Thursday, March 28, 2024
Trang chủĐiểm tinThách thức của ông Hun Sen và CPP sau khi Sam Rainsy...

Thách thức của ông Hun Sen và CPP sau khi Sam Rainsy từ chức

Sam Rainsy đã từ chức Chủ tịch CNRP, nhưng không có nghĩa là ông ta đã rời chính trường đất nước Chùa Tháp, chịu bó gối quy hàng.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen, ảnh: Reuters.

Bình luận về tình hình chính trị tại Campuchia, Nikkei Asian Review ngày 11/2/2017 cho rằng:

“Thủ tướng Hun Sen và đảng Nhân dân Campuchia (CPP) được cho là đã tăng cường những nỗ lực nhằm làm suy yếu đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP) trước khi cuộc bầu cử địa phương diễn ra cuối năm nay và cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào năm 2018”.

Tuy nhiên, những động thái được cho là của Thủ tướng Hun Sen nhằm làm suy yếu CNRP để đảm bảo chiến thắng cho mình và CPP chưa biết có hiệu quả đến đâu, thì đùng một cái Chủ tịch CNRP cũng đồng thời là thủ lĩnh đối lập Sam Rainsy lại tuyên bố từ chức.

Với vai trò và ảnh hưởng của mình ở đất nước Chùa Tháp, việc ra đi của ông Sam Rainsy sẽ có tác động rất lớn tới chính trường Campuchia.

Cá nhân người viết cho rằng, việc từ chức của thủ lĩnh đối lập Sam Rainsy giúp tạo ra một vị thế rất lớn cho cá nhân Thủ tướng Hun Sen và CPP, thậm chí có thể nhận diện một thời kỳ hoàng kim nữa – thời kỳ hoàng kim thứ 3 – đã chính thức mở ra với đương kim Thủ tướng Campuchia và CPP. 

Tuy nhiên, cơ hội ấy có biến thành hiện thực hay không còn phụ thuộc rất lớn vào những quyết sách của CPP và Thủ tướng Hun Sen, đặc biệt là giải quyết những mâu thuẫn nội tại về kinh tế – xã hội – chính trị tại đất nước Chùa Tháp, khi Sam Rainsy dù rời chức vụ Chủ tịch CNRP, nhưng vẫn có thể “thao túng” chính trường Campuchia từ xa.

Những thời kỳ hoàng kim đã qua của CPP – Hun Sen và thách thức từ CNRP

Khi quân tình nguyện Việt Nam tiến vào Phnom Penh năm 1979, lật đổ chính quyền diệt chủng Khmer Đỏ, chính thể Cộng hoà Nhân dân Campuchia được thành lập, mở ra thời hoàng kim thứ nhất cho CPP.

Bởi khi đó, đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia (tiền thân của CPP) là đảng chính trị duy nhất trên sân khấu chính trị Campuchia thời hậu Pol Pot.

Năm 1985, khi Thủ tướng Chan Sy qua đời, Ngoại trưởng Hun Sen được bầu làm người thay thế, đã mở ra thời hoàng kim thứ nhất cho ông Hun Sen.

Khi quân tình nguyện Việt Nam rút khỏi Campuchia năm 1989 và sau đó Campuchia được quản lý bởi Phái bộ của Liên Hợp Quốc (UNTAC), thời hoàng kim thứ nhất của CPP và Hun Sen chấm dứt.

Kết quả cuộc tổng tuyển cử năm 1993 khiến CPP phải chia sẻ quyền lực với đảng Bảo Hoàng (FUNCINPEC) của Hoàng thân Norodom Sihanouk, Hun Sen phải làm đồng Thủ tướng với Thái tử Norodom Ranariddh.

Điều này đã trở thành một sự kiện may mắn cho CPP và cá nhân Thủ tướng Hun Sen. Bởi đó là cơ hội để Thủ tướng Hun Sen biến thời gian phân quyền thành quãng thời gian quý giá với CPP.

