Thursday, March 28, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiXung đột TQ - Mỹ: Kịch bản chỉ có trong phim

Xung đột TQ – Mỹ: Kịch bản chỉ có trong phim

Những tuyên bố đầy lo ngại về nguy cơ chiến tranh Trung-Mỹ có thể sẽ xuất hiện trong phim ảnh, còn sẽ không bao giờ xảy ra trong thực tế.

Chiến tranh hiện nay không còn đóng khung trong một cuộc chiến thông thường.

Tuyên bố đầy mâu thuẫn của giới chức Mỹ

Sau khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống Hoa Kỳ thứ 45 kéo theo ê-kíp mới, suốt mấy tuần liền trên các phương tiện truyền thông nước ngoài bàn luận về tình hình vùng Biển Đông đang tiến rất gần tới ranh giới chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc.

Bình luận về vấn đề này, nhà bình luận phân tích Piotr Tsvetov của hãng thông tấn Nga Sputnik cho biết, không hiểu tại sao lời tuyên bố của tân Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tại Thượng viện Hoa Kỳ lại được xem như mối đe dọa sử dụng vũ lực chống Trung Quốc.

Ông Tillerson đã nói gì khi phát biểu tại phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ? Ông đã tuyên bố rằng: “Chúng ta sẽ phải gửi tới Trung Quốc một tín hiệu rõ ràng rằng, thứ nhất là hoạt động xây dựng đảo phải chấm dứt, thứ hai là các ông sẽ không được phép tiếp cận các hòn đảo này”.

Các phương tiện truyền thông Trung Quốc và cả của phương Tây đang rầm rộ bình luận về việc, liệu tuyên bố này có thể được xem như một dấu hiệu về việc Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ lực chống lại sự bành trướng của nhà cầm quyền Bắc Kinh ở Biển Đông hay không?

Tuy nhiên, trái ngược với người lãnh đạo ngành ngoại giao Mỹ, tân Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ là tướng về hưu Jim Mattis đã giải thích một cách khác về chủ đề này.

Trong thời gian chuyến thăm đến Nhật Bản và Hàn Quốc hôm 01/02 vừa qua, ông Mattis đã nói rằng, không nên bi kịch hóa hành động của Mỹ như một động thái khiêu khích, Hoa Kỳ sẽ sử dụng tất cả các biện pháp ngoại giao để giải quyết các vấn đề tranh chấp với Trung Quốc.

Thế nhưng liệu có thể nói chắc chắn rằng, cuộc chiến tranh với Trung Quốc không nằm trong chương trình nghị sự của Hoa Kỳ? Điều đáng chú ý là ở phía đối diện, Trung Quốc cũng không tín nhiệm người Mỹ và phản ứng gay gắt với các hành động của chính quyền Hoa Kỳ.

Trong bối cảnh đó, giới phân tích và cả các nhà báo thiên về bình luận chính trị thế giới đang bàn luận về kịch bản đụng độ quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc trong tương lai gần, thậm chí là rất gần.

Nguy cơ xung đột quân sự Trung-Mỹ là có thật?

Mới đây, tờ báo khá có ảnh hưởng ở châu Á là “Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng” – là một nhật báo tiếng Anh xuất bản tại Hồng Kông, thuộc quyền sở hữu của SCMP Group cũng đã có bài bình luận về vấn đề này.

Trong bài phân tích của mình, “South China Morning Post” đã so sánh tiềm năng quân sự của hai cường quốc, các hành động gần đây nhất của lực lượng hải quân hai nước ở Biển Đông, giới thiệu nhiều hình ảnh của những phi cơ chiến đấu và tàu chiến.

Bài báo này có đầu đề rất ấn tượng: “Liệu Trump có thể châm ngòi cho cuộc chạy đua vũ trang giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ?”. Sau khi đọc bài báo này, không ít người đọc đã đồng ý với quan điểm đáng lo ngại về nguy cơ đụng độ quân sự rất cao trên Biển Đông.

Mới hôm 01/02, quan sát viên Theo Sommer của tờ Die Zeit – Đức cũng lo ngại rằng, khả năng tiềm ẩn leo thang xung đột giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trong khu vực Thái Bình Dương là nguy hiểm hơn nhiều so với những gì đang xảy ra giữa Nga và NATO.

Chuyên gia Sommer đồng ý rằng “cuộc chạy đua” giữa Moscow và NATO là nguyên cớ đáng để nhân loại lo ngại, tuy nhiên, theo quan điểm của ông, ở châu Âu không hiện hữu mối đe dọa xung đột quân sự tổng lực, mà vấn đề nguy hiểm nhất là Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ cầm súng chứ không nắm lấy tay nhau.

