Thursday, April 25, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTriều Tiên phóng tên lửa, Nga - Trung chịu thiệt thật sự

Triều Tiên phóng tên lửa, Nga – Trung chịu thiệt thật sự

Học giả Trung Quốc cũng cho rằng, lá chắn tên lửa THAAD sắp được triển khai tại Hàn Quốc đã phá vỡ chiến lược cân bằng của Đông Bắc Á.

Ảnh minh họa.

Ngày 12/2 – đúng thời điểm Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm Mỹ, Triều Tiên công bố đã “thử thành công” tên lửa đạn đạo. Tên lửa được phóng từ căn cứ Banghyon thuộc tỉnh Bắc Pyongan và hướng ra vùng biển Nhật Bản.

Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) dẫn lời một quan chức thuộc Lực lượng phòng vệ Nhật Bản cho rằng, “đây chắc chắn là một sự nhạo báng vào cuộc đối thoại Nhật-Mỹ”.

Cũng theo tờ này, chuyên gia Hàn Quốc lo lắng, động thái của Triều Tiên sẽ buộc Seoul đẩy nhanh quá trình triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) dẫn đến việc Bắc Kinh tăng cường hành động “đáp trả” đối với Hàn Quốc.

Tờ Dong-A Ilbo (Hàn Quốc) dẫn lời Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc nhận định, vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng tại thời điểm này mang nhiều mục đích khác nhau.

Với Triều Tiên, triển khai sức mạnh tên lửa ngay trước ngày sinh cố lãnh đạo Kim Jong Il (16/2) nhằm củng cố vị thế của đương kim lãnh đạo Kim Jong Un, cũng như tìm kiếm sự đoàn kết của thể chế.

Ở bình diện quốc tế, Bình Nhưỡng muốn thăm dò chính sách của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với nước này và cho thấy các lệnh cấm vận đối với Triều Tiên là “vô dụng”.

Với Hàn Quốc, Dong-A cho rằng vụ Triều Tiên phóng tên lửa sẽ gây mất ổn định và mâu thuẫn trong xã hội nước này.

Một số nhà phân tích cho rằng, ngoài mục đích dò la chính sách của chính quyền Trump, Bình Nhưỡng cũng muốn khẳng định sức mạnh trước cuộc tập trận liên minh Mỹ-Hàn sẽ diễn ra vào tháng 3 tới.

Đài CNN dẫn lời tướng lục quân Mỹ về hưu Mark Hertling đánh giá, mọi thử nghiệm quân sự của Triều Tiên đều mang hai mục đích là kỹ thuật và quân sự.

Về kỹ thuật, cho dù thử nghiệm thất bại thì vẫn giúp Bình Nhưỡng học được rất nhiều điều trong đó.

Về mặt chính trị, với người Triều Tiên, Kim Jong Un đang chứng minh ông là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, đồng thời phát đi thông điệp rằng “không nên đánh giá thấp sức mạnh quân sự Triều Tiên”.

Đài truyền hình Nhật bản NHK nhận định, việc chọn thời điểm này để thử tên lửa cho thấy Triều Tiên muốn đáp trả những chỉ trích về nước này, mà Tổng thống Trump và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nêu trong cuộc hội đàm tại Mỹ, và làm dao động chính quyền mới của Mỹ.

Thượng nghị sĩ Nga Alexei Pushkov trả lời hãng thông tấn RIA Novosti (Nga) bình luận, động thái của Triều Tiên nhằm nhắc nhở Mỹ và đồng minh an ninh Đông Bắc Á về một “thách thức thật sự”.

Một quan chức Nga khác nhận định rằng, nếu chính phủ Mỹ tăng cường lệnh trừng phạt với Triều Tiên thì Moscow sẽ rất lo lắng bởi nước này không muốn xuất hiện một “thùng thuốc súng” trong khu vực.

Trả lời phỏng vấn Hoàn cầu, nhà nghiên cứu Lữ Siêu thuộc Viện khoa học xã hội Liêu Ninh cho rằng, “Trung Quốc một lần nữa liên lụy vì vấn đề Triều Tiên”.

Theo Lữ, lý do Mỹ-Hàn triển khai THAAD là để đối phó tên lửa Triều Tiên mà trong quá trình đàm phán triển khai, Bình Nhưỡng tất sẽ tiến hành một vài vụ thử nghiệm tên lửa để “phối hợp khách quan” với Washington-Seoul.

“Toàn bộ chiến lược cân bằng của Đông Bắc Á đã bị THAAD phá vỡ”, ông Lữ lớn tiếng chỉ trích và cho rằng quan hệ Trung-Mỹ, Trung-Hàn bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì THAAD có thể không phải là việc xấu với Triều Tiên nhưng đối tượng “chịu thiệt” thật sự lại là Trung Quốc và Nga.

RELATED ARTICLES

Tin mới