CPP vừa không mất quyền kiểm soát đất nước trong một chính phủ hợp hiến được quốc tế công nhận, vừa có điều kiện củng cố lại lực lượng. 

Khi người dân Campuchia hướng trọn niềm tin vào Quốc vương Norodom Sihanouk thì CPP gần như độc chiếm vũ đài chính trị Campuchia, mở ra thời hoàng kim thứ hai trong lịch sử nắm giữ quyền lực của mình.

Tuy nhiên, khi Bộ trưởng Tài chính Sam Rainsy rời bỏ chính phủ, thành lập đảng chính trị riêng mang tên mình – đảng Sam Rainsy (SRP), sau này là đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP), thì CPP và Thủ tướng Hun Sen đã chính thức có đối thủ ngang tài ngang sức.

Sam Rainsy là một chính khách lọc lõi, sành sỏi trong việc sử dụng thủ đoạn chính trị để làm nổi bật mình cũng như đảng chính trị của mình trong mắt người dân Campuchia. 

Ngoài những mặt trái trong xã hội Campuchia, Sam Rainsy thường xuyên sử dụng lá bài bài Việt, kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan, phân biệt chủng tộc để tìm kiếm sự ủng hộ từ những người dân thiếu thông tin, nhiều bất mãn.

Cộng đồng người Campuchia gốc Việt, vấn đề dân nhập cư và biên giới Việt Nam – Campuchia thường được Sam Rainsy và CNRP sử dụng trong các cuộc bầu cử và đã tạo ra những làn sóng nhất định khuynh đảo chính trường đất nước này.

CNRP đã nhanh chóng lớn mạnh trong những vùng vốn thuộc quyền kiểm soát của Khmer Đỏ và sau cuộc bầu cứ 1998 thì gần như trắng quyền lực, nhờ đó Sam Rainsy đã nhanh chóng trở thành người có vị thế không kém gì Hun Sen trên chính trường Campuchia.

Nhìn vào sự phát triển nhanh chóng và kết quả đạt được của Sam Rainsy và CNRP trong kỳ bầu cử quốc hội năm 2013, có le ông Hun Sen mới cảm nhận rõ những nguy cơ đến từ đối thủ “sinh sau đẻ muộn”.

Bởi khi đạo luật công nhận địa vị cho thủ lĩnh đối lập được ban hành, vũ đài chính trị Campuchia đã chính thức dành chỗ hợp pháp cho CNRP và Sam Rainsy.

Người viết cho rằng, nếu Sam Rainsy không quá nóng vội trong việc giành quyền lực thì có lẽ chính trường Campuchia hiện nay không hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của ông Hun Sen. 

Dựa vào ảnh hưởng của Sam Rainsy và đường lối chính trị nhấn mạnh chủ nghĩa dân tộc, tấn công các tồn tại và mặt trái của chính quyền, chính sách hiện hành, phe đối lập ngày càng có nhiều thách thức khiến chính phủ Campuchia phải sử dụng những biện pháp mạnh.

Điều đó tạo ra những bất ổn trên chính trường Campuchia và cũng đồng thời chấm dứt thời kỳ hoàng kim thứ hai của CPP và Thủ tướng Hun Sen.

Cú hích từ Trung Nam Hải và việc Sam Rainsy từ chức có mở ra thời hoàng kim thứ ba cho CPP và Hun Sen?

Phải chấp nhận bị thách thức, rồi dần bị đẩy vào thế bị động trước sự tấn công của phe đối lập, cho thấy quyền lực của Thủ tướng Hun Sen và vị thế của CPP trong đời sống chính trị Campuchia đã bị đe dọa nghiêm trọng.

Điều đó một phần bị tác động bởi Sam Rainsy và CNRP, một phần do nền tảng quyền lực của Hun Sen và CPP không vững vàng.

Như người viết đã từng phân tích, nền kinh tế Campuchia gần như không có một ngành kinh tế xương sống. Chính phủ Campuchia không có được sức mạnh nội lực bằng nguồn thu ngân sách từ nền công nghiệp sản xuất nội địa, qua đó đảm bảo sự độc lập cho mình. 

