệnh cấm của ông Trump. Theo ông Purcell điều quan trọng là lệnh cấm này có động cơ phân biệt tôn giáo rất rõ ràng.

Cũng trong phiên xét xử, đại diện Chính phủ Mỹ yêu cầu Tòa khôi phục lại lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump và nhấn mạnh, chỉ có Tổng thống mới có quyền quyết định ai có thể ra và vào nước Mỹ. Tuy nhiên, đại diện các bang cho rằng, điều này là vi hiến.

Các thẩm phán tại Tòa cũng chất vấn đại diện Bộ Tư pháp August Flentje rằng tại sao các bang không có quyền thay mặt cho người dân hoặc các trường đại học kiện chính quyền với lý do họ bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm của ông Trump.

Đại diện các bang khởi kiện chính quyền Mỹ cũng lên tiếng yêu cầu Tòa ra phán quyết tạm dừng lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump ít nhất là trong thời điểm vụ kiện của họ được hệ thống Tư pháp xem xét và ra phán quyết cuối cùng.

Đại diện bang Washington Noah Purcell khẳng định rằng, việc tạm dừng lệnh cấm này không gây tổn hại gì đến chính quyền. Trong khi đó, theo ông Purcell, lệnh cấm của ông Trump đã khiến người dân Washington bị tổn hại nghiêm trọng khi khiến nhiều gia đình ly tán, nhiều du học sinh bị dang dở việc học hành và nhiều người không dám ra nước ngoài thăm thân.

Theo người phát ngôn Tòa Phúc thẩm số 9 David Madden, tòa sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng vào cuối tuần này và bất kỳ bên nào không chấp thuận phán quyết của Tòa có quyền đưa vụ kiện này lên Tòa án Tối cao.

Một kết cục vô cùng khó đoán

Trước khi phiên xét xử tại Tòa Phúc thẩm diễn ra, Tổng thống Donald Trump tuyên bố, ông không thể tin nổi việc chính quyền Mỹ phải đấu tranh tại Tòa để bảo vệ lệnh cấm người nhập cư- một chính sách mà theo ông là nhằm bảo vệ chính nước Mỹ.

“Hãy tin tôi, rất nhiều người đang đồng tình với chúng ta”, ông Trump phát biểu trong cuộc thảo luận bàn tròn với các Ủy viên Hiệp hội Cảnh sát Trưởng Quốc gia Mỹ: “Nếu người dân Mỹ muốn biểu tình thì họ đã đổ ra đường biểu tình rồi. Nhưng chính họ cũng muốn biên giới và lãnh thổ của chúng ta được an toàn”.

Trong khi đó, Bộ trưởng An ninh Nội đia Mỹ John Kelly lại cho rằng, sắc lệnh của ông Trump nên được trì hoãn đủ lâu để Quốc hội có thời gian xem xét kỹ lưỡng về sắc lệnh này.

Trong trường hợp vụ kiện do 2 bang Washington và Minnesota khởi xướng nhằm vào lệnh cấm nhập cư của ông Trump được đưa lên Tòa án Tối cao. Chính quyền của ông Trump sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc giành đủ 5 phiếu của các thẩm phán Tòa án Tối cao để đảo ngược phán quyết của Tòa Phúc thẩm.

Sức mạnh của Tòa án Tối cao Mỹ đã bị suy giảm đáng kể sau khi Thẩm phán Antonin Scalia qua đời 1 năm trước khiến Tòa chỉ có 8 thẩm phán và các kết luận của Tòa hầu hết đều có kết quả bất phân thắng bại 4-4.

Hiện vẫn chưa rõ liệu vụ kiện này có được đưa lên Tòa án Tối cao Mỹ hay không và nếu có thì sẽ được đưa lên vào thời điểm nào. Lệnh cấm nhập cư của ông Trump chỉ kéo dài có 90 ngày kể từ khi lệnh này có hiệu lực.

Điều này đồng nghĩa với việc lệnh này có thể sẽ hết hạn trước khi vụ kiện này được đưa lên Tòa án Tối cao hoặc Chính phủ Mỹ có thể thay đổi lệnh cấm này để tránh phải đưa vụ việc này lên Tòa án Tối cao.

RELATED ARTICLES

Tin mới