Theo ông, học thuyết cơ bản của Chiến tranh Lạnh sẽ không bị Moscow và Washington lãng quên là “kẻ nào bắn đầu tiên kẻ đó sẽ chết thứ hai”. Một số sự cố là có thể, nhưng không ai muốn chiến tranh tổng lực – cả Vladimir Putin luôn điềm đạm cũng như Donald Trump với tính cách đầy khó lường.

Tác giả giải thích rằng, về mối đe dọa chiến tranh, ông nhìn thấy rõ hơn mối đe dọa chiến tranh ở phía bên kia địa cầu tức là ở khu vực Thái Bình Dương – nơi có cuộc đối đầu giữa Trung Quốc đang gia tăng sức mạnh như một cường quốc thế giới và nước Mỹ gần đây vẫn là thống soái đang đấu tranh vì vị thế uy quyền tối thượng.

Nguy cơ chiến tranh Trung-Mỹ là không cao

Một tác giả khác có bài viết về nội dung này cũng trên tờ “South China Morning Post” là vị tướng và nhà ngoại giao Philippines Delfin Lorenzana – người từng giữ chức tùy viên quân sự của Philippines tại Hoa Kỳ trong thời gian 10 năm – đã cho rằng, nguy cơ này bị phóng đại quá mức.

Ông Lorenzana cho rằng, chiến tranh Mỹ-Trung Quốc trên Biển Đông sẽ không xảy ra. Tại sao ông tin như vậy? Ông Lorenzana xuất phát từ thực tế rằng, Donald Trump là một doanh nhân siêu hạng nên ông biết rõ rằng, nếu xảy ra chiến tranh thì hoạt động kinh doanh sẽ bị thiệt hại.

Tuy nhiên, một vài nhà nhà sử học không đồng ý với kết luận này. Họ cho rằng, giới doanh nghiệp Mỹ và đặc biệt là giới công nghiệp quốc phòng cũng hiểu rằng, chiến tranh sẽ thiệt hại về kinh tế nhưng họ cũng nhận thức được rằng, chiến tranh là cơ hội.

Giới buôn bán vũ khí Mỹ đã từng làm giàu nhờ Thế chiến I và Thế chiến II. Và Hitler đã đưa nước Đức thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế trong những năm 1930 sau khi bắt đầu quân sự hóa nền kinh tế. Các nhà công nghiệp và thương nhân kiếm tiền lớn nhờ chiến tranh.

Thế nhưng, đó là một thực tế, nhưng nó chỉ phù hợp với quan niệm trước đây về chiến tranh khi vũ khí hạt nhân chưa ra đời, còn trong chiến tranh hiện đại nhanh và đầy khốc liệt, nhất là đối với các quốc gia có vũ khí hạt nhân, chiến tranh đồng nghĩa với sự hủy diệt của cả 2 bên.

Mới hồi cuối tháng 1 vừa qua, giới truyền thông đưa tin rằng, các cơ quan tình báo Mỹ và Bộ Tư lệnh Chiến lược (STRATCOM) đang đưa ra đánh giá mới về khả năng “tồn tại sau tấn công hạt nhân” của cả Nga, Mỹ và Trung Quốc.

Báo cáo nhận định, sau đòn tấn công và đáp trả hạt nhân tiềm năng giữa Nga với Trung Quốc hoặc Hoa Kỳ, tính chất tồn tại của cả ba quốc gia sẽ sụt giảm nhanh chóng (trong điều kiện chiến tranh hạt nhân hạn chế, không hủy diệt hoàn toàn một trong 3 đất nước rộng nhất thế giới này).

Dân số phần châu Âu còn sót lại của Nga sẽ di chuyển đến Urals, Siberia và Viễn Đông. Những người Trung Quốc thoát chết sẽ chạy đến các khu dân cư thưa thớt ở tây bắc đất nước (hiện nay chỉ có 6% dân số sống ở đó), còn cư dân Mỹ sống sót sớm tìm nơi trú ẩn ở Mexico.

Các công dân Liên minh châu Âu không trực tiếp gánh chịu đòn tấn công hạt nhân cũng phải chạy trốn sang châu Phi, tới các tới vùng không ô nhiễm phóng xạ và không đóng băng vào mùa đông (vì không có khí đốt).

Dân cư các nước giáp Nga-Mỹ-Trung Quốc cũng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề và buộc phải di cư tới các khu vực không bị ảnh hưởng của di chứng phóng xạ.

Ngoài các hậu quả hủy diệt đầu tiên đối với các thành phố, làng mạc và con người, hậu quả của phóng xạ hạt nhân còn sinh ra các căn bệnh nguy hiểm chết người mới và biến đổi khí hậu toàn cầu theo hướng hủy diệt sự sống.

Với những đánh giá trên của giới tình báo và quân sự Mỹ, có lẽ người nào có óc tưởng tượng điên rồ hoặc chỉ trong những siêu phẩm của Hollywood người ta mới thấy được một cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc hoặc có thể là với Nga!

RELATED ARTICLES

Tin mới