Campuchia phụ thuộc nhiều vào viện trợ của nước ngoài. Thậm chí ngân sách nhà nước của Campuchia cũng có phần từ viện trợ. 

Trung Quốc hiện là nước viện trợ, tài trợ nhiều nhất cho Campuchia, ngược lại Campuchia phải đánh đổi nhiều lợi ích chính trị. Từ sự cộng sinh đó đã hình thành nên quan hệ chiến lược Phnom Penh – Bắc Kinh. 

Cuộc bầu cử quốc hội năm 2018 đang đến gần và CNRP đang đe dọa quyền lực của CPP, Bắc Kinh nhận thấy cần phải có cú hích cho chính phủ Hun Sen.

Chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Campuchia hồi tháng 10/2016, lần đầu tiên trên cương vị người đứng đầu nhà nước Trung Quốc, được xem là cú hích quan trọng cho sự nghiệp chính trị của Thủ tướng Hun Sen và quyền lực cho CPP. 

Phnom Penh rất kỳ vọng chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Campuchia. Và kết quả quá mỹ mãn với Phnom Penh:

“Chủ tịch Tập Cận Bình đã xem đây là chuyến thăm lịch sử và hai bên đã thúc đẩy sự hợp tác trên tinh thần bạn bè thân thiện nhất và đối tác chiến lược toàn diện”, theo The Phnom Penh Post ngày 14/10/2016.

Từ một kết quả như mơ với Phnom Penh sau chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc, khiến giới phân tích đã phải nhìn nhận:

Bắc Kinh có thể giúp mở ra thời hoàng kim thứ ba cho đảng CPP và cá nhân Thủ tướng Hun Sen trong đời sống chính trị tại quốc gia này.

Tuy nhiên, cho dù cú hích của Bắc Kinh có thể giúp CPP và Hun Sen gia tăng sức mạnh trong đối trọng với thách thức từ Sam Rainsy và CNRP, song điều đó chưa đảm bảo cho CPP có thể chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vào năm 2018.

Kết quả cuộc bầu cử năm 2013 vẫn luôn là lời cảnh báo với CPP.

Nay thủ lĩnh đối lập Sam Rainsy rời bỏ CNRP đã có thể tạo ra sự cộng hưởng với hiệu ứng tích cực từ cú hích của Bắc Kinh, chính thức mở ra một chương mới trong việc nắm giữ quyền lực của CPP và Thủ tướng Hun Sen. 

Bởi lẽ CNRP sẽ có thế mất phương hướng khi không còn Sam Rainsy, giống như việc FUNCINPEC bị mất chỗ đứng trong đời sống chính trị Campuchia khi không còn Hoàng thân Sihanouk.

Nhưng những mặt trái, những tồn tại trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội đất nước Chùa Tháp vẫn còn đó, đòi hỏi một sự cải tổ, phá bỏ các rào cản để đất nước phát triển mới thực sự là thách thức lớn nhất đang chờ đợi Thủ tướng Hun Sen.

Sam Rainsy đã từ chức Chủ tịch CNRP, nhưng không có nghĩa là ông ta đã rời chính trường đất nước Chùa Tháp, chịu bó gối quy hàng.

Năm 2013 CNRP suýt nữa thì đe dọa đến vai trò đảng cầm quyền của CPP là nhờ vào Internet và mạng xã hội. Đây sẽ vẫn là những công cụ hữu hiệu để Sam Rainsy can thiệp vào chính trường đất nước Chùa Tháp từ một góc nào đó ở Paris, Pháp quốc.

Cờ đang ở trong tay CPP và Thủ tướng Hun Sen, một thời kỳ hoàng kim thứ 3 cho ông và CPP sẽ không bị bỏ lỡ nếu những rào cản cho hợp tác, phát triển, hòa hợp dân tộc, nâng cao vị thế của Campuchia trong khu vực được dỡ bỏ.

RELATED ARTICLES

Tin mới